Khai thác, phát triển ẩm thực xứng tầm, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Hà Nội cần có nhận thức trong việc định vị, xây dựng kế hoạch khai thác, đầu tư phát triển ẩm thực xứng tầm, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Hà Nội có văn hóa ẩm thực đặc sắc, kết tinh các tinh hoa văn hóa từ hàng nghìn năm

Hà Nội không chỉ là mảnh đất ngàn năm văn hiến, nổi tiếng với nét thanh lịch Tràng An, mà còn là nơi hội tụ những nét tinh hoa của ẩm thực của đất nước. Nhiều món ăn đã trở thành "thương hiệu" của ẩm thực Hà thành như: Phở Lý Quốc Sư, phở Thìn, bún ốc hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, giò chả Ước Lễ, giò chả Chèm - Vẽ…

Hà Nội cũng có những tuyến phố ẩm thực được nhiều người biết đến như: Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Cấm Chỉ, Tống Duy Tân… Danh mục đặc sản ở Hà Nội vô cùng đa dạng, có những đặc sản bắt nguồn từ mảnh đất Tràng An, có đặc sản xuất xứ từ địa phương khác. Dù xuất xứ ở địa phương khác nhưng được người Hà Nội chế biến theo phong cách của mình, bởi thế những đặc sản này có hương vị riêng, chuyển tải nét văn hóa riêng có của Hà Nội. Ẩm thực Hà Nội không chỉ tinh tế, cầu kỳ trong lựa chọn nguyên liệu, chế biến mà còn đẹp trong cả cách thưởng thức và không gian thưởng thức.

Chia sẻ tại tọa đàm "Phát huy nguồn nhân lực - phát triển văn hóa ẩm thực trên địa bàn TP. Hà Nội" diễn ra vào trung tuần tháng 12 vừa qua, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng: Hà Nội có văn hóa ẩm thực đặc sắc, kết tinh các tinh hoa văn hóa từ hàng nghìn năm nay. Vì vậy, Hà Nội cần có nhận thức trong việc định vị, xây dựng kế hoạch khai thác, đầu tư phát triển ẩm thực xứng tầm, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Hiện có rất nhiều cuộc thi về ẩm thực nhưng chưa tạo ra được các giá trị văn hóa lớn để phát triển.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng

Trước mắt, Hà Nội cần có các tuyến phố ẩm thực, tuyến phố ăn đêm trong khu vực phố cổ, phố cũ, khu đô thị; tạo dựng không gian và chuỗi các nhà hàng ẩm thực xung quanh hồ Tây.

Những năm gần đây, Hà Nội nhiều lần được các cơ quan truyền thông lớn, những diễn đàn du lịch danh tiếng trên thế giới vinh danh là nơi có nền ẩm thực đặc sắc hàng đầu thế giới cũng như châu lục. Đó là cơ sở để Hà Nội phát huy giá trị ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Nghệ nhân nhân dân ẩm thực Ánh Tuyết cho rằng, văn hóa người Hà Nội đã tạo nên văn hóa ẩm thực Hà Nội, có sự tinh tế, cầu kỳ và tao nhã. Dù ngày nay rất nhiều món ăn ngon được cải biến để phù hợp với xu thế thế giới nhưng việc giữ lại nét riêng của ẩm thực Hà Nội rất cần thiết. Đó là đặc trưng riêng của văn hóa Hà Nội. Việc giữ gìn nét riêng đó sẽ tạo dấu ấn cho thực khách cả trong nước và quốc tế khi đã thưởng thức và đó cũng là yếu tố để họ yêu Hà Nội, muốn đến Hà Nội.

Tuy nhiên, việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa chưa xứng với tiềm năng và còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực Hà thành. Trong đó có vấn đề nhân lực, cụ thể là vai trò của những nghệ nhân, những đầu bếp trong lưu giữ, trao truyền để mỗi người dân, khách du lịch hiểu được nét đẹp, thưởng thức những nét đẹp của ẩm thực Hà thành.

Ẩm thực được coi là đại sứ văn hóa, là nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương, Trưởng Bộ môn Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo Khoa các các Khoa học liên ngành – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, du lịch ẩm thực là xu hướng, đặc biệt là những món ăn là di sản, là trao truyền qua nhiều thế hệ, qua tri thức dân gian. Ẩm thực có đóng góp quan trọng vào công nghiệp văn hóa và đóng góp vào các ngành khác và tương tác với lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hóa".

Ẩm thực được coi là nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa

Còn theo Tiến sĩ Đặng Phương Anh, giảng viên Khoa Du lịch học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ăn uống là dịch vụ thiết yếu không thể thiếu trong tạo dựng sản phẩm du lịch. Khách du lịch không chỉ ăn để no mà ăn để hiểu, ăn để khám phá hay ăn để yêu. Ẩm thực đưa vào du lịch không chỉ đưa vào món ăn mà còn có không gian, tương tác với không gian đó.

Nên cách làm thế nào để lồng ghép ẩm thực địa phương vào tour du lịch tổng hợp. Nhiều địa phương tổ chức 1-2 khu phố ẩm thực để khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực. Hà Nội nên làm theo foodtour (tour du lịch ẩm thực) nhưng vì Hà Nội hội tụ tinh hoa ẩm thực nên thành phố cần phát triển loại hình di sản du lịch ẩm thực để tạo dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Thủ đô.

Hiện nay, ẩm thực được coi là đại sứ văn hóa, là nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa. Bởi vậy, để khai thác tốt tiềm năng này, Hà Nội cần có một chương trình, kế hoạch cụ thể với sự đầu tư đồng bộ và bài bản./.

Dự kiến ngày 24/12, Thủ tướng Chính phủ sẽ Chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hội nghị nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam được giao tại Nghị quyết, Đề án và các văn bản có liên quan.

Hội nghị sẽ đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới; Ban hành các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới đồng thời xác định phương hướng về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khai-thai-phat-trien-am-thuc-xung-tam-gop-phan-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-thu-do-20231219094710138.htm