Khám phá điện Phụng Tiên

Từng là một công trình đồ sộ tồn tại trong quá khứ, trải qua nhiều biến động của lịch sử, điện Phụng Tiên tại Đại Nội Huế đã bị hủy hoại hoàn toàn. Từ năm 2017, quần thể điện Phụng Tiên dần được khôi phục thông qua dự án hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức để bảo tồn các cấu trúc còn lại, hồi sinh hình dáng và chức năng ban đầu.

Tham khảo thông tin về điện Phụng Tiên

Mới đây (ngày 20/11), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Fulda, Đức (GEKE) tổ chức triển lãm “Khám phá quần thể điện Phụng Tiên”. Triển lãm trong khuôn khổ Dự án hợp tác bảo tồn di sản giữa Trung tâm BTDTCĐ Huế với GEKE (giai đoạn 2017 - 2026) về Bảo tồn, trùng tu, phục chế ảo kiến trúc hiện hữu tích hợp đào tạo - tập huấn kỹ thuật cho học sinh - sinh viên (HS-SV) tại điện Phụng Tiên.

Hồi sinh

Điện Phụng Tiên (ban đầu tên là điện Hoàng Nhân) là một trong năm miếu/điện thờ quan trọng của triều Nguyễn, được xây dựng năm Gia Long thứ 13 (1814), ở bắc Triệu Miếu, để thờ Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu - chính thất của hoàng đế Gia Long. Năm 1829, vua Minh Mạng đổi tên là điện Phụng Tiên và năm 1837 cho dời về vị trí hiện nay. Lúc này, cấu trúc của điện được dựng theo “cách thức Thế Miếu, đổi làm 9 gian, miếu ở đằng trước, điện ở đằng sau”, thờ các vua, hoàng hậu của triều Nguyễn, nơi mà nữ giới thuộc hoàng gia được tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói hàng ngày.

Khuôn viên điện gồm có 5 công trình chính: chính điện, Đông - Tây Phối điện, Tả - Hữu Tòng Viện và nhiều công trình khác, như: hệ thống cổng, cửa, bình phong, bể cạn – non bộ… Năm 1947, điện Phụng Tiên bị hủy hoại toàn bộ, chỉ còn nền móng một số ít công trình nhỏ, như cổng, bình phong, bể cạn, non bộ nhưng trong tình trạng hư hại nặng nề, có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.

Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung thông tin: “Thông qua dự án hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức giai đoạn 2017 - 2019, dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong, non bộ kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về điện Phụng Tiên được thiết lập và tiến hành một cách cấp thiết nhằm cứu vãn, bảo tồn bền vững một công trình mang nhiều giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật mà các bậc tiền nhân đã để lại. Đây cũng là bước khởi đầu cho kế hoạch nghiên cứu, trùng tu điện Phụng Tiên trong tương lai”, ông Trung nói.

Tái hiện bằng công nghệ

Gắn bó với công tác trùng tu, bảo tồn di tích Huế nhiều năm qua, chuyên gia bảo tồn đại diện GEKE e.V – bà Andrea Teufel chia sẻ, bà trăn trở, suy nghĩ về việc “làm thế nào để một nơi tĩnh lặng như điện Phụng Tiên - nơi đã mất đi những kiến trúc quan trọng nhất có thể tự kể lại câu chuyện của mình. Và làm sao để bảo tồn, phục hồi những tòa nhà còn sót lại đúng với hình thức và vật liệu ban đầu”.

“Chúng tôi đã thực hiện liên tục từ năm 2017, tuy nhiên, điều này không đủ để hồi sinh một công trình bị tàn phá nặng nề như điện Phụng Tiên. Du khách vẫn vội vã đi qua khuôn viên rộng lớn này mà hầu như không để ý đến những công trình đã được trùng tu như cổng chính hay hai bình phong trước, sau đẹp tuyệt vời”, bà Andrea Teufel bày tỏ.

Sau nhiều nỗ lực, nay thì nền móng của ngôi điện dưới đống đổ nát, đất và cỏ đã được vệ sinh và bảo tồn. Các tác phẩm được phục hồi, đó là những viên lát gạch sàn rất độc đáo được sắp đặt vào vị trí ban đầu và giữ một cách chuẩn mực hay các chân cột mô phỏng được lắp đặt thay cho các cột gỗ trước đây, như một hình ảnh mang tính nghệ thuật về kích thước đồ sộ của tòa nhà. Những cấu trúc bắt mắt này cũng đóng vai trò quan trọng cho việc phục chế tái thiết ảo dưới dạng lớp phủ trực quan của không gian hiện có với mô hình đồ họa của ngôi điện.

Triển lãm tổ chức ngoài trời kết hợp thực tế, thông tin, mô hình công nghệ phục dựng ảo tại khuôn viên Phụng Tiên điện. Ở đây, các mảng QR được thiết kế tinh tế trên các tấm kính dẫn đến các dữ liệu quét 3D, mô hình 3D mang đến chuyến “tham quan ảo” ngắn gọn, khơi dậy sự quan tâm của du khách.

Hình thức triển lãm là sự mô phỏng các công trình tại điện Phụng Tiên được thể hiện bằng hình ảnh minh họa trên các tấm kính trong suốt cùng khoảng cách lắp đặt tầm nhìn phù hợp, mang lại cho du khách trải nghiệm hoàn thiện về loại hình phục chế ảo dưới dạng chồng lớp trực quan của không gian hiện có với mô hình đồ họa của ngôi điện. Thêm vào đó là các tầng thông tin, hình ảnh mô phỏng bổ sung thêm những yếu tố kiến trúc khác nhau được thể hiện trực tiếp trên các tấm kính và mã QR hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách trải nghiệm thú vị khi tham quan điện Phụng Tiên - ngôi điện chỉ còn lại nền móng và các công trình phụ tiêu biểu được phục hồi hoàn thiện bên trong Đại Nội Huế.

“Qua triển lãm, chúng tôi mong muốn chia sẻ để công chúng được tiếp cận nhanh hơn về câu chuyện lịch sử và tổng thể công trình ngôi điện đầy ý nghĩa này. Đồng thời, tiếp tục thực hiện dự án khôi phục điện Phụng Tiên đến năm 2026, làm bờ tường xung quanh và tổ chức hoạt động triển lãm ở phía đối diện trong khuôn viên điện bằng những hình ảnh 3D sống động để du khách chiêm ngưỡng”, bà Andrea Teufel hào hứng.

Bài, ảnh: Liên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/kham-pha-dien-phung-tien-135279.html