Khám phá loại tiêm kích hạm là nền tảng sức mạnh của tàu sân bay Mỹ

Đóng vai trò chủ đạo làm nên sức mạnh của các hàng không mẫu hạm Mỹ chính là mẫu tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet.

Mẫu tiêm kích hạm F/A-18 Hornet biên chế vào 1983 và phiên bản nâng cấp Super Hornet được đưa vào hoạt động vào năm 1999 đã làm nên nền tảng sức mạnh của các hàng không mẫu hạm Mỹ.

Sự xuất hiện của F/A-18E/F Super Hornet trong hải quân Mỹ phần lớn là do hiệu quả về mặt ngân sách.

Trước đó vào thâp niên 1980, tham vọng của quân đội Mỹ là trang bị cho các tàu sân bay của họ tiêm kích hạm tàng hình A-12 Avenger.

Tuy nhiên dự án tốn kém này đã không thành công, điều này mở đường cho sự xuất hiện của F/A-18E/F Super Hornet vì loại tiêm kích hạm này hiệu quả về mặt chi phí.

Ngay khi đi vào biên chế chưa lâu, tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet đã được huy động trong chiến dịch giám sát phía Nam Iraq khi Liên quân do Mỹ dẫn đầu thiết lập vùng cấm bay năm 2002.

Chiến tranh Iraq bắt đầu vào năm 2003 đã chứng kiến việc sử dụng rộng rãi F/A-18E/F Super Hornet giúp Mỹ và đồng minh duy trì ưu thế trên không.

Ngoài chiến trường Trung Đông, F/A-18E/F Super Hornet đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trên toàn cầu.

Dòng chiến đấu cơ này cũng đóng một vai trò quan trọng trong Chiến dịch Tự do Bền vững ở Afghanistan, khi nó thực hiện các cuộc không kích chống lại các thành viên Taliban và al-Qaeda.

Tiếp đến dòng F/A-18E/F Super Hornet ghi dấu ấn trong cuộc chiến Libya năm 2011, thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự đối phương.

Trong thời gian gần đây, sự tham gia của F/A-18E/F Super Hornet đã mở rộng nhiệm vụ để chống lại các thành viên IS ở Iraq và Syria.

Ngoài ra, F/A-18E/F Super Hornet cũng đã được triển khai ở Biển Đông trong khuôn khổ các hoạt động Tự do Hàng hải của hải quân Mỹ.

Dự kiến dòng chiến đấu cơ này sẽ tiếp tục phục vụ trong hải quân Mỹ cho đến ít nhất là năm 2040.

Kể từ khi ra đời, F/A-18E/F Super Hornet đã nhận được đánh giá tích cực, đồng thời cho thấy đây là một trong số ít những tiêm kích hạm tốt nhất thế giới.

F/A-18E/F Super Hornet đã chứng tỏ sự nổi bật của mình trong vô số vai trò như chiếm ưu thế trên không, tấn công mục tiêu mặt đất, mặt biển bằng vũ khí chính xác bất kể ngày đêm.

Khả năng thích ứng với các nhiệm vụ đa dạng đã giúp F/A-18E/F Super Hornet trở thành tài sản vô giá trong kho vũ khí của hải quân Hoa Kỳ.

F/A-18E/F Super Hornet thực chất là một phiên bản có kích thước lớn và hiện đại hơn được phát triển từ F/A-18C/D Hornet.

Tiêm kích hạm này được Hải quân Mỹ đặt mua của hãng McDonnell Douglas vào năm 1992, nó bay lần đầu tiên vào tháng 11/1995, hạ cánh lần đầu tiên trên tàu sân bay vào năm 1997.

F/A-18 Super Hornet đi vào hoạt động chính thức vào năm 1999 với hai biến thể E một chỗ ngồi và F hai chỗ ngồi để thay thế cho tiêm kích hạm F-14 Tomcat.

Máy bay được thiết kế với chiều dài: 18.31m; sải cánh: 13.62m; chiều cao: 4.88m.

Trọng lượng cất cánh tối đa của F/A-18 Super Hornet lên tới 30 tấn.

Máy bay được trang bị động cơ F414-GE-400 với lực đẩy đốt sau lên tới 98 kN. Hai động cơ cực khỏe này giúp F-18 Super Hornet có thể bay với vận tốc Mach 1.6. Tầm bay lên tới 2346 km.

Về hỏa lực, F/A-18 Super Hornet sở hữu kho vũ khí khổng lồ, với 11 giá treo trên cánh và giữa thân, cho phép F-18 mang tải trọng 8 tấn vũ khí bên ngoài.

Nó có thể sử dụng được nhiều loại bom, tên lửa cho đủ các nhiệm vụ đối không, đối hải và đối đất, tác chiến điện tử…

Máy bay cũng được trang bị hệ thống đối kháng tổng hợp (IDECM) gồm hệ thống phòng vệ chống tên lửa, có khả năng phóng mồi bẫy ALE-47, ALE-50; radar cảnh báo AN/ALR67V3 và hệ thống gây nhiễu ALQ-65 hoặc ALQ-71; hệ thống thông tin số liệu chuẩn Link 16…

Hiện đây vẫn là máy bay tiêm kích hạm thành công nhất thế giới. Ngoài Mỹ còn có một số quốc gia khác cũng đang sử dụng loại máy bay này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kham-pha-loai-tiem-kich-ham-la-nen-tang-suc-manh-cua-tau-san-bay-my-post572761.antd