Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba

Tối 17.4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ khai mạc

Tham dự Lễ khai mạc có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ban, ngành, cùng đông đảo độc giả.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trên cơ sở đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển Ngày Sách 21.4 hàng năm thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, với mục tiêu không chỉ tôn vinh những người viết sách, làm sách mà sâu sắc hơn, tôn vinh bạn đọc, chấn hưng văn hóa đọc.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Lễ khai mạc tại Thủ đô sẽ khởi đầu cho chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc trên cả nước để đem đến tinh thần mới: người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển đến đó; bạn đọc ở đâu, sách phải đến đó

Bốn thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay là: “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật", "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”, tuy giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, mong muốn xuất bản góp sức xây dựng hệ tri thức dân tộc, phát triển đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu chỉ đạo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong quần chúng nhân dân.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức sâu rộng, thiết thực và giàu ý nghĩa với sự hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương cùng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đặc biệt là mô hình đường sách ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước cùng với các chương trình khuyến đọc đã tạo ra không gian văn hóa thu hút sự quan tâm của người dân tạo dựng nét đẹp văn hóa, thúc đẩy thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu sách.

Qua đó, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các đại biểu trải nghiệm không gian giới thiệu sách điện tử

Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành, các cơ quan chủ quản xuất bản, các nhà xuất bản và đơn vị liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam quan tâm triển khai thực hiện một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc tiếp thu, bồi đắp tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Nâng cao tính tự giác trong việc đọc sách. Coi việc đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả nhất, thiết thực nhất giúp chúng ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó có cái nhìn, tâm thế tích cực hơn về cuộc sống.

Thứ hai, chú trọng đầu tư, hỗ trợ thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc trong hệ thống nhà trường, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, tạo lập thói quen đọc sách trong các tầng lớp nhân dân. Quan tâm phát hiện, cổ vũ những mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống. Đẩy mạnh công tác tổ chức các hoạt động có liên quan đến sách và văn hóa đọc đến hệ thống trường học, nhà văn hóa, điểm văn hóa, thôn bản, cộng đồng dân cư, các địa bàn cơ sở.

Thứ ba, tăng cường vận động sáng tác những tác phẩm, cuốn sách, công trình có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc. Khuyến khích xuất bản sách hay, có giá trị, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng, bạn đọc và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển ngành xuất bản, quảng bá sách và văn hóa đọc.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách. Gắn phát triển văn hóa đọc với chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới. Khai thác, sử dụng các loại hình, phương thức xuất bản phẩm điện tử, sách tinh gọn, sách nói, tạo sức lan tỏa rộng và nhanh hơn.

Thứ năm, mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về sách, nhất là sự kiện Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23.4 hằng năm). Tổ chức các hội sách quốc tế và tham gia các hội sách ở nước ngoài để thu hút các đơn vị xuất bản lớn trong khu vực và thế giới. Tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm, tác giả của Việt Nam tới bạn bè quốc tế...

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Tương lai của đất nước thuộc về thế hệ trẻ giàu tri thức, ý chí và khát vọng. Văn hóa đọc phải là nhu cầu thiết yếu, nhu cầu tự thân, tự học, tự trau dồi kiến thức, được thấm đẫm trong mỗi người, mỗi tế bào của xã hội, để tâm hồn chúng ta không ngừng được bồi đắp về tri thức và những giá trị nhân văn cao cả, trở thành công dân có ích cho đất nước, đủ tự tin để bước ra toàn cầu.

Tin: Ng. Phương; Ảnh: Việt Linh - Thế Bằng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/khai-mac-ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-lan-thu-ba-i367323/