Khẩn trương ứng phó với bão số 5 và khắc phục hậu quả mưa lũ

Mưa lớn dồn dập những ngày qua đã khiến nhiều khu vực tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mưa lớn khiến nhiều nơi bị ngập nước, chia cắt, cô lập, giao thông tê liệt. Trong khi đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn được dự báo sẽ tiếp diễn tại miền Trung và có xu hướng mở rộng ra phía Bắc.

Mưa lớn gây ngập lụt ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Hoan

Mưa lớn gây ngập úng, sạt lở nhiều nơi

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, mưa lớn tại các tỉnh miền Trung trong những ngày qua đã khiến 2 người bị chết do bị lũ cuốn. Mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều địa phương bị ngập lụt, cô lập.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa từ ngày 8-18/10 phổ biến từ 1.000-1.300mm. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã di dời 260 hộ/572 người tại các huyện Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Quảng Điền. Chiều 18/10, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học.

Do mưa lớn nên nhiều tuyến đường giao thông tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập gây ách tắc giao thông. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, tại Km392+100, khoảng 6.300m3 đất sạt xuống mặt đường gây ùn tắc từ 7 giờ 30 phút, ngày 18/10. Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện phân luồng, cảnh báo từ xa điều tiết đảm bảo an toàn giao thông, hiện đã xử lý để thông xe 1 làn. Tuyến đường sắt Bắc Nam qua Thừa Thiên Huế vẫn bị ngập 1 điểm gây ách tắc tạm thời tại lý trình Km678+140. Mưa lớn cũng khiến bờ sông Bồ bị sạt lở 2 điểm tại thôn Thượng An 1, xã Phong An, huyện Phong Điền với chiều dài khoảng 10m.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn khiến nhiều khu dân cư bị ngập từ 0,2-0,4m. Tại khu vực miền núi, nhiều tuyến đường, ngầm tràn bị ngập gây ách tắc giao thông. Trong đó, địa bàn huyện Đakrông, mưa lớn gây ngập nhiều ngầm tràn tại Ba Lòng, cầu tràn A Ngo - A Bung, ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, cầu tràn Húc Nghì, cầu tràn Đá Đỏ... bị ngập từ 1-1,5m. Trên địa bàn huyện Đakrông xảy ra sạt lở 9 điểm trên các tuyến đường. Còn tại huyện Hướng Hóa có 2 vị trí ngầm tràn bị ngập từ 0,5-1m. Tại huyện Hải Lăng, một số tuyến đường xóm, liên xã ở các xã Hải Phong, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Trường, Hải Lâm, Hải Định và thị trấn Diên Sanh bị ngập khoảng từ 0,2-0,8m. Chính quyền địa phương đã phải sơ tán 147 người dân.

Mưa lớn cũng gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam. Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có 19 điểm đường tỉnh, huyện thuộc các huyện Tây Giang, Đông Giang, Quế Sơn, Núi Thành, Điện Bàn bị sạt lở, 212ha lúa và hoa màu bị ngập.

Trước diễn biến mưa lớn, BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung đã điều động gần 500 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng cảnh báo, hướng dẫn, đảm bảo an toàn giao thông và tham gia dọn vệ sinh môi trường, giúp dân khắc phục hậu quả; hỗ trợ di dời người dân ở vùng ngập lụt, sạt lở tới nơi an toàn.

Chủ động ứng phó với bão số 5

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 5 đang di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ. Dự báo, đến 4 giờ, ngày 21/10, vị trí tâm bão ở 19,5 độ vĩ Bắc - 107,5 độ kinh Đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ, mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An hỗ trợ ngư dân trên địa bàn neo đậu phương tiện tại bến. Ảnh: Lê Thạch

Ngày 19/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện tại, bão số 5 đang ở phía Đông Bắc của vịnh Bắc Bộ, phần gió mạnh chủ yếu ở khu vực phía Bắc. Vùng gió mạnh gây ảnh hưởng chủ yếu ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Từ sáng đến trưa, chiều 20/10, bão có tương tác với không khí lạnh khi đi lên phía Bắc của vịnh Bắc Bộ nên sẽ có nguy cơ xuất hiện dông lốc mạnh trên biển. Do tính chất khô của đợt không khí lạnh này, dự báo bão sẽ suy yếu và tan vào sáng 21/10 trên biển.

Để chủ động ứng phó với bão số 5, các đơn vị BĐBP tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ tàu thuyền, gia đình ngư dân để thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.103 phương tiện/246.663 người dân biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Đến 6 giờ, ngày 19/10, còn gần 2.000 tàu với trên 7.700 người hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão và đang di chuyển vòng tránh. Trong ngày 17 và 18/10, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam đã cấm biển.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, sáng 19/10, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai nhận định, mặc dù dự báo cho thấy bão sớm tan trên biển và ít nguy cơ gây mưa lớn cho đất liền, các đơn vị vẫn không được chủ quan. Ông Luận đề nghị, sau khi mưa lớn giảm dần và chấm dứt ở miền Trung, các đơn vị liên quan cần phối hợp với địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ người dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau đợt mưa lũ kéo dài vừa qua.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khan-truong-ung-pho-voi-bao-so-5-va-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-post467783.html