Khắc sâu ý nghĩa một nghi lễ thiêng liêng

Khoảng tháng Hai, tháng Ba âm lịch hằng năm, tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra hoạt động mang tính nghi lễ truyền thống, tuy chỉ diễn ra tại một địa phương nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó gắn với tình cảm thiêng liêng của cả dân tộc về chủ quyền đất nước, đó là lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa.

Theo sách Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí… của Quốc sử quán triều Nguyễn và những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, Phan Huy Chú trong Hoàng Việt địa dư chí…, nghi lễ truyền thống này bắt đầu từ đảo Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu của Quảng Ngãi, nơi gắn với lịch sử xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng Biển Đông của Tổ quốc, mà trước hết là quần đảo Hoàng Sa. Nghi thức này đã có từ 3-4 thế kỷ trước, được truyền đời qua nhiều thế hệ cho đến hôm nay. Lễ khao lề thế lính nhằm mục đích tri ân những người dân đã từng tham gia trong đội hùng binh Hoàng Sa, vâng mệnh triều đình lênh đênh trên biển cả với những chiếc thuyền nan mỏng manh vượt sóng lớn đầy hiểm nguy, nhiều rủi ro để ra quần đảo Hoàng Sa khai thác sản vật, đánh bắt hải sản, đồng thời đo đạc lập bản đồ cắm mốc chủ quyền, khẳng định lãnh hải của Tổ quốc.

Từ một lễ hội của một địa phương, năm 2013, với việc được nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã mang tầm đất nước.

Vấn đề đặt ra là làm sao cho hoạt động mang tính lễ nghi chính thức này được quảng bá rộng rãi trong cả nước, nhất là với thế hệ trẻ nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mặc dù hệ thống phương tiện thông tin đại chúng đã quảng bá khá đậm nét và rộng rãi về lễ và các hoạt động liên quan - không chỉ riêng ở Quảng Ngãi mà gần như hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung - trong đó có sự tham gia đắc lực của lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền này hình như vẫn nằm trong khuôn khổ những ngày diễn ra nghi thức lễ. Sau những hoạt động nhộn nhịp, sôi nổi và rầm rộ này, công việc tiếp theo để tuyên truyền chiều sâu đòi hỏi phải có lộ trình, bài bản để trở thành một dấu ấn tri thức lịch sử cho học sinh các lứa tuổi, các cấp học.

Những người có trách nhiệm của ngành khoa học lịch sử nước nhà và những người làm công tác giảng dạy lịch sử cần có sự phối hợp để biên soạn một cách giản lược, hấp dẫn những lễ nghi truyền thống mang nội dung bảo vệ chủ quyền quốc gia qua các triều đại, các thời kỳ, trong đó có lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Những nội dung này cần được bổ sung vào các chương, mục phù hợp trong chương trình, sách giáo khoa để làm sinh động cho các tiết học lịch sử, đồng thời mở rộng thêm kiến thức của các em về một vùng đất lãnh thổ của Tổ quốc. Những người làm bảo tàng cũng cần bổ sung hình ảnh, hiện vật, nội dung thuyết minh tại bảo tàng các địa phương trong cả nước để hình ảnh Hoàng Sa luôn hiển hiện trong tâm thức, tình cảm của các em.

Sau gần 50 năm đất nước thống nhất, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc còn đang day dứt chúng ta, đó là Hoàng Sa vẫn đang bị chiếm giữ trái với luật pháp quốc tế và thực tế lịch sử. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá, truyền thụ kiến thức một cách sâu đậm về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - một nội dung của công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo quốc gia - không chỉ của riêng một địa phương mà cần được coi là công việc chung của cả nước.

NẠI HIÊN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5414/202403/khac-sau-y-nghia-mot-nghi-le-thieng-lieng-3968756/