Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường xuất khẩu

Chính phủ vừa ban hành 17 nghị định quy định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, góp phần tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy kinh tế phát triển. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) xung quanh nội dung này.

PV: Chính phủ vừa ban hành 17 nghị định quy định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện các cam kết trong các hiệp định FTA/PTA, ông có thể cho biết ý nghĩa của việc ban hành các nghị định này?

Ông Phạm Tuấn Anh

Ông Phạm Tuấn Anh: Như chúng ta đã biết, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực hội nhập về kinh tế quốc tế. Với vai trò là một nước thành viên có trách nhiệm, Việt Nam đang thực thi cam kết thuế xuất nhập khẩu tại 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 2 Hiệp định thương mại song phương (PTA). Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực thi cam kết thuế quan cho giai đoạn 2022 - 2027.

Việc ban hành Nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện cam kết tại các FTA/PTA tiếp tục thể chế hóa mục tiêu, quan điểm chỉ đạo về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện nghiêm túc các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần tiếp tục tạo thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước, dự kiến sẽ tiếp tục đem lại những hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế Việt Nam.

Các nghị định này ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 2022 - 2027 phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam triển khai Danh mục HS của Tổ chức Hải quan thế giới và AHTN 2022 của ASEAN. Sự phù hợp và thống nhất về danh mục hàng hóa với tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp công tác thực thi được minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động trao đổi thương mại. Đây cũng là cơ sở pháp lý về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực thi các FTA với lộ trình cụ thể, áp dụng ổn định trong 5 năm tới. Điều này góp phần xây dựng môi trường chính sách ổn định, dễ dự đoán cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết điểm mới cơ bản tại các nghị định vừa được ban hành là gì?

Ông Phạm Tuấn Anh: Về cơ bản, các quy định tại các nghị định được kế thừa, đảm bảo tính ổn định áp dụng, đặc biệt là các quy định về điều kiện hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, Nghị định cũng có một số điểm mới nhằm đảm bảo việc thực thi, có thể kể đến như: Chuyển đổi cam kết thuế quan tại tại các hiệp định để phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở AHTN 2022; bổ sung phạm vi các nước được hưởng ưu đãi với một số Hiệp định đối với các quốc gia vừa thông báo điều ước quốc tế có hiệu lực như Peru với CPTPP hay bổ sung Ceuta và Melila tại EVFTA; hoàn thiện, chỉnh lý một số nội dung để tăng tính rõ ràng về pháp lý, tránh vướng mắc trong thực thi như quy định về cho hưởng ưu đãi với khu phi thuế quan, quy định về điều kiện hưởng ưu đãi.

PV: Được biết, Nghị định số 129/2022/NĐ-CP là nghị định biểu thuế đầu tiên được ban hành để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Những điểm đáng chú ý trong biểu thuế này là gì, thưa ông?

Ông Phạm Tuấn Anh: Trải qua thời gian tương đối dài đàm phán từ năm 2013, Hiệp định đã được các bên ký kết vào ngày 15/11/2020, có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/2022. Hiệp định RCEP hình thành với mục tiêu tập trung nhấn mạnh vai trò “trung tâm” của ASEAN trong khu vực, góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây.

Tại Hiệp định RCEP, các bên cam kết ở nhiều lĩnh vực như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hài hòa các quy tắc xuất xứ hiện có, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu chuyển trong khối, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong khu vực ASEAN và kết nối giữa ASEAN với các đối tác.

Nghị định 129/2022/NĐ-CP là văn bản đầu tiên nội luật hóa các cam kết thuế quan tại Hiệp định RCEP, theo đó, quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022 - 2027 và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định. Ban hành kèm theo Nghị định là 6 Phụ lục về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho các nước thành viên

Tương tự theo quy định tại các nghị định khác, để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu từ RCEP, hàng hóa cần đáp ứng các quy định sau: thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định RCEP; được nhập khẩu từ các nước thành viên của Hiệp định RCEP; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP (bao gồm cả quy định về vận chuyển trực tiếp), có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Hiệp định RCEP và quy định hiện hành của pháp luật.

PV: Việc thực thi cam kết thuế xuất nhập khẩu sẽ tác động đến kinh tế - xã hội nói chung, cũng như tới sản xuất, kinh doanh như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Tuấn Anh: Theo tôi, việc thực hiện các cam kết này sẽ tác động tới nhiều mặt của nền kinh tế, như: tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần tỷ trọng từ thuế xuất nhập khẩu và tăng cơ cấu thu nội địa; lộ trình giảm thuế theo cam kết tạo điều kiện tăng hiệu quả nguồn lực và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp, từ đó đóng góp vào dịch chuyển cơ cấu sản xuất, tăng hiệu quả hoạt động trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng lên; việc tham gia vào tiến trình hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do thì doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn nguyên vật liệu mà sẽ là đầu vào cho sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu.

PV: Bộ Tài chính đã có giải pháp gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp, tận dụng tốt các quy định trong 17 nghị định này?

Ông Phạm Tuấn Anh: Hiện nay, các nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đều đã được đăng tải toàn văn tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính để doanh nghiệp có thể tra cứu. Trong thời gian tới, Vụ Hợp tác quốc tế cũng sẽ thực hiện các hoạt động phổ biến, tuyên truyền để doanh nghiệp có thể tiếp cận và tận dụng tốt các quy định trong 17 nghị định này. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu để trình Bộ, trình Chính phủ ban hành các nghị định thuế, Vụ Hợp tác quốc tế cũng sẵn sàng tiếp nhận các thắc mắc của doanh nghiệp để có thể thông tin và giải đáp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bà Nguyễn Thị Thu Trang

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Lao động VIệt Nam (VCCI):

Tìm hiểu kỹ các cam kết của từng hiệp định

Để có thể tận dụng được các cam kết ưu đãi thuế quan của các FTA, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các cam kết của các hiệp định. Với 17 hiệp định kèm theo đó là 17 biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, vậy khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang thị trường nào thì phải tìm hiểu các hiệp định mà Việt Nam đã ký với thị trường đó để hiểu rõ các cam kết ưu đãi thuế quan của các hiệp định này. Đơn cử, với thị trường Nhật Bản, hiện Việt Nam có 4 hiệp định thì doanh nghiệp cần tìm hiểu 4 biểu thuế khác nhau của 4 hiệp định này cũng như biểu thuế chung (MFN) xem biểu thuế nào ưu đãi hơn, trong đó nên quan tâm nhất tới biểu thuế MFN.

Mỗi ưu đãi của các hiệp định đều gắn với quy tắc xuất xứ, do đó doanh nghiệp cần xem xét có thể đáp ứng được quy tắc xuất xứ của hiệp định nào để tận dụng ưu đãi của hiệp định đó thông qua đáp ứng quy tắc xuất xứ. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu để tuân thủ các điều kiện khác để được hưởng ưu đãi khác theo quy định của các FTA.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương):

Doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu về ưu đãi thuế quan

Hiện nay, doanh nghiệp đã có những nhận thức nhất định về việc sử dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan trong các khuôn khổ cam kết mà Việt Nam tham gia. Qua đó cho thấy hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu tới các thị trường FTA đã được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào, hàng hóa nào cũng được hưởng ưu đãi thuế quan, bởi còn phụ thuộc vào thị trường cụ thể, mặt hàng cụ thể, khách hàng ở các thị trường đối tác.

Trước đây, doanh nghiệp chỉ làm xuất xứ hàng hóa (C/O) theo yêu cầu của khách hàng đối tác. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến cam kết quốc tế về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ, để chủ động đưa ra thông tin, mẫu chứng nhận xuất xứ theo quy định Việt Nam có thể được hưởng ưu đãi thuế quan trong các khuôn khổ.

Đức Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khai-thac-hieu-qua-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-128196-128196.html