Khai hội Cổ Loa xuân Giáp Thìn 2024

Nhân dân và du khách về dự lễ hội Cổ Loa xuân Giáp Thìn 2024 ai cũng một lòng thành kính, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc, đất nước phồn vinh.

Ngày 15/2, hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã về Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) dự lễ hội Cổ Loa xuân Giáp Thìn 2024.

Lễ hội Cổ Loa là một trong những lễ hội từ lâu đời của văn hóa Việt, còn gọi là lễ hội Loa thành bát xã. Đây cũng là lễ hội lớn nhất của vùng đất Đông Anh, được tổ chức tại đền Thượng (đền Cổ Loa) - nơi thờ vua Thục Phán và những người có công với nhân dân.

Nghi thức rước kiệu vào đền. Ảnh: D.Thành

Tương truyền, ngày mùng 6 tháng Giêng, vua An Dương Vương nhập cung, ngày mùng 9 tháng Giêng tổ chức khao quân nên người dân thành Cổ Loa lấy ngày mùng 6 làm chính hội để tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm nhân dân bát xã Loa Thành lại thành kính tổ chức lễ hội. Lễ hội biểu hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, về truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hướng con người đến chân - thiện - mỹ.

Nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội ai cũng một lòng thành kính, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc, đất nước phồn vinh.

Lễ hội Cổ Loa thể hiện nét đẹp văn hóa “uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: M.Hoa

Năm nay, Lễ hội Cổ Loa Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra trong 2 ngày, mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng. Phần nghi lễ gồm các nghi thức dâng hương của bát xã Loa Thành; thực hành nghi thức tế, lễ; nghênh rước kiệu vua An Dương Vương và rước kiệu Bà Chúa của bát xã Loa Thành.

Lễ hội Cổ Loa và bát xã Loa Thành năm nay còn có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: Đấu vật, bắn nỏ, bóng chuyền, cờ người, diễn tuồng cổ, đu tiên, múa rối nước Đào Thục, hát quan họ trên thuyền rồng...

Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, một trong những di tích lịch sử vô cùng quý giá với những vòng thành độc đáo, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, các khu di chỉ khảo cổ học quan trọng, nơi 2 lần là kinh đô của nước Việt, đã trở thành biểu tượng của nền văn minh Việt cổ đáng tự hào của dân tộc ta.

Đã qua biết bao sự đổi thay của đất nước, nhưng với người dân Đông Anh vẫn còn lưu giữ kho tàng huyền thoại về vua Thục xây thành Ốc, chuyện nàng tiên gánh đất xây thành, chuyện diệt Bạch Kê tinh ở núi Sái hay tướng Cao Lỗ chế nỏ thần diệt quân xâm lược… Mỗi câu chuyện đều mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Với những giá trị, ý nghĩa to lớn về văn hóa, lịch sử, năm 1962 di tích Cổ Loa được xếp hạng cấp Quốc gia. Năm 2012, Cổ Loa được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa. Năm 2021, lễ hội Cổ Loa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khai-hoi-co-loa-xuan-giap-thin-2024-post284582.html