Khách mất xe, chủ quán có phải bồi thường không?

Liên tiếp các vụ khách đi ăn, đi uống cà phê bị mất xe tại các quán xá này. Việc tranh cãi giữa khách hàng bị mất xe với chủ quán là câu chuyện triền miên không dứt kéo theo vô vàn những phản ứng tiêu cực của người tham gia. Vậy đi vào quán ăn, uống lỡ bị mất xe, chủ quán phải đền trong trường hợp nào?

Điểm gửi xe của một quán cà phê tại Hà Nội. Ảnh: HH

Kiện chủ quán ra tòa vì bị mất xe

Tháng 4/2023, chị V.T.T.H (SN 1980, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), cùng 8 người bạn đến và sử dụng dịch vụ đồ uống tại một quán cà phê tại đường Hồng Tiến (phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội). Khi vào quán, nhóm chị H đã dựng xe máy ở trước cửa.

Sau đó, nhân viên hướng dẫn mọi người lên tầng 2 ngồi và sử dụng đồ uống tại đây. Sau đó, một nhân viên nữ của quán mượn chìa khóa của một người trong nhóm để dắt gọn xe vào nên đã đồng ý giao chìa khóa. Lúc sau, nhân viên này đem chìa khóa trả lại bạn của chị H.

Đáng chú ý, xe SH của chị H đặt cạnh xe của người bạn đưa chìa khóa cho nhân viên. Đến khi ra về, chị H không thấy xe của mình đâu. Sau khi nhờ kiểm tra camera và được xác nhận có 2 người lạ mặt đã phá khóa cổ để dắt xe đi. Sau một hồi tranh chấp, sự việc đã được đưa lên CA phường Bồ Đề. Câu chuyện của chị H nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Sau đó, đại diện cơ sở này đã liên hệ và chấp nhận bồi thường cho chị H.

Được biết, chủ quán cà phê đã bồi thường đầy đủ theo đúng yêu cầu của chị. Mọi trao đổi đều dựa trên tinh thần hòa giải và không bị ép buộc. Thời điểm 2 bên hòa giải có sự chứng kiến của đại diện CA quận Long Biên.

Sự việc của chị H là một trong rất nhiều các trường hợp đi uống cà phê rồi bị mất xe. Thậm chí, đã có vụ việc kiện chủ quán vì bị mất xe. Cụ thể, năm 2018, TAND tỉnh Kiên Giang đã thụ lý và xét xử vụ án tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo hợp đồng gửi giữ tài sản.

Trong đơn khởi kiện, ông D.N.H cho biết, tháng 1/2017, ông đi xe máy Exciter chở một người bạn vào uống cà phê tại quán cà phê của bà S. Khi vào quán, ông đậu xe máy trong quán ngay tầm nhìn của bảo vệ quán để bảo vệ dễ quan sát, lúc đó có bảo vệ trông thấy. Khi ra về, không thấy xe của mình đâu, ông H và bạn tìm bảo vệ để hỏi thì không thấy bảo vệ đâu.

Khoảng 5 phút sau, một người bảo vệ mới tới quán. Khi ông H hỏi thì người bảo vệ này nói mới nhận ca nên không biết. Ông H hỏi về số điện thoại bên Ctybảo vệ để trình bày sự việc, nhờ bạn đi trình báo CA phường, còn ông ngồi ở quán đợi chủ quán.

Sau đó, tổ trưởng bên Cty bảo vệ có đến quán gặp ông H để nắm sự việc. Đồng thời, ông H đến CA phường trình bày sự việc và CA phường có ghi nhận. Theo ông H, thời điểm đó ông vẫn còn giữ giấy đăng ký xe mang tên ông và chìa khóa xe. Khi ông vào quán uống cà phê thì bảo vệ quán phải có trách nhiệm trông giữ xe máy của ông. Do bảo vệ quán sơ hở, mất cảnh giác nên kẻ gian đã đột nhập và lấy mất xe máy của ông.

Do đó, ông yêu cầu chủ quán cà phê và người quản lý quán cà phê phải có trách nhiệm bồi thường chiếc xe bị mất cho ông (trị giá gần 46 triệu đồng). Tại phiên xét xử, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên buộc chủ quán cà phê phải bồi thường cho ông H 31 triệu đồng.

Trường hợp nào chủ quán phải bồi thường

Về câu chuyện bồi thường hay không bồi thường, căn cứ vào điều khoản nào là điều mà nhiều người thắc mắc. Theo luật sư Nguyễn Thị Mai - Đoàn Luật sư Hà Nội, tình huống mất xe khi đi cà phê, đi ăn uống là chuyện không hiếm. Hiện nay, khi đi nhà hàng hay các quán cà phê, các chủ quán đều bố trí nhân viên bảo vệ giữ xe để trông giữ xe hoặc thuê một bên thứ 3 là các Cty bảo vệ thực hiện việc trông giữ xe cho khách hàng. Việc gửi xe tại các nhà hàng và quán cà phê có thể miễn phí hoặc thu phí.

“Pháp luật không hề có bất kỳ quy định nào yêu cầu nhà hàng hay các quán cà phê phải có nghĩa vụ trông giữ xe cho khách hàng, nhưng từ lâu việc trông giữ xe cho khách hàng được coi là một dịch vụ tối thiểu nhất mà các quán cà phê phải cung cấp. Việc vừa thưởng thức dịch vụ nhưng vẫn yên tâm về xe của mình đã được trông coi hết sức cẩn thận là trong những điểm mạnh để thu hút khách hàng đến với quán của mình” - theo luật sư Mai.

Việc gửi xe của khách hàng và chủ nhà hàng, quán cà phê về bản chất được xem là một giao dịch dân sự, cụ thể là “Hợp đồng gửi giữ tài sản” giữa nhà hàng, quán cà phê và khách hàng. Việc gửi xe có thể được thực hiện thông qua những hành động, lời nói cụ thể. Khi nhân viên hướng dẫn đậu đỗ xe, ghi vé xe đưa cho khách hàng được xem là hành vi giao kết hợp đồng gửi giữ xe giữa khách hàng và nhà hàng, quán cà phê. Chiếc vé gửi xe lúc này là một bằng chứng quan trọng để khách hàng có thể đòi bồi thường khi có việc mất trộm xảy ra.

“Còn trường hợp nếu đến nhà hàng hay quán cà phê bất kì mà không có người trông giữ xe thì không có sự giao kết hợp đồng nào với nhà hàng và quán cà phê. Tài sản là chiếc xe máy và các tài sản khác khách hàng cần tự bảo quản” - luật sư Mai nói.

Cũng theo luật sư Mai, trong trường hợp này, việc có được chủ quán bồi thường hay không còn phụ thuộc vào việc chứng minh của khách hàng về việc xác lập quan hệ gửi giữ xe với quán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chứng minh này là rất khó và đem lại hiệu quả không cao, vì vậy, khách hàng nên nói chuyện lại với chủ quán và yêu cầu họ hỗ trợ một phần, để giữ uy tín của cửa hàng, chủ quán có thể chấp nhận. Còn nếu khởi kiện thì phần thắng sẽ không cao.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//khach-mat-xe-chu-quan-co-phai-boi-thuong-khong-358596.html