Khám phá cơ hội tạo sức bật cho hợp tác kinh tế Việt Nam-Ấn Độ

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đề cập nhiều cơ hội thương mại trong các lĩnh vực như nông sản, dược phẩm, sản phẩm quốc phòng và công nghệ.

Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống hữu nghị rất tốt đẹp, được nâng cấp lên mức cao nhất: Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2016. Sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, văn hóa… đang tạo nền tảng vững chắc, là triển vọng to lớn để hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Quan hệ thương mại Việt Nam-Ấn Độ qua các năm. (Nguồn: TTXVN)

Không chỉ dừng ở "tiềm năng"

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng nhanh từ mức 200 triệu USD năm 2000 lên hơn 13 tỷ USD năm 2021, khả năng đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2022.

Tuy nhiên, con số 15 tỷ USD vẫn còn thấp hơn đáng kể so với kim ngạch thương mại của Việt Nam với các đối tác khác như Mỹ, Trung Quốc.

Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "Giao lưu kinh tế Việt Nam-Ấn Độ: Cơ hội và thách thức", do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ phối hợp tổ chức ngày 28/12 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, TS. Tôn Sinh Thành cho rằng, “kết quả thương mại phần lớn là do thị trường thúc đẩy chứ không hẳn là biện pháp của hai nhà nước. Trên thực tế, Việt Nam và Ấn Độ chỉ có một hiệp định thương mại tự do là Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ có hiệu lực từ năm 2010”.

Đại sứ Tôn Sinh Thành đánh giá hai nước có nhiều cơ hội thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương. Cả hai nước đều có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động kinh tế toàn cầu. Chính hai nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh đã tạo ra nhu cầu hợp tác.

Ở góc nhìn tương tự, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya nhấn mạnh các cơ hội kinh tế phát sinh từ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hơn gấp đôi mức trung bình của thế giới cũng như sự chuyển đổi đáng kể đang diễn ra ở cả Ấn Độ và Việt Nam nhờ nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ hai bên.

Đề cập nhiều cơ hội thương mại trong các lĩnh vực như như nông sản phẩm, dược phẩm, sản phẩm quốc phòng và công nghệ..., Đại sứ đề xuất các cam kết song phương như nhóm công tác chung về nông nghiệp và tiểu ban thương mại chung giữa hai chính phủ để khám phá những cơ hội này.

Nhà ngoại giao Ấn Độ cũng nhắc tới ý tưởng khám phá khả năng giao dịch bằng đồng Rupee và Việt Nam Đồng, cùng với các lĩnh vực khác cùng quan tâm như cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng, thăm dò dầu khí, công nghệ quốc phòng, liên kết vận tải biển trực tiếp, du lịch…

Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển hợp tác tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, các hoạt động giao lưu kinh tế hiện chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác to lớn của hai nước, một phần vì cơ chế hợp tác giữa hai nước chưa phù hợp, cần phải được hoàn thiện. (PGS. TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Góc nhìn doanh nghiệp

Ở góc độ doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại thị trường Ấn Độ, ông Đoàn Văn Nhiên, Giám đốc Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam nhận định rằng thị trường Ấn Độ rất nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư. Tuy nhiên, ông Nhiên cũng chỉ ra những khó khăn trong hoạt động thương mại tại Ấn Độ, đặc biệt là quá trình xin cấp phép hoạt động đầu tư vướng nhiều thủ tục, thời gian để hoàn thành thủ tục cấp phép hoạt động thường diễn ra từ 8 – 9 tháng.

Những bất cập khác, theo ông Nhiên, “cổ phần doanh nghiệp tại Ấn Độ chỉ cho người nước ngoài nắm giữ 49% cổ phần; thương mại điện tử hiện ở Ấn Độ rất phát triển nhưng tại các sàn thương mại điện tử chỉ dành cho các doanh nghiệp nội địa; dịch vụ logistics và hạ tầng tại Ấn Độ còn khá hạn chế để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ chưa công nhận văn bằng của nhau khiến hoạt động giáo dục đào tạo, phát triển lĩnh vực công nghệ gặp nhiều khó khăn”.

Phiên thảo luận tại Hội thảo quốc tế "Giao lưu kinh tế Ấn Độ - Việt Nam: Cơ hội và thách thức", ngày 28/12 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Khánh Linh)

Ông Hoàng Quốc Việt, Tổng giám đốc Vietsoftpro cho biết: “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Ấn Độ để nhập khẩu hàng công nghệ. Nhưng Vietsoft thì khác. Chúng tôi muốn hợp tác với Ấn Độ về nguồn nhân lực, cụ thể là tuyển kỹ sư công nghệ thông tin người Ấn Độ sang Việt Nam làm việc. Vietsoftpro dự kiến sẽ đầu tư vào một chi nhánh ở Ấn Độ trong tương lai”.

Ông Việt chỉ ra rằng, hợp tác trong chuyển đổi kỹ thuật số giữa Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng. Trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ thì Ấn Độ có thế mạnh về đào tạo công nghệ thông tin, nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm.

Mặc dù vậy, “còn một số vướng mắc về thủ tục visa cho lao động dài hạn và thủ tục thành lập chi nhánh mới”, ông Việt hy vọng “chính phủ hai bên sẽ có chính sách cởi mở hơn về thủ tục đầu tư và lao động” trong thời gian tới.

Với quan điểm tương tự, ông Indronil Sengupta – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Ấn Độ (InCham) Việt Nam đánh giá giao thương về thương mại giữa hai nước cần có cơ chế và hỗ trợ lẫn nhau, tìm ra thế mạnh để bổ trợ lẫn nhau.

Hai bên cần tiếp tục khảo sát thị trường để tăng cường mở rộng mặt hàng xuất khẩu, đảm bảo chất lượng là vấn đề hàng đầu. Ông cũng gợi ý thêm, quản lý tài chính, ngân hàng là thế mạnh mà Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ, trong bối cảnh các ngân hàng ở Việt Nam đang phát triển năng động.

"Rào cản phổ biến đối với hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ là thiếu thông tin lẫn nhau về luật, quy định và thủ tục xuất nhập khẩu, các thỏa thuận công nhận liên quan đến tiêu chuẩn, phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, nhu cầu sản phẩm của nhau". (Bà Minni Kumam, Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam)

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kham-pha-co-hoi-tao-suc-bat-cho-hop-tac-kinh-te-viet-nam-an-do-212005.html