Khai phá, gìn giữ kho báu giữa đại ngàn

Bằng tình yêu với vùng đất cao nguyên, TS. NGUYỄN TIẾN DŨNG, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đã dày công nghiên cứu, sưu tầm sử thi, đồng hành với nghệ nhân giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Anh vừa giành 2 giải Nhì Giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2023 cho các công trình sưu tầm, nghiên cứu của mình.

Từ niềm yêu mến, say mê

- Anh bắt đầu hành trình điền dã, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian Tây Nguyên từ khi nào?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Gia Lai, dạy học ở đây 30 năm, nên chất văn hóa dân gian Tây Nguyên đã thẩm thấu một cách tự nhiên. Bản thân tôi cũng yêu mến và trân quý đời sống văn hóa tinh thần các dân tộc nên có thể nhận ra những giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất này. Do đặc thù công việc giảng dạy văn học (ở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai), tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu về sử thi Tây Nguyên từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, phải đến năm 2008, Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên của Viện Khoa học xã hội Việt Nam công bố và phát hành các ấn phẩm sử thi Tây Nguyên, tôi mới dành nhiều thời gian đi sâu sưu tầm, nghiên cứu kho di sản đặc sắc này.

- Thành quả mà anh gặt hái trên hành trình ấy là gì?

- Từ nhiều năm qua, tôi đã sưu tầm được 15 sử thi, đặc biệt là sử thi về người anh hùng Đăm Giông của dân tộc Ba Na ở Kon Tum. Ngoài ra, tôi cũng sưu tầm các tác phẩm dân gian như truyện cổ, lời nói vần của người Xơ Đăng, Gia Rai, Ba Na… để mở rộng nghiên cứu về sử thi, vì sử thi gắn liền với các thể loại văn học này. Theo tôi, thành quả lớn nhất không nằm ở số lượng tác phẩm sưu tầm mà khám phá được những giá trị văn hóa dân gian của các tộc người ở Tây Nguyên.

Ảnh sưu tầm sử thi ngày 16.4.2017 tại Kon Tum. Từ trái sang: dịch giả A Jar, nghệ nhân A Lưu, TS. Nguyễn Tiến Dũng đang ghi âm, ghi hình sử thi. Ảnh: NVCC

- Kho tàng văn nghệ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên rất phong phú, được ví như mảnh đất màu mỡ cho các nhà nghiên cứu. Người nắm giữ di sản không ai khác là các nghệ nhân - báu vật dân gian mà nếu họ mất đi thì giá trị ấy cũng không còn nữa. Với sử thi Tây Nguyên cũng vậy. Đó có phải là khó khăn của những người sưu tầm sử thi không?

- Quả thực đây là câu hỏi lớn và khó nhất đối với việc sưu tầm và bảo tồn sử thi. Hiện nay, người kể sử thi, người dịch sử thi chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí mỗi dân tộc chỉ còn duy nhất một người. Qua nhiều năm sưu tầm, tôi nhận thấy tìm được người diễn xướng trọn vẹn một sử thi cực kỳ khó. Một số người chỉ nhớ một vài đoạn. Một số người nhớ hết câu chuyện sử thi nhưng diễn xướng không đúng đặc trưng.

Ở Kon Tum hiện chỉ nghệ nhân A Lưu có thể diễn xướng trọn vẹn nhiều sử thi và đúng đặc trưng. Tuy nhiên, ông đã hơn 80 tuổi và sức khỏe không tốt, rất khó khăn để diễn xướng trọn vẹn một sử thi. Mấy năm trước, nghệ nhân có thể diễn xướng được từ 5 - 8 giờ/ngày. Còn bây giờ, cố gắng lắm, ông chỉ hát chỉ được 1 - 2 giờ, thậm chí có ngày ông chỉ hát 30 phút hoặc không hát được.

Người dịch sử thi cũng rất quan trọng; ở Gia Lai và Kon Tum còn nhiều sử thi nhưng tìm được người dịch cực khó. Dịch giả - nghệ nhân A Jar là người duy nhất có thể dịch được sử thi Xơ Đăng và cũng là người dịch sử thi Ba Na nhiều nhất tính đến thời điểm này. Nhưng A Jar cũng đã già (76 tuổi), sức khỏe không tốt. Bởi vậy, nếu không tăng cường sưu tầm thì sử thi sẽ không còn nữa. Nghệ nhân sẽ mang theo sử thi còn lại về với thế giới Atâu (thế giới bên kia).

Gìn giữ và nối dài giá trị

- Lựa chọn đi sâu sưu tầm sử thi của dân tộc Ba Na, anh nhìn nhận giá trị đặc sắc, riêng có của di sản này ra sao?

- Nếu như trường ca Đam San, sử thi nổi tiếng đầu tiên và được biết đến nhiều nhất của người Ê Đê, được phát hiện từ năm 1927, thì phải đến tận cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, sử thi Ba Na mới được biết đến qua sử thi Đăm Noi. Cũng giống sử thi của các dân tộc Tây Nguyên như Ê Đê, Mơ Nông, sử thi Ba Na là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền khẩu theo kiểu diễn xướng đặc biệt, kể lại lịch sử hình thành, phát triển của tộc người Ba Na ở đại ngàn.

Sử thi Ba Na không chỉ ghi chép sự kiện lớn của cộng đồng mà còn là cuốn “bách khoa toàn thư” truyền miệng, ghi chép toàn bộ cuộc sống lao động, chiến đấu, sinh hoạt, phong tuc tập quán, tín ngưỡng… của người Ba Na xưa với hàng trăm sử thi liên hoàn nhau. Trong đó, mỗi sử thi đơn (hay sử thi độc lập) kể về một câu chuyện của cộng đồng như lấy vợ, làm rẫy, bắt cá, đi săn, đánh giặc, làm nhà rông… Kho tàng sử thi Ba Na có hơn 100 sử thi kể về các chiến công của người anh hùng Dăm Giông. Từ năm 2001 - 2007, nghệ nhân A Lưu diễn xướng gần 100 sử thi cho Dự án đã nêu. Hiện nay, ông vẫn còn thuộc gần 20 sử thi khác mà tôi đang sưu tầm.

- Từ góc độ nghiên cứu, anh nhận thấy bối cảnh hiện nay đặt ra những vấn đề gì trong việc bảo tồn giá trị độc đáo của sử thi Ba Na?

- Như tôi đã nói, khó khăn lớn nhất là nghệ nhân diễn xướng sử thi và dịch giả. Họ đã già yếu, nhiều người không thể diễn xướng được nữa. Công tác sưu tầm sử thi hết sức gian nan. Các nhà sưu tầm phải làm việc cật lực, chạy đua với thời gian và sức khỏe của các nghệ nhân trong điều kiện không có nhiều nguồn lực. Mặc khác, không gian của Tây Nguyên đã biến đổi mạnh mẽ. Phương thức sản xuất truyền thống và phong tục tập quán thay đổi, lớp trẻ không mặn mà với văn hóa dân gian, đời sống của nghệ nhân vô cùng khó khăn… Nhà nước đã có nhiều dự án để bảo tồn văn hóa dân gian nói chung và sử thi nói riêng nhưng hiệu quả chưa cao hoặc không thành công.

- Theo anh, chúng ta có thể làm gì trước bối cảnh đầy thách thức này?

- Để bảo tồn di sản, tôi cho rằng Nhà nước hoặc cá nhân/tổ chức quan tâm nên lập các câu lạc bộ hoặc dự án bảo tồn sử thi. Chẳng hạn như hỗ trợ nghệ nhân kinh phí sinh hoạt và diễn xướng, hỗ trợ nhà sưu tầm, nghiên cứu xuất bản các công trình, số hóa các công trình đã sưu tầm. Cũng có thể chuyển thể các tác phẩm sử thi thành truyện tranh, phim hoạt hình, sách nổi… phổ biến trong cộng đồng và trường học.

Ngoài ra, vấn đề mà người nghiên cứu sử thi như tôi rất quan tâm, là từ năm 2001 Dự án đã sưu tầm được hơn 800 sử thi của người Mơ Nông, Ê Đê, Xơ Đăng, Ba Na, Ra Glai, Chăm, song việc nghiên cứu và giảng dạy sử thi trong nhà trường vẫn còn khiêm tốn, kể cả các trường đại học có ngành khoa học xã hội. Qua đó, rất mong các tác giả biên sách giáo khoa nên giới thiệu những sử thi mới sưu tầm để giá trị của chúng lan tỏa rộng rãi hơn.

- Xin cảm ơn anh!

Lê Thư thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/khai-pha-gin-giu-kho-bau-giua-dai-ngan-i355268/