Khai trương tuyến phố đi bộ thứ 4 của Hà Nội đúng ngày 30/4, Thành cổ gần 200 tuổi là điểm đến lý tưởng dịp nghỉ Lễ

Theo lãnh đạo UBND Thị xã Sơn Tây, tuyến phố đi bộ thứ 4 của Hà Nội sẽ chính thức khai trương vào ngày 30/4 tới đây, nên Thành cổ Sơn Tây hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho người dân trong dịp nghỉ Lễ 30/4, 01/5.

Ngày 27/4, thông tin tới phóng viên Chuyên trang Gia đình & Xã hội (Báo Sức khỏe & Đời sống), ông Nguyễn Huy Khánh – Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây cho biết, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên, di sản văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài cho phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nói chung và phát triển kinh tế du lịch địa phương nói riêng, Thị xã sẽ tổ chức khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây vào ngày 30/4 tới đây.

Theo ông Nguyễn Huy Khánh – Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây, tuyến phố đi bộ thứ 4 của Hà Nội sẽ chính thức khai trương vào ngày 30/4 tới đây, nên Thành cổ Sơn Tây hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho người dân trong dịp nghỉ Lễ 30/4, 01/5.

Theo ông Khánh, năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa kết hợp với các điểm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi trên địa bàn và các vùng lân cận, với quần thể văn hóa tiêu biểu, như Thành cổ Sơn Tây, đền Và, chùa Mia, Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây… cùng khu du lịch hồ Đồng Mô với sân golf, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam và hệ thống các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn sẽ là điểm đến thăm quan, nghỉ dưỡng của đông đảo du khách không chỉ riêng trong dịp nghỉ Lễ 30/4, 01/5, mà cả trong tương lai. Đặc biệt là hoạt động của Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Đây là một trong bốn tuyến phố đi bộ của TP Hà Nội.

Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là một trong bốn tuyến phố đi bộ của TP Hà Nội.

Tuyến phố đi bộ đưa vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm nhằm tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của Nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi dịp cuối tuần.

Từ đó, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thị xã - phạm vi hoạt động của tuyến phố đi bộ là phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh.

Toàn cảnh Thành cổ Sơn Tây (Thị xã Sơn Tây) - nơi sắp có tuyến phố đi bộ mới sẽ chính thức hoạt động vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 01/5 tới đây.

Ông Nguyễn Huy Khánh cho biết: "Đây là sự kiện rất lớn đối với Thị xã, cũng là bước đầu địa phương thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa, tổ chức thực hiện thích ứng an toàn khởi động lại phát triển kinh tế - xã hội sau 2 năm COVID-19 đã đem lại khó khăn".

"Không chỉ học tập mô hình tuyến phố đi bộ từ các địa phương khác như Lạng Sơn, Hoàn Kiếm… chúng tôi đã rất trăn trở về việc đi đôi với mở tuyến phố đi bộ, làm sao để thu hút được khách du lịch. Chúng tôi cũng đã có những giải pháp là kết nối các điểm tâm linh, du lịch, văn hóa từ các địa phương lân cận thành chuỗi du lịch văn hóa, kết nối tâm linh. Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với Tổng Công ty vận tải Hà Nội để mở rộng các tuyến xe buýt kết nối trung tâm Hà Nội đến những điểm du lịch. Đồng thời, khuyến khích các đơn vị xe điện tổ chức đưa đón những du khách giữa các điểm du lịch", ông Khánh cho hay.

Tuyến phố đi bộ mới của Hà Nội bao quanh Thành cổ Sơn Tây sắp tròn 200 tuổi.

Ông Khánh cho biết thêm: "Để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự an ninh, đô thị tại tuyến phố đi bộ, các điểm trông giữ xe phải được đăng ký, được cấp phép hoạt động theo quy định hiện hành. Ngoài ra, trong các tuyến phố đi bộ, đã được bố trí địa điểm bán hàng OCOOP, các khu vực bán đồ ăn - uống phục vụ khách đi bộ đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường".

Tuyến phố đi bộ tại Thành cổ Sơn Tây bắt đầu từ phố Nguyễn Thái Học với điểm đầu là Cổng cũ UBND Thị xã và điểm cuối là Ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học (cầu cửa Tiền), với tổng chiều dài khoảng 820m; tổng diện tích khoảng 34.550m.

Tuyến phố đi bộ hoạt động vào Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, với các hoạt động chính như thể thao đường phố: Tâng bóng nghệ thuật, patin, ván trượt, xe đạp Xgame, dance Sport...

Nghệ thuật đường phố: Dân vũ quốc tế, ký họa, thư pháp, cờ người, đường phố, ảo thuật, nghệ thuật truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam...

Ẩm thực đường phố và giới thiệu sản phẩm OCOP, chợ sinh vật cảnh... + Mô hình mới: Rối nước, chèo thuyền hảo Thành cổ, Mobile Home...

Phân khu chức năng các hoạt động, bao gồm: Khu vực bán hàng lưu niệm, giải khát: Bố trí dọc vỉa hè các tuyến phố.

Khu vực tổ chức các sự kiện văn hóa vui chơi, nghệ thuật đường phố: Trung tâm Văn hóa Thể thao, Quảng trường Sân vận động thị xã.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/khai-truong-tuyen-pho-di-bo-thu-4-cua-ha-noi-dung-ngay-30-4-thanh-co-gan-200-tuoi-la-diem-den-ly-tuong-dip-nghi-le-172220427152240376.htm