Khách mua bỏ 'cọc' - Nỗi ám ảnh với người trồng hoa cây cảnh

Mặc dù bán cây tại ruộng, có hợp đồng và đã nhận tiền đặt cọc 10% giá trị lô hàng nhưng với những người trồng hoa cây cảnh ở tỉnh Hưng Yên, điều đó chưa hẳn đã hoàn toàn yên tâm.

Ảnh minh họa

Hưng Yên là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng hoa cây cảnh, cung cấp cho nhu cầu của người dân khắp các tỉnh, thành. Các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu từ nhiều năm nay đã trở thành vựa cây cảnh lớn của tỉnh. Vào những ngày cuối năm Quý Mão này, khách hàng từ các nơi về đặt mua cây phục vụ nhu cầu chơi Tết khá nhiều. Người bán, người mua thường giao dịch, làm hợp đồng rồi đặt cọc với nhau ngay tại ruộng. Đến ngày đã hẹn, người bán sẽ vận chuyển hàng tới người mua.

Bà Nguyễn Thị Luyến (ở thôn Quán Trạch, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang) cho biết: "Nghề trồng cây cảnh Tết nhìn thì tưởng dễ nhưng vất vả lắm, đầu tư lớn, thời gian chăm sóc mất cả năm trời nhưng khi tiêu thụ thì chỉ diễn ra có một tháng. Dịp cuối năm, nhà nào cũng phải ra ruộng, vườn để trực đón khách bán cây".

Mặc dù bán cây tại ruộng, có hợp đồng và tiền đặt cọc lên tới 10% giá trị lô hàng nhưng điều đó chưa hẳn là niềm vui trọn vẹn sau một năm lao động vất vả. Bởi với nghề trồng hoa cây cảnh Tết, chỉ khi nào đánh cây khỏi ruộng, nghĩa là việc giao dịch mua bán hoàn toàn thành công, họ cầm được 100% số tiền thì khi ấy mới yên tâm mà ăn Tết.

Cây quất được người trồng lên chậu, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán

Chị Nguyễn Thị Nhạn (ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu) cho hay: "Vườn bưởi cảnh 200 cây của nhà tôi đầu tư mất hơn 300 triệu đồng. Hôm qua, tôi mới bán hết cho khách từ Nghệ An nhưng nói thật là người ta có đặt cọc thì mình cũng chưa yên tâm. Nếu họ bỏ cọc là mình trở tay không kịp, nhất là bỏ cọc vào những ngày cận Tết, có khi không bán hết, đành chịu ế cây sang năm sau. Làm nghề này dù đã cầm cọc vẫn ám ảnh ghê lắm. Chỉ khi nào cây đi hết khỏi ruộng mới thở phào nhẹ nhõm".

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (ở xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ) từng bị bỏ cọc lô hàng quất, bưởi lên tới 500 cây vào năm 2022. Chị Hoa cho hay, năm ấy, khách đặt mua cây của nhà chị từ tháng 11 âm lịch, đến ngày 24 tháng Chạp, bất ngờ khách thông báo bỏ cọc. "Cả gia đình tôi chạy đôn chạy đáo nhờ anh em hỗ trợ nhưng cận Tết quá và số lượng cây cũng nhiều nên không thể tiêu thụ hết dù mình đã giảm giá khá nhiều so với giá bán trước đó. Vụ đó, gia đình tôi bị thiệt hại cả trăm triệu đồng", chị Hoa cho biết.

Với nghề trồng hoa cây cảnh Tết ở Hưng Yên, chuyện bỏ "cọc" dẫu rằng cả người mua và người bán đều không mong muốn nhưng khi có những diễn biến xấu của thị trường, họ đều chấp nhận như một cái lệ bất thành văn. Để giảm thiệt hại, người trồng hoa cây cảnh Tết ở đây chỉ còn cách tự lên cho mình một phương án dự phòng. Khi rơi vào tình huống bị bỏ "cọc", những hộ gia đình sẽ hỗ trợ nhau bán cây, nhằm gỡ gạc lại chút vốn liếng đã bỏ ra đầu tư cả tiền bạc lẫn công sức suốt cả năm trời.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khach-mua-bo-coc-noi-am-anh-voi-nguoi-trong-hoa-cay-canh-2024011816323099.htm