Khách hàng ồ ạt rút 69 tỷ USD khỏi Credit Suisse

Gần 69 tỷ USD đã bị rút khỏi Credit Suisse trong quý I. Làn sóng rút tiền là một trong những thách thức đang bủa vây vụ sáp nhập giữa ngân hàng này và UBS.

Hôm 24/4, Credit Suisse cho biết 61,2 tỷ franc (tương đương 68,6 tỷ USD) đã bị rút khỏi ngân hàng trong quý I. Làn sóng rút tiền cản trở quá trình mua lại ngân hàng Thụy Sĩ 167 tuổi của UBS, một nhà băng Thụy Sĩ khác.

Số tiền bị rút ra chiếm 5% tổng tài sản được ngân hàng quản lý tính đến cuối năm 2022. 57% trong số đó là tiền gửi.

"Trong nửa cuối tháng 3 năm 2023, các khách hàng của Credit Suisse đã rút một lượng lớn tiền gửi, cũng như không gia hạn các khoản tiền gửi có kỳ hạn", ngân hàng cho biết.

Làn sóng rút tiền

"Đỉnh điểm của làn sóng rút tiền là những ngày trước và sau thông báo sáp nhập. Tiền gửi đã ổn định hơn nhiều, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể đảo ngược tình hình", ngân hàng nói thêm.

Trong quý đầu tiên của năm, Credit Suisse ghi nhận lãi trước thuế 12,8 triệu franc. Nhưng chủ yếu là do toàn bộ trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của nhà băng Thụy Sĩ được bút toán giảm để tăng vốn chủ sở hữu.

Tháng trước, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - UBS - đồng ý mua lại nhà băng 167 tuổi - Credit Suisse - với giá 3,23 tỷ USD, chưa bằng một nửa giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng này.

Thương vụ này được chính phủ Thụy Sĩ và cơ quan quản lý ngân hàng làm trung gian, nhằm gấp rút xử lý cuộc khủng hoảng của ngân hàng lớn thứ 2 quốc gia này.

Thương vụ dự kiến được hoàn tất trong cuối năm nay. Nhưng việc sáp nhập hoàn toàn các hoạt động kinh doanh của Credit Suisse vào UBS có thể mất khoảng 3-4 năm.

Những thách thức

Thỏa thuận vẫn đang sa lầy trong những thách thức về pháp lý, nhất là xoay quanh việc 17 tỷ USD trái phiếu AT1 của nhà băng Thụy Sĩ trở nên vô giá trị. Điều này làm dấy lên làn sóng bất bình của các trái chủ. Một nhóm trái chủ đã tập hợp, tìm đến luật sư và chuẩn bị những động thái pháp lý sau thương vụ.

Đây là khoản lỗ lớn nhất trên thị trường AT1 ở châu Âu, vượt xa kỷ lục trước đó là 1,44 tỷ USD đối với trái chủ của ngân hàng Tây Ban Nha - Banco Popular - sau khi nhà băng này bị thâu tóm hồi năm 2017.

Hồi đầu tháng, những người biểu tình và các cổ đông của Credit Suisse đã có mặt tại nơi diễn ra cuộc họp cổ đông thường niên, buộc cảnh sát phải can thiệp. Đám đông phẫn nộ muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng sau sự sụp đổ của nhà băng 167 tuổi.

Nói với các cổ đông trong cuộc họp, ông Axel Lehmann - Chủ tịch Credit Suisse - cho biết mình "thực sự xin lỗi".

Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn việc niềm tin bị xói mòn trong nhiều năm, và vì đã làm các vị thất vọng

Ông Axel Lehmann - Chủ tịch Credit Suisse

"Đó là một ngày buồn của các vị và cả chúng tôi nữa. Tôi có thể hiểu sự cay đắng, tức giận và bàng hoàng của mọi người, những ai đang cảm thấy thất vọng, choáng váng và bị thiệt hại vì vụ việc", CNBC dẫn lời ông Lehmann chia sẻ tại cuộc họp thường niên của ngân hàng.

"Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn việc niềm tin bị xói mòn trong nhiều năm, và vì đã làm các vị thất vọng", ông nói thêm.

Trong năm ngoái, Credit Suisse lỗ ròng 7,3 tỷ franc. Khoản lỗ của riêng quý IV là 1,4 franc. Giai đoạn này, 111 tỷ franc chảy khỏi ngân hàng, thậm chí còn nhiều hơn quý đầu năm nay.

Từ năm ngoái, ngân hàng này đã bị đồn đoán đang trượt tới bờ vực sụp đổ. Các khách hàng - chủ yếu là cá nhân giàu có hoặc doanh nghiệp - vội vã rút hàng trăm tỷ USD khỏi Credit Suisse.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khach-hang-o-at-rut-69-ty-usd-khoi-credit-suisse-post1425073.html