Khắc khoải tiếng rao đêm

Sài Gòn lắm ngõ ngách, có những con ngõ, con hẻm được đặt tên và phần lớn là không tên.

Nhưng dù ngõ ngách, hẻm hóc có tên hoặc không tên đều tượng trưng cho những khu xóm lao động nghèo nằm sâu cạnh những vùng thị tứ tấp nập của thành phố và ở đó ngày nắng cháy bỏng da hay những đêm mưa rét cóng của một thời “đèn Sài Gòn ngọn lu ngọn tỏ” tiếng rao của những người bán hàng gánh, thúng bưng vẫn là mối hoài niệm khó quên đối với những ai là dân cố cựu của đất Sài Gòn. Ngày ấy, khoảng năm 1963-1964 tôi ở hẻm Nam Tiến, đường Bến Vân Đồn Khánh Hội (phường 6, quận 4 bây giờ), nhà tôi bị hỏa hoạn, trận hỏa hoạn kinh hồn từ 16 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau mới được dập tắt đã thiêu rụi cả một khu vực rộng lớn gồm toàn dân lao động nghèo.

Gia đình tôi cũng như những người dân khác trong khu hỏa hoạn phải tìm chỗ trọ mới. Tôi về ở trọ nhà một người bác, bà con xa ở hẻm Hãng Phân. Đây là con hẻm nhỏ nằm trên đường Bến Vân Đồn Q.4 gần hãng thuốc lá Bastos dẫn sâu vào chợ Hãng Phân ăn luồn qua một khu vực khác. Tôi ở trên căn gác gỗ, trần lợp tôn ẩm thấp và nóng hầm hập như lò bánh mì. Năm ấy tôi chuẩn bị thi Trung học Đệ nhất cấp, một kỳ thi rất quan trọng thời bấy giờ nhưng điều kiện học tập thiếu thốn do ở trọ, nhất là thiếu ánh sáng học bài. Mỗi tối tôi ngủ ngoài mái hiên gác trọ và học bài nhờ ngọn đèn đường vàng hoe từ trên cây cột điện trước cửa nhà chiếu xuống. Nhà bác tôi rất đông người, căn gác nhỏ kẻ lớn, người nhỏ ngủ sấp lớp, trên gác lại có mấy khạp mắm lóc, mùi mắm trong đêm khuya bốc lên ngộp thở nên tôi ngủ ngoài mái hiên gác trọ được hít thở không khí trong lành, không có mùi mắm và được tự do ngồi ngắm sinh hoạt trong con hẻm sâu hun hút dần thưa vắng người lúc nửa đêm khiến tôi thích thú như được ở chốn… thiên đàng.

Nhưng ở ngoài mái hiên có khó khăn trong việc đi lại, cửa trước dưới nhà thì đóng, muốn xuống đường dạo chơi tôi phải… leo cột đèn, khi lên cũng phải leo cột đèn để lên. Tuy nhiên như thế cũng là sự tự do, không phiền lụy đến người trong nhà. Những buổi tối nằm trong mùng, hay ngồi dựa lan can gác học bài dưới ánh đèn bóng tròn, vàng hoe tôi thường chú ý đến những người bán hàng rong khi họ cất tiếng rao từ đầu hẻm. Chị bán chè bà ba có giọng rao lanh lảnh, trong vắt: “Ai ăn chè bột khoai nước dừa đường cát h…ô…n”, chú “chệt” bán bánh tiêu, bánh bò đạp chiếc xe có cái lồng kiếng đựng bánh phía trước giọng lơ lớ: “Ai bánh tiêu bánh bò ché q…u…ả…y lớ”. Không hiểu sao cuối câu rao lại có chữ “lớ” lên cao giọng khá ngộ nghĩnh. Rồi ông đấm bóp giác hơi đạp xe rè rè vào hẻm với tiếng rao rất đặc trưng không thành lời mà vang lên một âm điệu “xập xòe” của xâu nút khoén đong đưa, lắc lư.

Nhưng ấn tượng với tôi hơn cả là người bán “chế mà phủ” tức chè mè đen, một loại chè đặc trưng của người “khách trú” theo tên gọi thời bấy giờ. Đó là người đàn bà Tàu thấp người, lưng hơi còng với thời gian, mặc bộ đồ xẩm màu đen, cũ, đầu đội nón rộng vành có cái chóp nhọn, chân mang dép cao su lẹp xẹp, gánh phía trước là thùng chè tròn có nắp đậy phía dưới là cái lò than đỏ rực. Gánh phía sau là thùng nước rửa chén, đậy bằng một cái khay nhôm, trên có mấy cái chén và mấy cái muỗng. Người đàn bà Tàu bán “chế mà phủ” này mỗi lần gánh chè vào hẻm đều cất giọng rao rất đặc trưng: “chế mà p…h…ụ”, âm thanh nghe đục, ngắn, cất lên đột ngột mà chấm dứt cũng rất đột ngột khiến người nghe thấy thiếu thiếu và tức tức đâm ra tò mò và muốn… ăn chè mè đen của bà một lần cho biết. Và tôi đã ăn thử một lần cho biết rồi… ghiền luôn.

Phải nói “chế mà phủ” của người đàn bà Tàu này có bí mật “gia truyền”, nó có hương vị đặc biệt, béo, bùi, thơm không ngọt gắt, ngon… không tả được và không giống như chè mè đen người khác bán mà tôi cũng thường ăn, kể cả ông già người Tàu bán bên hông phía nhà chú Hỏa, đường Nguyễn Thái Bình, Q.1 (bây giờ). Tôi đã trở thành mối ruột của người đàn bà Tàu bán “chế mà phủ” từ những đêm trèo cột đèn xuống khi bà cố ý ngồi lại dưới chân cột đèn, đặt gánh chè xuống và rao: “chế mà p…h…ụ”. Ngày nắng gánh chè của bà vơi gần đáy, nhưng ngày mưa thường ế nên bà mời tôi ăn ủng hộ cũng với giọng khàn khàn, đục đục, lơ lớ: “Hầy, mưa gió ế quá lị ăn ủng hộ ngộ một hai chén li”. Ăn thì được, nhưng học trò nghèo ăn chịu hơn là trả tiền “tươi”. Và mãi tới tận bây giờ tôi nhớ là vẫn còn… nợ bà người Tàu bán “chế mà phủ” mấy chén chè chưa trả. Và tiếng rao dài ngõ hẻm, những tiếng rao hàng gánh, thúng bưng rất đặc trưng của những người bán quà rong Sài Gòn thủa ấy vẫn còn đi theo mãi với tôi cho tới tận bây giờ với nỗi nhớ hẻm, nhớ Sài Gòn khôn nguôi thời “đèn ngọn lu ngọn tỏ”.

Từ Anh / Duyên dáng Việt Nam

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/cau-chuyen-van-hoa-c-130/khac-khoai-tieng-rao-dem-29802.html