Khai quốc Trạng nguyên Nguyễn Hiền - tân khoa nhỏ tuổi nhất nước Việt

Trạng nguyên Nguyễn Hiền là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử khoa cử Việt Nam khi ông đỗ Trạng nguyên năm 12 tuổi, trở thành Trạng nguyên đầu tiên và cũng là Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất lịch sử.

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền tọa lạc trên chính vị trí ngôi nhà của ông xưa kia tại thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Trong lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam có hai người làm nên sự nghiệp hiển hách ở tuổi thơ ấu và tuổi thiếu niên, đó chính là Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân khi mới lên 3 và Nguyễn Hiền 12 tuổi đỗ Trạng nguyên.

Tuy nhiên, nếu như Thánh Gióng là biểu tượng hư cấu, tượng trưng cho lòng yêu nước và sức mạnh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, thì Trạng nguyên Nguyễn Hiền là con người có thật, bằng xương, bằng thịt, được các sử gia ghi lại trong sử sách và được dân gian hóa với lòng tôn sùng, ngưỡng mộ của nhân dân.

Trạng nguyên Nguyễn Hiền, tên tự là Khôi Nguyên, sinh năm Ất Mùi (1235), người làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam, nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Trạng nguyên Nguyễn Hiền là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử khoa cử Việt Nam, là niềm tự hào của vùng đất học Nam Định.

Theo "Việt Nam văn hóa sử cương" của Nhà Sử học Đào Duy Anh, năm 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông, Triều đình mở khoa thi đầu tiên nhằm chọn hiền tài phục vụ đất nước.

Năm 1247, Nhà Trần lần đầu tiên đặt ra khoa thi Tam khôi gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Chính trong năm này, thần đồng 12 tuổi Nguyễn Hiền đã thi đỗ Trạng nguyên, trở thành Trạng nguyên đầu tiên và cũng là Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Hiền thông minh từ thuở nhỏ, khi 6, 7 tuổi, ông học nhà sư ở chùa, chỉ đọc qua bài là thuộc ngay, năm 11 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng, tài học của ông nổi tiếng khắp nơi, vang đến tận kinh thành, nhiều chí sỹ xa gần đến thử tài đều bái phục.

Khoa thi Hương Bính Ngọ (1246) đời Vua Trần Thái Tông, Nguyễn Hiền đỗ Giải nguyên. Tiếp đến khoa thi Hội Đinh Mùi (1247) đỗ Hội nguyên. Đến kỳ thi Đình niên hiệu Thiên ứng Chính Bình, ông đỗ Trạng nguyên.

Nguyễn Hiền là người đầu tiên ở nước Việt đỗ thủ khoa liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, được vua Trần Thái Tông phong là "Khai quốc Trạng nguyên" - vị Trạng nguyên đầu tiên ở nước ta.

Bia đá tại Đền thờ ghi thân thế, sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Hiền. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Năm Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên là niên hiệu Thiên ứng Chính Bình năm thứ 16, đời Vua Trần Thái Tông, cùng khoa thi này với Nguyễn Hiền có Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, là người sau này viết bộ sử lớn của nhà Trần và Đặng Ma La đỗ Thám hoa. Khoa thi này có 48 người thi đỗ.

Theo sử sách chép lại, sau khi thi đỗ Trạng nguyên, vì Trạng còn quá trẻ nên nhà vua cho Nguyễn Hiền về học lễ, vài năm sau sẽ bổ dụng.

Không lâu sau đó, Trạng nguyên Nguyễn Hiền giải đố xuất sắc bài thơ chữ "Điền" của sứ giả phương Bắc, làm rạng danh triều đình nước ta, khiến nhà Nguyên phải nể phục. Danh tiếng Trạng nguyên vang lừng hai nước. Chức “Lưỡng quốc Trạng nguyên” cũng được phong cho ông từ đó.

Sau đó, Trạng Hiền về triều giữ chức Ngự Sử đài, kiêm Đông Các Đại học sỹ-Thượng thư Bộ Công.

Hai năm sau, sứ thần nhà Tống lại mang thông điệp gửi Vua nước ta chỉ có hai chữ “ Thanh Thúy.” Nhà Vua không hiểu thì được Trạng giải thích về ẩn ý của vua Tống: chữ “Thanh” là "thập nhị nguyệt," tức là tháng 12. Chữ “Thúy” nghĩa là hẹn đến tháng 12 thì xuất quân. Ông tâu vua Trần nên đưa quân ra biên giới phòng thủ vì tháng 12 giặc sẽ động binh.

Đến tháng 12, Vua Trần cho 3 vạn binh mã ra bố phòng biên ải, quân giặc thấy chúng ta đã đề phòng nên bỏ ý đồ xâm lược.

Tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ lại Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Những năm làm quan trong triều, Trạng nguyên Nguyễn Hiền có nhiều công trạng phò vua, giúp nước, cứu dân như đối phó với giặc phương Bắc, đánh giặc cỏ ở Mường La, chiêu mộ dân đi khai hoang, phục hóa, đắp đê sông Hồng, đào kênh mương dẫn nước cho ruộng đồng.

Về quân sự, ông cho mở các xưởng rèn vũ khí, thành lập các võ đường rèn luyện quân sỹ, sẵn sàng chiến đấu chống quân xâm lược.

Ngày 14/8 (âm lịch) năm Ất Mão (1255), Trạng nguyên Nguyễn Hiền qua đời khi mới 20 tuổi. Người dân quê hương tỏ lòng tôn kính đã xây đền thờ ông trên nền ngôi nhà cũ của gia đình tại thôn Dương A, xã Nam Thắng và suy tôn ông làm Thành Hoàng làng.

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền hiện còn lưu giữ cuốn ngọc phả cùng nhiều sắc phong, câu đối, đại tự kể về thân thế, sự nghiệp, ca ngợi công lao của ông.

Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền còn là di tích mang đậm giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc sắc.

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền phía trước là hồ sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ xòe tán lá rộng che bóng mát.. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Đền quay hướng Tây Nam với bình đồ kiến trúc “Tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh.” Phía trước đền là hồ sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ xòe tán lá rộng che bóng mát.

Hệ thống nghi môn có 4 cột đồng trụ. Hai cột giữa cao 7m, phía trên có khung bảng đắp nổi họa tiết tứ linh với những đường nét tinh tế, tạo thành cổng chính của đền, hai cột bên thấp nhỏ hơn, hợp cùng với cột giữa tạo thành hai cột: tả môn, hữu môn.

Tòa tiền đường được tu sửa vào cuối thời Nguyễn gồm có 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì làm theo kiểu “Thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy,” đặt trên 4 hàng cột.

Bên dưới cột là những tảng chân đá với dáng thấp cổ bồng. Mặt trước của tiền đường có hệ thống cửa gỗ lim, chân quay. Cửa ở gian giữa được làm trên con song dưới bức bàn, các gian bên là cửa con bài.

Tòa đệ nhị 3 gian có hệ thống cửa gỗ lim chân quay chắc chắn, cửa ở gian giữa có 6 cánh chạm bộ tranh tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai,” chính giữa là hình lưỡng long chầu nguyệt.

Các chi tiết chạm trổ trong kiến trúc Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Tòa này có mái cong với các đầu bẩy chạm họa tiết lá lật, trúc hóa long khá công phu; họa tiết chạm khắc trên các bộ vì chủ yếu là triện tàu lá dắt.

Cung cấm có 2 gian, được làm giao mái với tòa đệ nhị. Trên bộ vì có chạm họa tiết long quấn thủy, tứ linh, tứ quý. Các cánh cửa của cung cấm đều làm bằng gỗ lim, chân quay, trên con song dưới bức bàn.

Tại cung chính có đặt ngai thờ và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền.

Năm 2010, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng với sự đóng góp của nhân dân, đền được tu bổ, tôn tạo với quy mô lớn bao gồm hệ thống đường vào di tích, hồ sen, tường bao, cổng, sân, nhà bia, hai dãy dải vũ, tiền đường, siêu hương, nhà chè và chính tẩm.

Khám và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ năm 1994.

Lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền là lễ hội lớn tổ chức định kỳ hàng năm từ ngày 14-16/8 âm lịch. Đây là dịp để người dân địa phương, du khách thập phương về đền thắp hương tưởng niệm, tỏ lòng tri ân với vị Trạng nguyên trẻ tuổi nhất nước Việt thời kỳ phong kiến.

Trong lễ hội, địa phương tổ chức các hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống cho học sinh tại đền; tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử về truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ đạt cao; truyền thống tôn sư trọng đạo, khơi dậy, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí vượt khó thành tài.

Lễ hội cũng rất hấp dẫn với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các giải đấu thể dục thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc.

Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng sáng chói của vị Khai quốc Trạng nguyên được tóm gọn trong cuốn "Ngọc phả" được bảo tồn tại Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền ở quê hương ông:

"Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc/Vạn niên thiên tuế lập tam tài".

(Tạm dịch: Mười hai tuổi khai khoa hai nước/ Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài)./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khai-quoc-trang-nguyen-nguyen-hien-tan-khoa-nho-tuoi-nhat-nuoc-viet/894721.vnp