Khám phá Tây Ninh giữa lòng Thủ đô

Một Tây Ninh đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc sẽ được tái hiện vào ngày 7-8/10/2023 tại phố đi bộ Hoàn Kiếm trong sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội.

Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô và là cầu nối giúp thắt chặt mối quan hệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch giữa hai địa phương.

Chia sẻ về sự kiện này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh Trần Anh Minh cho biết, tỉnh kỳ vọng sự kiện lần này sẽ tiếp tục mở ra những tiềm năng, cơ hội đầu tư, phát triển thương mại, du lịch của Tây Ninh, từ đó tạo dấu ấn và cơ hội liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhằm thu hút đầu tư nhiều hơn nữa cho Tây Ninh.

Di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam bộ được trình diễn trên đỉnh núi Bà Đen dịp 30/4.

Ông Minh thông tin đây là lần thứ 3 tỉnh Tây Ninh tổ chức Ngày Tây Ninh tại Hà Nội với chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật, hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch, triển lãm ảnh, cho đến trưng bày các sản phẩm nông – công – thương, sản phẩm dịch vụ du lịch.

Sự kiện sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, quê hương, con người, nét độc đáo về lịch sử văn hóa và du lịch Tây Ninh đến với người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng, người dân cả nước và du khách quốc tế nói chung.

Dịp này, Tây Ninh sẽ đem đến Thủ đô các di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, vốn là niềm tự hào của mảnh đất Tây Ninh nói riêng và miền Nam bộ nói chung như nghệ thuật Đờn ca tài tử hay múa trống Chhay- dăm do chính các nghệ nhân tại Tây Ninh và Nam bộ trình diễn ngay giữa trung tâm Hà Nội.

Múa trống Chhay-dăm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một điệu múa dân gian của người Khmer, thường được biểu diễn trong các ngày lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ooc-om-boc…Ảnh: Báo Tây Ninh.

Sự kiện cũng là cơ hội để người dân Hà Nội và du khách thập phương khám phá đặc sản ẩm thực của vùng đất Tây Ninh, với những món ăn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như bánh tráng phơi sương, muối tôm… và những đặc sản mang thương hiệu Tây Ninh như yến sào, mãng cầu…

Ngoài những hoạt động nói trên, trong khuôn khổ Ngày Tây Ninh tại Hà Nội còn có Hội nghị Quảng bá Xúc tiến Du lịch vào ngày 8/10. Đây sẽ là dịp để giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của du lịch Tây Ninh, kết nối các doanh nghiệp du lịch, thương mại Hà Nội và Tây Ninh.

Tại hội nghị cũng sẽ diễn ra ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch lữ hành Tây Ninh và Hà Nội, đưa ra phương án kết nối, khai thác thị trường tiềm năng phía Bắc để đưa khách về Tây Ninh và ký kết giao thương, mở rộng thị trường, sản phẩm thương mại giữa hai bên.

Du lịch Tây Ninh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Tây Ninh là miền đất hội đủ các lợi thế, để có thể phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch như du lịch Văn hóa – Lễ hội; du lịch nông nghiệp; du lịch sinh thái; du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử; văn hóa các dân tộc thiểu số; các loại hình du lịch dọc tuyến sông Vàm Cỏ Đông… Tuy nhiên, cho đến nay, những lợi thế này vẫn chưa được khai thác đúng tầm, Tây Ninh vẫn chưa nằm trong top các điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam.

Trăn trở với vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh cho biết dù rất giàu tiềm năng, song lượng khách đến Tây Ninh chủ yếu là hành hương tại hệ thống chùa Bà hay Tòa Thánh đạo Cao Đài và tham quan khu du lịch Núi Bà Đen cùng một số điểm di tích lịch sử cấp quốc gia. Đối tượng khách tham quan đang giới hạn chủ yếu là khách trong nước, khách quốc tế còn tương đối ít.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch như cơ sở lưu trú chất lượng cao, trung tâm thương mại, các loại hình du lịch gia tăng trải nghiệm cho du khách như vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, mua sắm, các khu vui chơi giải trí về đêm… để tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế và cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Để khắc phục những điểm trên, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp khu vực, có khả năng thu hút lượng lớn du khách cả trong nước và quốc tế.

Núi Bà Đen được định hướng là điểm đến tâm linh hàng đầu khu vực Nam bộ.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp với chính sách ưu đãi nhất; thu hút đầu tư phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí ban đêm, hình thành các trung tâm mua sắm, ẩm thực tập trung đa dạng và có chất lượng, để không chỉ gia tăng lượng khách mà còn giữ chân khách lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn khi tới Tây Ninh.

Ông Trần Anh Minh khẳng định, tỉnh sẽ tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư, thực hiện vai trò “đầu tàu” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.

Bên cạnh đó đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường khách du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến, quảng bá du lịch, đẩy mạnh truyền thông quảng bá điểm đến sâu rộng hơn nữa.

Với các giải pháp trên, Tây Ninh kỳ vọng đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác.

Tây Ninh là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vị trí địa lý nơi đây rất thuận lợi tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, là cửa ngõ giao lưu thương mại với các nước khu vực ASEAN.

Tây Ninh còn là vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch với các di tích như tháp Bình Thạnh; tháp Chót Mạt, di tích tháp cổ Bình Thạnh - Prasat Ankun; Cổ Lâm Tự; gò tháp Thuận An; thành Sông Đua và nhiều di vật cổ nền văn hóa Óc Eo…

Đây cũng là nơi ra đời, bảo tồn và lưu giữ nhiều nét văn hóa dân tộc có lịch sử đến hàng trăm năm của người Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, Tà Mun với tín ngưỡng thờ Bà Đen, thờ Bà Chúa Xứ, Linh Sơn Thánh Mẫu,...

Lễ Vu Lan trên núi Bà Đen. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain.

Theo thống kê toàn tỉnh có 21 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm 0,7% dân số, dân tộc Chăm chiếm 0,35% dân số, dân tộc Hoa chiếm 0,36% dân số, người Tà Mun chiếm 0,15% dân số. Ngoài ra còn các đồng bào dân tộc khác như Mường, Thái, Châu Ro, Tày, Nùng…sống đan xen với đồng bào người Kinh.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và thương mại và dịch vụ và các ngành nghề khác vì vậy phát triển du lịch cũng là giải pháp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trong tỉnh.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kham-pha-tay-ninh-giua-long-thu-do-post26824.html