Khai thác và buôn bán kim cương thời tiền công nghiệp

Thợ mỏ khai thác đất có chứa kim cương ở vùng phù sa và đặt đất lên bệ cho khô, trong quá trình này, gió sẽ thổi bay lớp đất khô, thợ mỏ chỉ việc chọn nhặt kim cương từ đấy.

Học bổng Rhodes là một chương trình học bổng sau đại học đầu tiên và là chương trình học bổng quốc tế uy tín bậc nhất thế giới. Học bổng Rhodes còn được mệnh danh là “Giải Nobel dành cho sinh viên đại học trên toàn thế giới.”

Là người có niềm tin mãnh liệt vào chủ nghĩa đế quốc Anh, Cecil Rhodes đã thành lập nên vùng lãnh thổ mang tên mình “Rhodesia” ở nam châu Phi năm 1895. Ngày nay, vùng đất này đã trở thành hai quốc gia độc lập là Zambia và Zimbabwe.

Nhà sử học Richard Macfarlane đã gọi Rhodes là "một người góp công không thể thiếu trong lịch sử huy hoàng của Anh và nam Phi châu cũng như George Washington hay Abraham Lincoln trong những thời kỳ tương ứng của lịch sử nước Mỹ...

Nhưng hậu thế nhớ về Cecil Rhodes chính là người sáng lập De Beers, công ty vẫn độc quyền buôn bán kim cương trên toàn thế giới.

Kể từ khi bắt đầu lịch sử, mọi người từ các hoàng tử, quý tộc thời xưa đến các nhà tư bản hiện đại đều bị “trang sức lấp lánh” mê hoặc. Dưới hệ thống chủ nghĩa tiêu thụ, giống Cecil Rhodes đã mang lại vinh quang và tội lỗi cho Đế chế Anh, kim cương không chỉ trở thành biểu tượng vĩnh cửu của tình yêu đẹp mà còn tạo ra những vết sẹo khó lành trên khắp thế giới.

Máu, Mồ hôi và Trái đất - của Tijl Vanneste đã mô tả Cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát kim cương của thế giới trong suốt lịch sử, một bức tranh lịch sử về sự trỗi dậy của đế chế kim cương này.

Tác giả Tijl Vanneste nhận bằng Tiến sĩ tại Viện Đại học châu Âu ở Florence năm 2009, lĩnh vực nghiên cứu của ông là vai trò của kim cương trong hệ thống thương mại tư bản toàn cầu, cuốn sách là kết tinh nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này của tác giả.

Ghi chép sớm nhất về kim cương

Ghi chép sớm nhất về việc buôn bán kim cương đến từ chuyên luận Arthashastra, một chuyên luận tiếng Phạn cổ của Ấn Độ, trong đó đề cập rằng các thương gia tham gia buôn bán kim cương cần phải nộp thuế cho nhà vua. Ngay từ chuyến thám hiểm phương Đông của Alexander và thời kỳ La Mã cổ đại, kim cương đã bắt đầu xuất hiện ở châu Âu, nhưng người châu Âu thời đó chỉ biết rằng những viên kim cương này có thể được sản xuất ở Ấn Độ.

Trong cùng thời kỳ, những truyền thuyết về “Đảo Kim Cương” và “Thung lũng Kim Cương” cũng khá phổ biến ở châu Âu. Chỉ sau khi các nhà hàng hải Bồ Đào Nha mở ra một tuyến đường mới từ châu Âu đến Ấn Độ, du khách châu Âu mới đến được các khu vực khai thác kim cương của Ấn Độ và các thương nhân Do Thái đã vận chuyển kim cương đến châu Âu bằng đường biển, Lisbon cũng trở thành trung tâm buôn bán kim cương của châu Âu trong thời kỳ này.

Tập chuyên luận Arthashastra bằng tiếng Phạn cổ. Ảnh: wikipedia.

Ấn Độ vào thời điểm này, các mỏ kim cương hầu hết nằm ở vành đai phù sa sông. Một phương pháp khai thác là thợ mỏ khai thác đất có chứa kim cương ở vùng phù sa và đặt đất lên bệ cho khô, trong quá trình này, gió sẽ thổi bay lớp đất khô đi, chỉ còn lại sỏi. Thợ mỏ nhặt kim cương từ sỏi và đá cuội.

Một phương pháp khác là rửa sạch đất đào dưới dòng nước chảy cho đến khi kim cương xuất hiện. Các mỏ kim cương được quản lý bởi những nhân viên cốt cán do Quốc vương hoặc Hoàng đế chỉ định và chủ sở hữu mỏ có thể mua giấy phép khai thác từ người cai trị.

Để ngăn chặn việc thợ mỏ lấy trộm những viên kim cương này, thợ mỏ được yêu cầu chỉ đeo lá sung che chỗ kín khi khai thác, ngoài ra, chủ mỏ sẽ thuê một số lượng lớn người giám sát và thậm chí cho phép thợ mỏ giám sát lẫn nhau. Lương của thợ mỏ thấp và một phần được trả bằng thực phẩm, thuốc lá. Trong số những viên kim cương được khai thác, những viên có kích thước lớn hơn thuộc sở hữu của những người cai trị, số còn lại được mua bởi các nhà buôn kim cương địa phương.

Trong thời kỳ này, những viên kim cương được vận chuyển đến châu Âu đều có kích thước nhỏ. Những "viên kim cương nổi tiếng" lớn hơn thường thuộc sở hữu của các hoàng tử hoặc hoàng đế địa phương của Ấn Độ, chẳng hạn Koh-i-Noor - Núi ánh sáng - viên kim cương nổi tiếng được gắn trên vương miện hoàng gia Anh.

Koh-i-Noor - Núi ánh sáng - viên kim cương nổi tiếng được gắn trên vương miện vương quốc Anh. Ảnh: Wikimedia Commons.

Những trung tâm kim cương lớn

Kể từ năm 1640, với cuộc đàn áp tôn giáo đối với người Do Thái của người Công giáo Bồ Đào Nha, một số lượng lớn thương nhân Do Thái đã rời bỏ Bồ Đào Nha. Đặc biệt là sau khi Anh cho phép người Do Thái định cư ở Anh vào năm 1655, các nhà buôn kim cương Do Thái đã chuyển đến London, kết hợp mạng lưới kinh doanh của họ với mạng lưới của Công ty Đông Ấn Anh.

Công ty Đông Ấn Anh cho phép các thương nhân kim cương Do Thái sử dụng tàu buôn của công ty để vận chuyển kim cương Ấn Độ sang Anh, đồng thời cho phép vận chuyển vàng, bạc, san hô... sang Ấn Độ để mua kim cương, khiến hoạt động buôn bán kim cương giữa Anh và Ấn Độ mở rộng nhanh chóng.

Thuộc địa của Anh là Fort St. George nằm gần Chennai cũng trở thành trung tâm buôn bán kim cương Anh-Ấn vì nằm gần Golconda, khu vực sản xuất kim cương lớn nhất Ấn Độ, London và Amsterdam cũng từng thay thế Lisbon và Antwerp trở thành trung tâm trung chuyển và chế tác kim cương của châu Âu. Ngoài ra, trong hoạt động buôn bán kim cương giữa Ấn Độ và châu Âu, các thương gia Armenia cũng đóng vai trò nòng cốt thông qua hoạt động buôn bán trên đất liền của họ, thậm chí có thể cạnh tranh với hoạt động buôn bán kim cương của Công ty Đông Ấn Anh.

Thương mại kim cương Anh-Ấn đạt đỉnh cao vào năm 1767, nhưng suy giảm nhanh chóng do sự cạn kiệt của các mỏ kim cương Ấn Độ và sự gia tăng của kim cương Brazil. Điều này cũng giúp Lisbon trở lại trung tâm thương mại kim cương châu Âu. Vào khoảng năm 1730, hoạt động buôn bán kim cương giữa Brazil và Bồ Đào Nha đã xuất hiện và việc khai thác các mỏ kim cương ở Brazil đã khiến giá kim cương ở thị trường châu Âu giảm đáng kể.

Để đảm bảo lợi nhuận đáng kể từ việc buôn bán kim cương, chính phủ Bồ Đào Nha bắt đầu áp đặt độc quyền khai thác và buôn bán kim cương ở Brazil. Hầu hết mỏ kim cương của Brazil đều nằm ở vành đai phù sa hệ thống sông Minas Gerais, do đó, chính phủ Bồ Đào Nha phân định phạm vi khu vực khai thác kim cương và đấu giá các hợp đồng khai thác tại các khu vực khai thác được cấp phép.

Các mỏ kim cương sử dụng nô lệ từ châu Phi để khai thác, các phương pháp và cách xử lý khai thác nô lệ cũng tương tự đối với những người khai thác kim cương ở Ấn Độ, người chủ phải trả thuế thân cho nô lệ. Về mặt thương mại, tất cả kim cương khai thác trong mỏ đều được giữ trong các hộp cụ thể và chỉ người giữ hợp đồng và đại diện của nhà vua mới có chìa khóa. Kim cương phải được chuyển đến Rio de Janeiro vào một thời điểm cụ thể và chuyển đến Lisbon.

Tại Lisbon, chỉ những người đại diện trong hợp đồng mới có thể bán những viên kim cương này, nhưng Bộ trưởng Bồ Đào Nha phải có mặt khi những viên kim cương được bán và nhà vua có quyền đầu tiên mua những viên kim cương này. Hợp đồng cũng quy định các hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi khai thác kim cương trái phép và trộm cắp, buôn lậu kim cương.

Khai thác kim cương ở Brazil. Tranh: Mines and Miners (L. Simonin, 1868).

Tuy nhiên, khi sản lượng kim cương của Brazil bắt đầu giảm sau năm 1753, hợp đồng độc quyền của Bồ Đào Nha đối với ngành công nghiệp kim cương của Brazil cũng bị đình chỉ, kết thúc hợp đồng kim cương cuối cùng vào năm 1771. Thay vào đó, chính phủ Bồ Đào Nha trực tiếp kiểm soát. Trong thời kỳ này sự độc quyền khai thác và buôn bán kim cương Brazil của Bồ Đào Nha trở nên nghiêm ngặt hơn nhưng nhìn chung vẫn tuân theo mô hình quản lý của thời kỳ độc quyền hợp đồng.

Phương pháp tích trữ kim cương của Bồ Đào Nha để kiểm soát nguồn cung kim cương cũng được tăng cường tại thời điểm này. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn ở châu Âu do Cách mạng Pháp gây ra, chính phủ Bồ Đào Nha đã phải vay tiền từ các chủ ngân hàng châu Âu và sau đó phải trả nợ bằng kim cương Brazil. Vì vậy, chính phủ Bồ Đào Nha tiếp tục tăng cường độc quyền trong ngành kim cương và thành lập ngân hàng Banco do Brasil vào năm 1808 để độc quyền hoàn toàn ngành kim cương.

Mãi đến khi ngân hàng Banco do Brazil phá sản và thanh lý vào năm 1829, mô hình độc quyền của người Brazil mới xuất hiện, ngành công nghiệp kim cương trên đà kết thúc. Vào thời điểm này, sản lượng kim cương của Brazil đã suy giảm đáng kể, phải đến khi khai thác được các mỏ kim cương Bahia vào khoảng năm 1840, ngành công nghiệp kim cương của Brazil mới hồi sinh trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, thời kỳ huy hoàng của ngành kim cương Brazil đã trôi qua, lúc này ngành kim cương Nam Phi cất cánh và tạo nên một kỷ nguyên mới.

Phan Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/khai-thac-va-buon-ban-kim-cuong-thoi-tien-cong-nghiep-post1455599.html