Khai phá thế mạnh không gian ngầm

Hầm vượt sông Sài Gòn được xem là công trình ngầm quy mô lớn đầu tiên của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức thi công, mới cho thấy thành phố đang nỗ lực tìm hướng khai phá thế mạnh không gian ngầm.

Khai phá không gian ngầm

Mười năm trở lại đây, thành phố đầu tư rất nhiều kinh phí mở rộng hạ tầng giao thông nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng trưởng của các phương tiện cá nhân. Hệ quả là ùn tắc giao thông xảy ra trên toàn thành phố, bất kể giờ cao điểm hay thấp điểm. Lãnh đạo thành phố nhiều năm liền áp dụng đủ loại sáng kiến nhằm giải quyết tình trạng này, nhưng tất cả vẫn “bế tắc”…, và đã đến lúc phải khai phá không gian ngầm để mở rộng quỹ đất cho thành phố.

Cuối tháng 5-2017, khi mũi khoan đầu tiên bắt đầu khoan sâu dưới lòng trung tâm thành phố để xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 1 (Metro số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên), mọi người mới nhận thấy không khí khai phá không gian ngầm của thành phố đang bắt đầu nhộn nhịp. Theo quy hoạch, sắp tới thành phố sẽ xây dựng thêm bảy tuyến metro với hàng chục km đường ngầm như tuyến số 2 có 9,3km đi ngầm; tuyến 3a có 10km đi ngầm; tuyến 3b có 9,1km đi ngầm, tuyến số 4 có 16km đi ngầm; tuyến 4b có 16km đi ngầm… Cùng với các tuyến metro là hàng loạt nhà ga ngầm rộng hàng chục héc-ta nằm sâu dưới lòng đất với nhiều công trình phụ trợ phục vụ đời sống như: trung tâm thương mại, giải trí… Ngoài ra, khu trung tâm của thành phố cũng đã quy hoạch bảy bãi đậu xe ngầm; hàng loạt nhà cao tầng đều có tầng hầm rất sâu với diện tích hơn 11ha… Mới đây, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cũng đề nghị thành phố cho xây dựng lại hệ thống mạng lưới cấp nước đã xuống cấp, bằng cách lắp sâu dưới lòng đất vì hệ thống cấp nước hiện nay khá gần mặt đất, dễ hư hỏng… Nhu cầu phát triển không gian ngầm đã đặt ra một yêu cầu có tính cấp thiết là thành phố cần xây dựng quy hoạch mạng lưới không gian ngầm thật chi tiết, có tầm nhìn xa để phát triển một cách bài bản, đồng bộ và tránh chồng chéo.

Cần có quy hoạch chi tiết

Tại hội thảo về không gian ngầm vừa tổ chức tại thành phố, hầu hết các chuyên gia đều thống nhất, việc khai phá không gian ngầm là cách để thành phố bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh khẳng định, nhu cầu khai thác không gian ngầm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc thành phố chưa có một quy hoạch không gian ngầm là trở ngại rất lớn cho kế hoạch này. Cụ thể, việc xây dựng đường tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm dù mới chỉ bắt đầu thi công những công trình đầu tiên, nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn do gặp phải hệ thống ngầm khác hiện có như cáp điện, đường ống nước, cáp viễn thông… Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo nhiều rủi ro khác khi phát triển không gian ngầm mà không có quy hoạch như sạt lở, chắn mạch nước ngầm, động đất… Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đỗ Văn Lĩnh cho rằng: Địa chất của thành phố không phải nơi nào cũng phù hợp để xây dựng công trình ngầm. Chỉ có một số ít khu vực như quận 1, 3, 10 có nền đất tương đối ổn định, chắc chắn, còn lại phần lớn các quận, huyện ngoại thành có nền đất yếu, các công trình xây dựng trên nền đất loại này có khả năng trượt sạt cao. PGS, TS Đậu Văn Ngọ, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh lưu ý về việc nghiên cứu hướng thoát nước của thành phố. Công trình ngầm phải tránh, không chắn ngang hướng thoát nước. Bởi, nếu các tầng thoát nước bị chắn ngang, mực nước dưới đất sẽ dâng lên cao, không chỉ ảnh hưởng chất lượng các công trình ngầm mà còn gây ngập.

Theo TS Võ Kim Cương nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố: “Cốt lõi của việc xây dựng không gian ngầm là chỗ nào được xây, nơi nào không được xây!”. Theo ông, việc xác định khu vực nào xây được, phát triển theo hướng, tuyến nào, xây cái gì, ở đâu không chỉ tránh được các rủi ro có thể xảy ra mà còn phát huy được hết hiệu quả của các công trình ngầm. Ban đầu, thành phố nên xác định hướng tuyến quy hoạch không gian ngầm bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý (chẳng hạn sâu bao nhiêu mét thì được xây dựng và xây dựng cái gì…).

Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần có quy hoạch chi tiết cho không gian ngầm. Khi đó, thành phố sẽ tháo gỡ được các vấn đề hóc búa về hạ tầng kỹ thuật, tránh được hàng loạt rủi ro khi xây dựng công trình ngầm…; đồng thời, giúp các dự án hạ tầng ngầm được triển khai xây dựng nhanh chóng và phát huy hiệu quả nhất.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33529102-khai-pha-the-manh-khong-gian-ngam.html