Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh: Vẹn nguyên một tư tưởng

Để thoát khỏi “bầu không gian”mô hình xã hội phong kiến ngàn năm cực khó. Ngay cả khi có sự so sánh và nhận rõ sự ưu việt của văn hóa Pháp, phương Tây, thì nhiều kẻ sĩ vẫn mong muốn đánh Pháp, giành độc lập, khôi phục vương triều. Cuối thế kỷ 19, những năm đầu thế kỷ 20, chỉ có Phan Chu Trinh nghĩ tới việc xóa bỏ chế độ phong kiến, xây dựng một mô hình xã hội dân quyền. Thật bất ngờ, khi tư tưởng của Phan Chu Trinh lại được Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc tới trong buổi nói chuyện với hàng ngàn sinh viên Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.

Nhà cách mạng Phan Chu Trinh.

Từ quan để Duy Tân

Với Phan Chu Trinh, độc lập dân tộc không phải là mục đích cuối cùng mà là phát triển dân tộc theo kịp thời đại thì độc lập mới có ý nghĩa và lâu bền.

Phan Chu Trinh (1872-1926), hiệu là Tây Hồ, Hy Mã, tự là Tử Cán, nguyên quán làng Tây Lộc (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) tỉnh Quảng Nam. Mồ côi mẹ khi mới 6 tuổi, quê hương lại bị tàn phá bởi người Pháp đàn áp phong trào Cần Vương nên ông phải theo cha (Phan Văn Bình) lúc đó đang làm Quản cơ sơn phòng rồi Chuyển vận sứ đồn A Bá ở Tiên Phước để học tập. Sau khi cha bị nghi ngờ và sát hại, ông về quê sống với người anh cả là Phan Văn Cừ và tiếp tục theo học. Ông nổi tiếng học giỏi và học chung với những bạn học tên tuổi như: Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến...

Con đường thi đỗ, làm quan của Phan Chu Trinh thật ngắn ngủi, vẻn vẹn có 4 năm: Năm 1900, đỗ cử nhân thứ ba ở trường Thừa Thiên, năm sau, đậu Phó bảng đồng khoa với Tiến sĩ Ngô Đức Kế, Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1903, được bổ làm Thừa biện bộ Lễ. năm 1904, từ quan. Thế nhưng, khoảng thời gian ngắn này lại giúp ông có bước chuyển mình rất lớn về tư tưởng. Trong thời gian làm quan, Phan Chu Trinh kết giao với Đình nguyên Hoàng Giáp Đào Nguyên Phổ và được ông Phổ tặng sách mới mang tư tưởng duy tân. Trăn trở rồi quyết chí hành động, Phan Chu Trinh đã kết giao với Phan Bội Châu và viết thư dâng triều đình xin bỏ khoa cử, song việc không thành. Năm 1904, Phan Chu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đều không nhận bổ nhiệm sau khi đỗ Tiến sĩ mà cùng Nguyễn Thành tổ chức vận động Duy Tân tại Quảng Nam.

Hết tù trong nước lại tù bên Pháp

Năm 1906, sau khi những mô hình trường Duy Tân đầu tiên được mở ở Tây Lộc và Phú Lâm (cùng huyện Tiên Phước, Quảng Nam) gây tiếng vang lớn và có hiệu quả xã hội tích cực do Phan Chu Trinh và Lê Cơ chủ xướng thì Phan Chu Trinh ra Bắc. Tới Nghệ An, Phan Chu Trinh gặp Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn bàn bạc. Tới Hà Nội, ông cùng Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục, rồi trực tiếp diễn thuyết cổ động tân học. Rồi Phan Chu Trinh lặn lội lên Yên Thế tìm gặp hùm thiêng Đề Thám. Ông lại sang Quảng Đông gặp Phan Bội Châu và cùng sang Nhật. Vì con đường của Phan Bội Châu khác mình nên Phan Chu Trinh về nước.

Mở thêm hàng chục trường ở Quảng Nam, Phan Chu Trinh lại ra Hà Nội, giảng tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kết giao với Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn. Đột nhiên, ngày 31-3-1908, Phan Chu Trinh bị bắt vì vu cho xúi giục phong trào biểu tình chống sưu thuế ở miền Trung. Ông phải tội chém, nhưng một tháng sau được giảm án, bị lưu đày ra Côn Lôn.

Trước sức ép của dư luận trong nước và sự vận động của Hội Nhân quyền trên đất Pháp nên tháng 8/1910, Phan Chu Trinh được thả. Quản thúc ở Mỹ Tho rất bó buộc nên ông đã viết thư cho Toàn quyền Đông Dương đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Lôn. Nhân có chương trình về giảng dạy tiếng Hán tại Pháp, nên Toàn quyền Đông Dương quyết định cho Phan Chu Trinh và con trai Phan Châu Dật đi.

Như hổ về rừng, Phan Chu Trinh năng nổ hoạt động, kết giao với nhiều trí thức Pháp. Ông lại viết thư, viết sách gửi chính phủ Pháp. Ông cũng đã gặp Albert Sarraut trước khi sang làm Toàn quyền Đông Dương để đưa ra những dự án cải tổ nền chính trị, nhưng không đạt kết quả. Tháng 8/1914, Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường từ chối đi lính cho Pháp trong cuộc chiến tranh diễn ra với Đức với lý do không phải công dân Pháp nên bị bắt giam. Tại nhà tù Santé (ở Paris), Phan Chu Trinh viết Santé thi tập với hơn 200 bài. Năm 1915, Phan Chu Trinh ra tù nhưng bị cắt mọi trợ cấp. Ông vất vả làm nghề ảnh kiếm sống, nuôi con.

Tượng cụ Phan Chu Trinh do nghệ nhân Nguyễn Long Bửu -
làng đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước (Đà Nẵng) thực hiện.

Tư tưởng dân quyền

Ở độ tuổi 30, khi xuất dương nhưng Phan Chu Trinh đã có tư tưởng dân quyền. Chỉ một năm chứng kiến thực tế chốn quan trường, ông từ chức, thực hiện chí hướng. Không chỉ lập trường Duy Tân ở Quảng Nam, Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội), ông và Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp còn góp phần thành lập trường Dục Thanh (Phan Thiết). Phan Chu Trinh nêu khẩu hiệu: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Với ý nghĩa, khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ cùng kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa; Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế; Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa...

Tư tưởng của Phan Chu Trinh còn thể hiện rõ trong: Thư gửi chính phủ Pháp, Tỉnh quốc hồn ca (I và II); Đông Dương chính trị luận; Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam (Nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hợp); Thư thất điều (gửi vua Khải Định)…

Trong lịch sử ngàn năm phong kiến, Thất trảm sớ của Chu Văn An thời Trần hạch tội 7 quan đại thần đã kinh động càn khôn, nhưng với Thư thất điều gửi vua Khải Định nhân chuyến vua sang Pháp, Phan Chu Trinh ở cương vị một người dân lại dám hạch vua 7 tội, giọng điệu thực kinh hoàng: “…Đã 12 năm, tôi ăn nằm trên cái đất dân chủ, hớp cái không khí tự do, nhờ vậy mà tôi hiểu được lẽ chánh đáng trong thế giới, phần nghĩa vụ của quốc dân, và cũng biết chắc được cái mục đích của nước nhà nên thay đổi như thế nào. Dân ta bây giờ phải đánh thức nhau dậy, phải đồng lòng hiệp sức mà chống cự với lũ vua dữ quan nhơ, phải phá nó cho tan, đạp nó cho đổ; lại phải lấp tận nguồn, cắt tận rễ, làm cho tiệt hẳn sức ma quỷ chuyên chế, nó đã ám ảnh chúng ta mấy ngàn năm nay, nếu không làm như thế thời không bao giờ trông thấy ánh sáng mặt trời mặt trăng nữa!”. Sau khi hạch vua 7 tội, Phan Chu Trinh khẳng khái: “Nếu như Bệ hạ có đủ thiên lương, chút biết hối ngộ, biết quân quyền không thể cậy được, dân oán không thể khi được, thời phải sớm quay về, tự thoái vị trước, đem chính quyền trả lại cho quốc dân ta, để họ trực tiếp cùng dân tộc Pháp, tự mưu lấy lợi ích của họ, như vậy thời quốc dân ta còn lượng tình, không bạc đãi, cái kế Bệ hạ không còn kế nào hơn”.

Học giả Hoàng Xuân Hãn đánh giá Phan Chu Trinh rất xác đáng: “Sau khi phong trào Cần Vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội Việt Nam, cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa đã đưa đến mất nước là sự thua kém của xã hội ta so với phương Tây. Phan Châu Trinh đã đưa ra đường lối mới để tìm lối thoát cho con đường cứu nước...”. Với Phan Chu Trinh, độc lập dân tộc không phải là mục đích cuối cùng mà là phát triển dân tộc theo kịp thời đại thì độc lập mới có ý nghĩa và lâu bền. Điều này rất gần với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi cho rằng: “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Chủ trương nhà nước dân quyền mới phải có Hiến pháp, có luật lệ, từ người giám quốc (tổng thống) đến thứ dân đều bình đẳng trước pháp luật, Phan Chu Trinh so sánh: “Theo cái chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung mọi người. Lòng quốc dân muốn thế nào thì được thế ấy...”. Không bài Pháp, lại còn chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” nên thời gian dài tư tưởng của ông bị coi là cải lương, là kêu gọi kẻ thù rủ lòng thương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên cạnh những người Pháp thực dân còn có những người Pháp dân chủ, yêu chuộng hòa bình. Phan Chu Trinh muốn thức tỉnh người dân bằng việc học để thay đổi xã hội, giành độc lập. Và chính những trí thức thời Pháp đã được Hồ Chủ tịch sử dụng rất hữu hiệu trong bộ máy để kháng chiến và kiến quốc.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/khai-dan-tri-chan-dan-khi-hau-dan-sinh-ven-nguyen-mot-tu-tuong/108805