Khan hiếm lao động thu hoạch nông sản ở Hàm Tân

Những năm trước, thời gian cuối tháng 4, mùa thu hoạch mì của nhiều hộ nông dân ở huyện Hàm Tân đã cơ bản xong, chuẩn bị cày xới đất gieo trồng vụ hè thu khi mưa tới. Năm nay vẫn còn không ít hộ cặm cụi thu hoạch cây màu này, bởi khó thuê công nhổ, cắt và vận chuyển.

Ở huyện Hàm Tân nơi có diện tích sản xuất mì hàng năm khá lớn (khoảng 9.000 ha), việc thuê người làm trong vụ thu hoạch đầu năm nay càng trở nên khó khăn. Mặc dù giá thuê công nhổ mì, bốc vác ra xe cày khá cao từ 350.000 – 400.000 đồng/ngày công lao động, nhưng nhiều chủ vườn vẫn rất khó thuê được công người làm trong thời gian qua. Ông Đào Xuân Hoàng, nông dân khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, chia sẻ: “Nhà tôi có gần 2 ha mì trồng ở xã Sông Phan. Mấy năm trước thường thuê được người thu hoạch xong khoảng cuối tháng 3; năm nay khan hiếm công lao động quá, chỉ thuê được mấy người lớn tuổi thân quen, nên gần cuối tháng 4 mới thu hoạch xong. Mì vụ này giá giảm so với trước, chi phí công lại tăng cao”.

Khó thuê người thu hoạch trong vụ mì này.

Trong khi đó, ở xã Sơn Mỹ hàng trăm hộ rất khó khăn trong tìm công nhổ, cắt, bốc mì đã gần tháng nay. Giải pháp tình thế của những chủ rẫy mì ở địa phương này là vần công cho nhau, kịp thu hoạch cây màu hàng năm, chuẩn bị vụ hè thu tới. Anh Trần Văn Huỳnh, thôn 2 xã này cho biết: “Tôi trồng 3 ha mì rẫy giáp ranh xã Tân Xuân, chạy xe máy gần 1 tuần không thuê đâu được người thu hoạch, phải vần công với 5 chủ rẫy thân quen để luân phiên nhổ gần 20 ha mì của các thành viên trong nhóm”. Với cách làm linh động, trong tháng 4, hàng chục nhóm vần công lưu động thanh lý nhiều diện tích mì đến kỳ thu hoạch ở địa phương này; không để kéo dài trong mùa vụ giá mì đang xuống thấp.

Những năm trước, nguồn nhân công tại huyện Hàm Tân vẫn khá dồi dào. Nay đa số thanh niên trong độ tuổi lao động học nghề xin đi làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở trong, ngoài tỉnh, hay làm thợ nề, thợ mộc, làm công ở các trang trại sản xuất, chăn nuôi ở địa phương, có mức thu nhập ổn định. Cùng với đó, đất đai ở huyện Hàm Tân đang có giá cao, khá nhiều gia đình sang nhượng ít đất có số vốn đầu tư cho con cái học nghề, mở tiệm kinh doanh các loại dịch vụ ở địa phương. Đây là nguyên nhân khiến nguồn nhân công thời vụ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hao hụt nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Ánh, nông dân trồng mì tại xã Thắng Hải cho hay: “Giờ người trẻ đều đi làm công nhân, làm thợ, dịch vụ, làm nông chủ yếu là lao động lớn tuổi. Đặc thù trong sản xuất nông nghiệp thường chỉ cần lao động mùa vụ chứ không có việc làm ổn định quanh năm, nên dù tiền công lao động ngày càng cao nhưng không phải lúc nào chúng tôi cần đều tìm được người làm”.

Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít chủ rẫy mì quyết định thay thế bằng những cây trồng lâu năm, bớt vất vả hơn trong thuê công chăm sóc, thu hoạch. Ông Đào Xuân Hoàng ở khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa cho hay, 2 ha đất mì đã trồng 3 năm qua sẽ được thay thế bằng keo giâm hom dài ngày, cải tạo đất mùa vụ sắp tới. Ở 2 thôn vùng sâu Suối Bang, Suối Tứ, xã Thắng Hải trước đó, khá nhiều diện tích trồng mì cũng được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/khan-hiem-lao-dong-thu-hoach-nong-san-o-ham-tan-96855.html