Khắc phục tình trạng tôm chết do nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, dịch bệnh trên tôm phát sinh, nhiều diện tích tôm nuôi ở Kiên Giang bị thiệt hại. Ngành nông nghiệp Kiên Giang đã và đang triển khai nhiều biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng tôm chết, giảm thiệt hại cho người nuôi tôm.

THIỆT HẠI TRÊN 440HA

Dưới cái nắng oi bức của những ngày cuối tháng 3 vừa qua, vợ chồng ông Đỗ Văn Đô, ngụ ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên khẩn trương bơm nước ra, cày trục, xử lý hóa chất sát trùng Chlorine để kịp thả lại bầy tôm khác. Trước đó ông Đô chi 8 triệu đồng mua tôm giống thả nuôi; sau gần 2 tháng tôm nổi đầu, sau 2 ngày phát hiện tôm chết, thiệt hại 100%.

Theo ông Đô, năm nay nắng kéo dài nhiều ngày, dịch bệnh trên tôm lây lan nhanh. Gần nhà ông có 10 hộ nuôi tôm thì hết 8 hộ có tôm bị thiệt hại gần như toàn bộ diện tích thả nuôi đợt đầu. “Nếu tôm không chết thì khoảng hơn nửa tháng nữa tôi sẽ thu hoạch. Bầy tôm đầu vụ coi như mất trắng, không thu hồi được vốn”, ông Đô nói.

Ông Phạm Chí Thương - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Quý, xã Đông Thái cho biết: “Gia đình tôi có 1,4ha tôm bị thiệt hại do sốc nhiệt độ. Nhiệt độ và độ mặn tăng cao, mực nước trong ao giảm từ 20-30cm. Do không có ao lắng trữ nước, lo ngại bơm nước trực tiếp từ kênh vào ao sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh, tôm chết, tôi lỗ trên 40 triệu đồng”.

Hiện ông Thương còn hơn 2ha tôm nuôi đã hơn 2 tháng, kích cỡ từ 40-50 con/kg, dự kiến hơn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch. “Từ nay đến ngày thu hoạch, để phòng ngừa dịch bệnh cho tôm, tôi phải thường xuyên túc trực ngoài ao nuôi, theo dõi tình trạng tôm, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”, ông Thương nói.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, do tình hình nắng nóng kéo dài, nhiệt độ môi trường biến đổi đột ngột ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm nuôi nên mầm bệnh dễ tấn công gây ra dịch bệnh. Tính đến ngày 18-4, toàn tỉnh có 446,4ha tôm nước lợ bị thiệt hại; trong đó có 308,7ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh, với trên 130 ổ dịch, 137,7ha tôm bị thiệt hại do sốc môi trường.

Bệnh đốm trắng do virus gây chết tôm chiếm gần 94% diện tích tôm bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, một số bệnh như hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh vi bào tử trùng, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu xuất hiện trên tôm nuôi khiến nhiều diện tích tôm nuôi ở giai đoạn 30-40 ngày bị chết lai rai, hao hụt, giảm năng suất và sản lượng, người dân phải thu hoạch sớm.

Nông dân ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) kiểm tra độ mặn và pH ao nuôi tôm.

Nông dân ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) kiểm tra độ mặn và pH ao nuôi tôm.

Nhiều nông dân nuôi tôm trên địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Gò Quao, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng cho biết, dịch bệnh xảy ra vào cao điểm nắng nóng mùa khô 2022-2023, khoảng từ đầu tháng 3-2023 đến nay. Một số hộ có thu hoạch tôm nhưng sản lượng đạt thấp, chỉ đủ bù đắp một phần chi phí mua con giống tôm, cải tạo ao nuôi. Phần lớn nông dân có tôm bệnh đều thiệt hại 100%, chết đồng loạt, không thu hồi được vốn.

Lực lượng thú y đã tiến hành cấp phát 25.500kg hóa chất sát trùng Chlorine cho 101 hộ nuôi tôm bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy để xử lý tiêu hủy mầm bệnh.

GẤP RÚT PHÒNG DỊCH BỆNH

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tính đến ngày 18-4, toàn tỉnh đã thả nuôi 125.713ha tôm nước lợ, đạt 91,47% kế hoạch 2023. Sản lượng tôm ước đạt 23.449 tấn, đạt 19,65% chỉ tiêu năm 2023. Từ nay đến hết vụ tôm nước lợ 2023, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi cho người nuôi tôm, khả năng diện tích tôm của người dân tiếp tục bị thiệt hại thời gian tới rất cao.

Nguyên nhân chính do nhiệt độ, độ mặn tăng cao, môi trường nước ô nhiễm gây suy giảm sức đề kháng của tôm, thuận lợi cho virus và vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là bệnh đốm trắng. Mưa trái mùa xuất hiện, kết hợp thời tiết nắng mưa xen kẽ, làm xáo trộn môi trường ao nuôi.

Tại vùng nuôi tôm - lúa thuộc vùng U Minh Thượng, người dân thường thiết kế, bố trí hệ thống ao gồm 1 ao vèo và 1 ao nuôi, không có ao xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi, dẫn đến khi dịch bệnh phát sinh người dân trở tay không kịp, không có nguồn nước để xử lý cấp bù. Thêm vào đó, khu vực nuôi tôm chỉ có 1 kênh cấp nước duy nhất vừa cấp nước đầu vào vừa chứa nước thải, tôm bệnh thải ra môi trường bên ngoài, dễ lây lan dịch bệnh.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang Nguyễn Đình Xuyên, nhằm hạn chế tôm nuôi bị thiệt hại trong mùa nắng nóng, từ đầu vụ ngành chuyên môn đã phối hợp các địa phương tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Khuyến cáo người dân vùng nuôi tôm - lúa hạn chế thả giống hoặc chia thành nhiều đợt thả nuôi khác nhau, không thả mật độ dày trong thời gian cao điểm nắng nóng. Người dân cần xử lý triệt để mầm bệnh trong ao trước khi thả giống mới.

Đối với các ao nuôi tôm công nghiệp, để giảm thiệt hại cho tôm trước tình hình nắng nóng kéo dài, các hộ nuôi tăng cường bố trí thêm dàn quạt nước, sục khí thường xuyên để cung cấp đủ ô xy cho tôm nuôi. Đồng thời, kết hợp sử dụng thêm các chế phẩm sinh học giúp ổn định môi trường ao nuôi, bổ sung vào thức ăn cho tôm các khoáng chất, vi sinh đường ruột, vitamin C để tăng cường sức để kháng cho tôm.

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống tôm kém chất lượng; xử lý nghiêm các trường hợp người dân có tôm nhiễm bệnh, không khai báo xả thải ra kênh, rạch làm lây lan dịch bệnh. Chi cục sẽ tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm miễn phí mẫu bệnh phẩm trên tôm và phát hóa chất Chlorine khi có dịch mới phát sinh.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/khac-phuc-tinh-trang-tom-chet-do-nang-nong-13550.html