Khám phá kinh ngạc ngôi đền cổ nhất thế giới

Được xây dựng từ năm 9600 đến 8200 trước Công nguyên, Göbekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ được cho là ngôi đền cổ nhất trong lịch sử thế giới.

Theo ATI, Göbekli Tepe hiện được cho là ngôi đền cổ nhất trên thế giới, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn chưa lời giải. (Nguồn ảnh: ATI, Wikipedia, IT)

Khi các nhà khảo cổ lần đầu tiên phát hiện đồi Gobekli Tepe vào những năm 1960, họ cho rằng nó chỉ là một nghĩa địa thời Trung Cổ. Ngọn đồi này chứa những phiến đá vôi vỡ và rất nhiều chuyên gia chỉ đơn giản cho rằng những phiến đá này là bia mộ.

Tuy nhiên, nhà khảo cổ học người Đức, Klaus Schmidt, lại nhìn thấy một điều khác biệt ẩn chứa trong đó. Sau khi đọc được thông tin về ngọn đồi này, ông tìm đến Gobekli Tepe để tìm hiểu. Và khi schmidt đến Göbekli Tepe, ông tin rằng "chỉ có con người mới có thể tạo ra thứ như thế này".

"Ngay khi nhìn thấy nó, tôi biết mình cần phải lựa chọn. Đi khỏi và không nói với ai, hoặc dành phần đời còn lại làm việc ở đây”, Schmidt kể. Và ông đã quyết định ở lại.

Chỉ một năm sau, Schmidt và nhóm của ông đã phát hiện ra những tảng cự thạch được chôn dưới đất và những cây cột xếp thành vòng tròn. Điều đáng kinh ngạc là một số cây cột có hình chạm khắc phức tạp về các loài thú như sư tử, rắn và bọ cạp.

Thú vị hơn nữa, các nhà khảo cổ sớm phát hiện ra rằng địa điểm này có niên đại từ 11.000 đến 12.000 năm tuổi. Và Schmidt tin rằng khám phá của ông còn có một ý nghĩa đặc biệt khác. “Göbekli Tepe là thánh địa đầu tiên do con người xây dựng”, ông tuyên bố. Nhưng điều gì khiến Schmidt chắc chắn mình đã khám phá ra ngôi đền cổ nhất thế giới?

Schmidt và nhóm nghiên cứu của ông có nhiều lý do để tin vào điều này. Một phần đến từ những gì họ không tìm thấy tại địa điểm này như bếp lò nấu ăn, nhà ở hoặc hố rác. Nói cách khác, có vẻ như con người cổ đại không định cư tại Gobekli Tepe.

Thêm vào đó, Gobekli Tepe có thể được xây dựng trước khi con người biết thuần hóa động vật hoặc trồng cây. Một nghiên cứu về xương động vật được tìm thấy tại khu vực này cho thấy nhiều loài hoang dã, bao gồm lợn rừng, cừu, kền kền và vịt, từng sinh sống trong khu vực.

Các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều hình chạm khắc tại Gobekli Tepe - có thể là những biểu hiện ban đầu về tôn giáo. Schmidt nghĩ rằng ngôi đền thậm chí có thể đã thu hút những người săn bắn hái lượm từ Châu Phi.

Năm 2017, các nhà khảo cổ tìm ra manh mối mới và tiến thêm một bước nữa gần hơn đến việc giải mã một số bí ẩn cổ xưa của ngôi đền. Họ đã có một khám phá quan trọng tại Gobekli Tepe: Hộp sọ người.

Một số trong những hộp sọ này đã được chạm khắc có chủ ý với những đường rãnh sâu và thẳng chạy từ trước ra sau. Các nhà khảo cổ nghi ngờ các hộp sọ được chạm khắc là có lý do.

Việc phát hiện ra những hộp sọ chứng tỏ rằng còn nhiều điều cần khám phá ở ngôi đền. Gobekli Tepe gợi ý rằng tôn giáo có trước nông nghiệp, nhưng điều gì đã thu hút những người săn bắn hái lượm xây dựng ngôi đền ngay từ đầu?

Hiện tại, các nhà khảo cổ vẫn tiếp tục nghiên cứu để tìm câu trả lời cho những bí ẩn lịch sử còn ẩn chứa trong ngôi đền cổ nhất thế giới này.

Mời độc giả xem thêm video: Thị trấn kỳ lạ, nơi người dân dùng kim cương làm gạch xây nhà

An An (Theo ATI)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/kham-pha-kinh-ngac-ngoi-den-co-nhat-the-gioi-1952014.html