Khắc phục hạn chế trong cung ứng dịch vụ công ích

Ban Ðô thị Hội đồng nhân dân (HÐND) thành phố Hà Nội vừa có kết luận về đợt khảo sát kết quả thực hiện các quy định pháp luật về cung ứng một số dịch vụ công ích trên địa bàn. Trong đó kiến nghị đơn giá ban hành cần phù hợp thực tế; địa phương cần chủ động xây dựng phương án tổng thể quản lý việc thực hiện duy trì vệ sinh môi trường, cây xanh phù hợp, theo phân cấp.

Vườn hoa, thảm cỏ tại dải phân cách mọc um tùm trên tuyến đường Trường Sa. Ảnh: Thủy Nguyên

Theo đánh giá của Ban Ðô thị HÐND thành phố, việc thay đổi phương thức tổ chức thực hiện các dịch vụ công ích như duy trì công viên, cây xanh, vệ sinh môi trường thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nhìn chung, hoạt động cung ứng dịch vụ duy trì công viên, cây xanh, vệ sinh môi trường và cung cấp nước sạch bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng cho thấy không ít hạn chế. Bộ quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá của dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường vừa mới ban hành, thiếu một số quy trình, định mức thực hiện ngoài hiện trường, dẫn tới việc xây dựng khối lượng mời thầu chưa sát thực tế. Trong quá trình triển khai có nhiều khối lượng phát sinh nằm ngoài khối lượng đã được trúng thầu, mà chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể. Hiện việc bàn giao, tiếp nhận phạm vi quản lý, duy trì công viên, cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ theo phân cấp giữa Sở Xây dựng với các quận, huyện, thị xã còn chưa dứt điểm, chậm, nhiều nơi mới chỉ dừng ở việc thống kê hiện trạng, chưa có đơn vị tiếp nhận thực hiện công tác duy trì.

Tính đến ngày 12-4, mới có địa bàn 15 quận, huyện, thị xã được bàn giao, tiếp nhận quản lý và tổ chức tiếp tục duy trì theo quy định phân cấp mới… Một số thảm cỏ, vườn hoa trên dải phân cách do cắt giảm tần suất, khối lượng duy trì hoặc để trồng cây xanh thay thế đã bị hư hỏng hoặc chưa được thay thế kịp thời (như tuyến đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến, Ðại lộ Thăng Long, đường chạy qua khu đô thị Kiến Hưng - CIENCO5…).

Ðáng chú ý, việc thực hiện chỉ tiêu cung cấp nước sạch nông thôn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các huyện xa trung tâm. Một số trạm, nhà máy cung cấp nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trước đây ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả (Trạm cấp nước sạch Ðại Nghĩa, huyện Mỹ Ðức, Trạm cấp nước Thôn Thượng, huyện Chương Mỹ, Trạm cấp nước thôn Ðồng Võ, huyện Quốc Oai...). Một số dự án xây dựng nhà máy nước, trạm cung cấp nước sạch từ nguồn xã hội hóa như dự án cấp nước sạch liên xã Tiến Thịnh, Vạn Yên, Chu Phan, Liên Mạc, Thạch Ðà (huyện Mê Linh); dự án cấp nước liên xã Nguyễn Trãi, Tân Minh, Hiền Giang, Dũng Tiến, Nghiêm Xuyên, Tiền Phong (huyện Thường Tín)... gặp khó khăn về khả năng tiếp tục thực hiện đầu tư, bảo đảm tiến độ vận hành công trình sản xuất và cung cấp nước sạch.

Ban Ðô thị HÐND thành phố kiến nghị UBND thành phố trên cơ sở rà soát các quy định về quy chế lựa chọn nhà thầu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, đề xuất với HÐND thành phố ban hành các cơ chế chính sách bảo đảm phù hợp với thực tế. Kiểm tra, rà soát tổng thể và đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng các bãi chôn lấp tạm, điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác trên toàn thành phố theo các tiêu chí: quy mô thực tế, nhu cầu, khả năng đáp ứng nhu cầu chôn lấp, điều kiện bảo đảm vệ sinh môi trường. Có lộ trình cụ thể thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ rác thải được xử lý bằng công nghệ tiên tiến…

Ðồng thời, giao các sở hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng các bộ quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá mới được ban hành cho phù hợp với thực tế. Xây dựng giá dịch vụ vệ sinh môi trường theo hướng thu đủ bù chi để tổ chức, cá nhân xả thải phải trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Kiểm tra, rà soát tổng thể thực hiện chỉ tiêu nước sạch năm 2017 và các năm sau theo hướng làm rõ nhu cầu và khả năng đáp ứng của các nhà máy, trạm cung cấp nước tập trung, các thiết bị cung cấp nước sạch quy mô nhóm hộ và hộ gia đình; có kế hoạch, lộ trình thực hiện cho giai đoạn 2017 – 2020. Ban kiến nghị thành phố rà soát những dự án đầu tư xây dựng mới hoặc tiếp tục hoàn thiện các trạm, nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch nông thôn từ nguồn xã hội hóa đang chậm tiến độ hoặc tạm dừng hoạt động để nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. Ðẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, Ban Ðô thị kiến nghị các địa phương chủ động xây dựng phương án tổng thể quản lý việc duy trì vệ sinh môi trường, cây xanh (theo phân cấp). Chủ động giám sát việc thực hiện cam kết về công nghệ và thiết bị cơ giới hóa trong cung ứng dịch vụ công ích của doanh nghiệp trên địa bàn… Ðặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng như tuyên truyền, vận động người dân tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/32813702-khac-phuc-han-che-trong-cung-ung-dich-vu-cong-ich.html