Khám phá những địa điểm lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm sau chiến thắng lịch sử 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', Điện Biên hôm nay vẫn lưu giữ những dấu tích đáng nhớ về Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào, như Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, di tích Đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ...

Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng.

Lán làm việc của Ban Thông tin Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhà tác chiến, nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Con đường hầm dài 69m, cao 1,9m, rộng 2m, thông từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến lán của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.

Khách tham quan nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các hoạt động của Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hố bộc phá trên di tích Đồi A1. Hố bộc phá được tạo thành do các đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Lưu Viết Thoảng, Nguyễn Điệt, Nguyễn Văn Bạch điểm hỏa khối bộc phá 960kg vào lúc 20h30 ngày 6-5-1954. Sức nổ đã phá hủy một mảng trận địa, tiêu diệt phần lớn Đại đội dù 2, làm cho quân Pháp choáng váng, tạo thời cơ quan trọng cho Trung đoàn 174 xung phong đánh chiếm toàn bộ cứ điểm Đồi A1 lúc 4h30 ngày 7-5-1954.

Một cựu chiến binh tham quan đường hào tại Đồi A1.

Các học sinh tham quan di tích Đồi A1. Nơi đây trưng bày xác một trong hai xe tăng nặng 18 tấn được Pháp đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội ta.

Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của tướng Pháp De Castries cùng Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đường vào hầm chỉ huy của tướng De Castries cùng Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Phòng làm việc trong hầm chỉ huy của tướng De Castries và Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ được xây dựng năm 1958, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam bên con đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Điện Biên Phủ.

Nghĩa trang như một chứng nhân lịch sử nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau luôn noi gương và ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ, truyền thống anh hùng cách mạng của cha anh để phấn đấu lao động, học tập và rèn luyện mọi mặt, xây dựng quê hương, đất nước.

Nghĩa trang có diện tích hơn 32.000m2, là một trong 3 nghĩa trang cấp quốc gia của tỉnh Điện Biên, được tu bổ và nâng cấp ngày 2-9-1993 thành công trình lịch sử văn hóa. Nơi đây có 644 ngôi mộ của những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhà tưởng niệm Nghĩa trang được xây dựng theo cấu trúc có hình dáng chữ A, với 644 cánh hoa tượng trưng cho 644 anh linh liệt sỹ.

Hầu hết các ngôi mộ trong Nghĩa trang đều vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ lớn được khắc tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.

Hằng năm, cứ vào dịp lễ, tết; đặc biệt là Ngày Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5) và Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), rất nhiều cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, người thân, đồng đội, cháu con của các liệt sĩ trở về đây, thắp nén tâm nhang thành kính trước anh linh của các anh hùng, liệt sỹ... Trong ảnh: Ông Ngô Trí Phúc (con liệt sĩ Ngô Trí Lan hy sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ) thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Dương Minh Tuấn, tỉnh Thái Nguyên (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội dâng hương các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kham-pha-nhung-dia-diem-lich-su-trong-chien-dich-dien-bien-phu-663990.html