Khám phá kho báu cổ vật giữa Tây Nguyên đại ngàn

Bén duyên với đồ cổ từ nhỏ, đến nay anh Võ Minh Luân (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã có trong tay một 'kho báu' đồ sộ, sống động với hàng vạn cổ vật về văn hóa, đời sống của người dân Tây Nguyên.

Với người đàn ông 37 tuổi này, mỗi một món đồ, mỗi một tác phẩm sưu tầm được là cả một câu chuyện dài về văn hóa, về hành trình tìm kiếm cổ vật đầy thú vị…

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà chóe - Ngôi nhà di sản văn hóa Tây Nguyên Đại Ngàn của anh Luân, khi trước đó đã được nhiều bạn bè kể về “kho báu” đầy bí ẩn và cuốn hút này. Trong một con hẻm ở đường Hải Triều, khi chúng tôi đến, anh Luân đang miệt mài hướng dẫn và giới thiệu cho du khách về những món bảo vật trong ngôi nhà.

Đầu chiều, cơn mưa đến vội. Anh chuẩn bị một tách trà nhỏ, với một vài chiếc ly gốm độc đáo, cổ xưa. “Vừa đón một đoàn khách từ Sài Gòn đến, họ đi cả gia đình và mong muốn tìm hiểu về nét văn hóa Tây Nguyên qua những cổ vật gốm cổ. Mình vừa giới thiệu cho họ xong, họ rất thích thú. Họ nói họ ở TP.HCM đến du lịch ở Đắk Lắk nhưng rất tò mò với cổ vật về Tây Nguyên nên đã tìm đến”- anh Luân cho hay.

Mưa pha vào bức tranh treo đầu tường, sát cửa ra vào, anh Luân đứng dậy khép hờ cánh cửa. Trong căn phòng mờ mờ tối, màu sắc từ bức tranh như rạng lên một góc nhà. Chỉ tay vào bức tranh, anh liên tục giới thiệu cho chúng tôi về nét ý nghĩa ẩn bên trong. Anh bảo, đây là một trong những bức tranh quý trong bộ sưu tập hàng trăm bức tranh mà anh có được, bức tranh “Ngủ ngon Akei ơi” của họa sĩ Y Bui Niê Kdăm.

Bạn trẻ thích thú bên bức tranh ‘Ngủ ngon Akei ơi’, đây là bức tranh quý nói về tình cảm của người mẹ dành cho con mà anh sưu tầm được.

Bạn trẻ thích thú bên bức tranh ‘Ngủ ngon Akei ơi’, đây là bức tranh quý nói về tình cảm của người mẹ dành cho con mà anh sưu tầm được.

Bức ảnh vẽ một người phụ nữ đang nằm cạnh đứa con nhỏ. Khuôn mặt của cô gái ánh lên một nụ cười phúc hậu. Anh Luân nói, theo như tác giả của bức tranh, cảm hứng sáng tác là từ một cô gái Êđê xinh đẹp. Vị ngọt tình yêu như nếm cái cấm đầu đời. Tuổi thanh xuân với bao mơ ước hoài bão về tương lai.

Rồi lớn lên, cái gì tới cũng tới. Rồi tuổi trẻ bồng bột, hôn nhân, lập gia đình khi còn quá trẻ. Ngoài những lúc vất vả ruộng nương, lúc trở về, người mẹ trẻ vẫn nở nụ cười rồi cất lời ru ngọt ngào: “Ngủ ngoan Akei ơi/Con là mặt trời của mẹ/Mẹ dành cả thanh xuân cho con/ Con hãy ngủ ngoan nhé/ Bao hoài bão, ước mơ của mẹ giờ dành cho con”....

“Bức tranh nói về tình mẫu tử thiêng liêng và những trăn trở, hối tiếc của bao người phụ nữ đồng bào Tây Nguyên phải kết hôn quá sớm vì phong tục và cuộc sống. Đây cũng là một trong những bức tranh quý về chủ đề lao động, tình yêu, cuộc sống, tập tục… của người đồng bào Tây Nguyên xuyên suốt bộ sưu tập của vợ chồng mình."

Ngoài ra, trong ngôi nhà chóe của anh Luân còn có nhiều bức tranh quý, những tác phẩm nghệ thuật ghi lại nét đẹp văn hóa của đồng bào Tây Nguyên thông qua ngòi bút tài hoa của những họa sĩ nổi tiếng. Ví như bức tranh vẽ cô gái đứng bên cạnh rừng cây xanh của họa sĩ Hồ Hậu. Anh cho biết, đây là bức tranh quý, đạt giải, được anh sưu tầm trong vài năm gần đây.

“Đây là một trong những bức tranh tôi rất thích. Bức tranh nói về giấc mơ của một cô gái muốn phủ xanh đồi trọc. Đây cũng là mong ước của nhiều người, nhất là thực trạng hiện nay nạn phá rừng ngày càng tiềm ẩn những nguy cơ lớn. Bức tranh có ý nghĩa, luôn muốn nhắc nhở chúng ta hãy giữ, bảo vệ rừng”- anh Luân chia sẻ ngắn.

Dẫn chúng tôi đến bên cạnh một bức tượng một cô gái bị mất một cánh tay, anh bảo, giờ ở đây muốn tìm một bức tượng để sưu tầm thì dễ, nhưng tìm một bức tượng như thế này thì rất hiếm. Chia sẻ với chúng tôi, anh bảo đây là hiện vật anh sưu tầm được ngay trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Một ngày nọ, tình cờ anh vào thăm buôn Akô Dhông, nhìn thấy bức tượng một cô gái Tây Nguyên mang gùi ở một góc vườn trong ngày mưa gió. Bức tượng có men màu đen, hình tượng một cô gái Êđê da nâu mắt sáng, được làm ở Bình Dương vào khoảng giữa thế kỷ XX.

“Bức tượng không còn nguyên vẹn và bị gãy tay. Tôi nhìn rất tiếc, và cảm thấy nếu để ngoài trời thì thời gian sau nữa bức tượng sẽ hao mòn, thậm chí không còn nguyên vẹn và đẹp nữa. Tôi liền gặp chủ nhà bày tỏ niềm mong muốn đem bức tượng về bảo quản ở ngôi nhà chóe.

Biết được niềm đam mê giữ gìn văn hóa Tây nguyên của tôi, gia chủ đã tặng cho tôi về trưng bày”- anh Luân kể và cho biết thêm, khi có được bức tượng này, một cảm giác buồn vui lẫn lộn trong anh không thể nào tả được.

Câu chuyện giữa chúng tôi bỗng dừng lại, vì có một đoàn khách đến thăm quan ngôi nhà chóe. Anh Luân dẫn khách tham quan đi giới thiệu về những món cổ vật và thông qua đó chuyển tải những câu chuyện về văn hóa Tây Nguyên.

Chỉ vào những chiếc bình được trưng bày trang trọng trong những chiếc tủ kính, anh Luân nói rằng, đó là những chiếc chóe cổ từ thế kỉ thứ 13 đến thế kỉ thứ 18, thuộc các dòng gốm trứ danh Châu Ổ, Gò Sành, Quảng Đức hay gốm Đông Sơn,… Hoa văn trên gốm ghi lại những cảnh sinh hoạt của người đồng bào Tây Nguyên xưa và nay.

Theo anh Luân, đồ gốm không chỉ mang vẻ đẹp riêng biệt mà ẩn giấu bên trong câu chuyện về cuộc sống, văn hóa, tập tục của từng tộc người, được nghệ nhân làm gốm xưa khắc họa lên tác phẩm. Bén duyên từ nhỏ, trong suốt hành trình sưu tầm của mình, anh mong muốn sở hữu được tất cả những bộ chóe, chum có hình ảnh, nét văn hóa liên quan đến con người Tây Nguyên.

Với tâm nguyện muốn bảo tồn hình ảnh chiếc chóe Tây Nguyên, ít nhất là trên đồ gốm, anh Luân đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền của sưu tầm các dòng chóe cổ Việt Nam có hình tượng về Tây Nguyên.

Thật vậy, trong ngôi nhà chóe Đại Ngàn, hàng ngàn chiếc chóe, chum lớn nhỏ với hàng loạt câu chuyện gắn liền được anh bài trí một cách trang trọng khắp năm tầng. Dọc các cầu thang, những chiếc bình có niên đại lớn, với màu sắc và hoa văn đẹp được đặt đúng vị trí tỏa ra sắc màu lung linh. Phía bên trong của những chiếc chóe, bình là hình ảnh như lễ hội đâm trâu, đám cưới chuột, đánh đàn đá, săn thú, săn voi… được anh miệt mài sưu tầm trong nhiều năm.

Đưa chúng tôi xem một chiếc bình gốm cổ xưa, anh Luân nói, trong quá trình sưu tầm các hiện vật mang chủ đề Tây nguyên trên gốm xưa, anh vô tình biết được một nhà sưu tầm nổi tiếng ở Bình Dương đang sở hữu chiếc bình, trên đó khắc chạm cuộc sống người Tây nguyên xưa như giã gạo bên nhà rông, săn bắn thú rừng, chèo thuyền độc mộc… .

Theo đuổi hơn hai năm, bằng nhiều mối quan hệ, anh mới gặp được chủ nhân của chiếc bình cổ nói trên tại nhà riêng ở Bình Dương. Đó là nhà sưu tầm Nguyễn Đương, là một người rất đam mê sưu tập các hiện vật gốm sứ cổ xưa.

Theo đuổi hơn hai năm, bằng nhiều mối quan hệ, anh mới gặp được chủ nhân của chiếc bình cổ nói trên tại nhà riêng ở Bình Dương. Đó là nhà sưu tầm Nguyễn Đương, là một người rất đam mê sưu tập các hiện vật gốm sứ cổ xưa.

Anh không bán hoặc giao lưu với ai. Tôi đã trao đổi với anh bằng niềm đam mê của mình rằng muốn đem chiếc bình quý về vùng đất Tây nguyên để bảo tồn. Thấy được nhiệt huyết của tôi, anh đã hữu duyên tặng tôi mang về”- anh Luân kể.

Cũng theo anh Luân, trước khi trao chiếc bình cho anh, nhà sưu tầm Nguyễn Đương còn nói, đây là chiếc bình mang nét văn hóa Tây nguyên được làm ở Bình Dương vào thập niên 1980-1990 duy nhất mà ông có. Tặng chiếc bình cho anh Luân cũng là cách ông mong muốn đóng góp vào sự bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Tây Nguyên.

Nói về cơ duyên đến với việc sưu tầm, anh Luân cho biết, lúc nhỏ hay ở chơi với nhiều gia đình người đồng bào. Ở trong nhà họ có nhiều chum, chóe nhìn rất thích mắt. Từ đó, niềm đam mê sưu tầm hình thành trong anh. Tuy nhiên, buổi ban đầu việc sưu tầm gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn người dân không chịu trao đi những vật đã ở lâu với gia đình họ. Có những món đồ, anh phải lặn lội vài năm trời và bằng cơ duyên mới sưu tầm được.

Ngoài sưu tầm các hiện vật do các nhà sưu tầm nổi tiếng trong nước hữu duyên cho, anh còn sưu tầm các hiện vật từ nước ngoài về. Điển hình trong đó có chiếc bình độc đáo về chủ đề Tây nguyên được làm bằng men đá đỏ của trường Mỹ Nghệ Biên Hòa tạo tác vào giữa thế kỷ XX.

Theo anh Luân, tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời anh là lưu giữ được những cổ vật mang ý niệm về con người, cuộc sống, văn hóa Tây Nguyên nên mỗi lần nghe có những cổ vật như thế, anh rất tò mò và tìm mọi cách để mang về đại ngàn.

“Trên chiếc bình vẽ cảnh sinh hoạt không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên. Đây là di sản phi vật thể của nhân loại được UNESCO thế giới công nhận. Biết được hiện vật đang được bán đấu giá ở một sàn đấu giá bên Pháp, tôi đã nhờ một người chuyên đấu giá cổ vật ở TP.HCM đấu giá mang về Việt Nam.

Giá trị hiện vật tuy không cao nhưng giá trị văn hóa là rất lớn và là báu vật vô giá để lại cho thế hệ mai sau, góp phần làm phong phú các di sản văn hóa ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung. “Từ khi chiếc bình được mang về, chúng tôi rất trân quý, đồng thời muốn giới thiệu cho mọi người cùng thưởng thức, nghiên cứu”- anh Luân chia sẻ.

Ngoài hàng ngàn chum, chóe và các bức tranh có giá trị cao về mặt lịch sử, anh Luân còn sưu tầm hàng ngàn cuốn sách, trong đó có một số cuốn sách hiếm, nay không còn xuất bản nữa. “Nhiều cuốn sách quý về văn hóa, con người, các tập tục của người dân Tây Nguyên được tôi sưu tầm về để lưu giữ lại. Hoặc khi có người cần tìm hiểu về văn hóa, con người Tây Nguyên thì có thể đến ngôi nhà chóe Đại Ngàn để đọc, tham khảo”- anh Luân nói.

Tủ sách với hàng trăm cuốn sách quý, được xem như thư viện thu nhỏ về văn hóa Tây Nguyên giữa lòng phố Buôn Ma Thuột.

Tủ sách với hàng trăm cuốn sách quý, được xem như thư viện thu nhỏ về văn hóa Tây Nguyên giữa lòng phố Buôn Ma Thuột.

Cũng theo anh Luân, có một cuốn sách không còn xuất bản nữa, sau khi có được, anh đã in ra nhiều bản để tặng những nhà nghiên cứu, tặng các bảo tàng. Theo anh, việc làm này nhằm lưu giữ lại những tài liệu quý giá, lan tỏa giá trị về văn hóa, lịch sử Tây nguyên. Đây được xem như một thư viện thu nhỏ về văn hóa, con người Tây Nguyên cho những người muốn tham quan, tìm hiểu.

Mặc dù rất tâm huyết với việc sưu tầm cổ vật, đặc biệt là là những cổ vật mang nét văn hóa Tây Nguyên nhưng anh Luân không giữ cho riêng mình mà thường xuyên hiến tặng nhiều hiện vật có giá trị cho các bảo tàng. Trong đó, có thể kể đến như việc hiến tặng nhiều hiện vật cho bảo tàng Đắk Nông, TP.HCM, Đắk Lắk...

Ngoài các cổ vật, anh Luân còn sưu tầm nhiều vật dụng liên quan đến lao động, sản xuất của người đồng bào Tây Nguyên xưa và nay.

Ngoài các cổ vật, anh Luân còn sưu tầm nhiều vật dụng liên quan đến lao động, sản xuất của người đồng bào Tây Nguyên xưa và nay.

Hiện là hội viên của Trung tâm nghiên cứu và sưu tầm UNESCO Việt Nam và là thành viên của nhiều hội cổ vật, ngoài việc hiến tặng hiện vật, anh Luân cũng thường xuyên tham gia các hoạt động trưng bày hiện vật để người dân tham quan, tìm hiểu. Khi được hỏi về việc nếu khách du lịch quá thích một món đồ nào đó tại ngôi nhà chóe và muốn mua, anh Luân nói rằng trước mắt sẽ mở cửa rộng rãi cho người dân tham quan, tìm hiểu chứ chưa nói đến việc bán đi cổ vật nào.

“Tôi muốn bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa quý giá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để lại cho thế hệ mai sau. Qua đó, khi du khách đến vùng đất này, họ sẽ thấy được người bản địa nơi đây có đời sống văn hóa tinh thần thật phong phú, đa dạng và đầy bản sắc đáng để khám phá ở đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ…” - anh Luân tâm sự.

Nội dung: HUY TRƯỜNG Đồ họa: THÙY TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/kham-pha-kho-bau-co-vat-giua-tay-nguyen-dai-ngan-post679509.html