Khắc ghi những lần được gặp Bác Hồ

Việc được gặp gỡ, tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kỷ niệm khó phai, niềm tự hào của nhiều người

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quý và luôn quan tâm, động viên giới văn nghệ sĩ. Người luôn xem nghệ sĩ là những "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa".

Sự dung dị, gần gũi

Cứ đến tháng 5, NSND Trà Giang lại bồi hồi nhớ về những lần được gặp Bác. Trong căn phòng nơi bà vẽ tranh, bức chân dung bà chụp cùng Bác trong lần bà được Bộ Văn hóa chọn đi dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962 được treo trang trọng.

"Bức ảnh nhắc tôi nhớ về những bài học giản dị mà sâu sắc khi Bác căn dặn văn nghệ sĩ về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Đó là hành trang, động lực để tôi phấn đấu và cống hiến trên con đường nghệ thuật của mình suốt mấy chục năm qua" - NSND Trà Giang bộc bạch.

NSƯT Lê Thiện tham quan Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Báo Người Lao Động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

NSƯT Lê Thiện tham quan Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Báo Người Lao Động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

NSND Trà Giang cho biết nhờ công việc nghệ thuật, bà may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần. Lúc ra miền Bắc, bà luôn mơ ước có dịp được gặp Bác Hồ để sau này về lại miền Nam kể cho các bạn mình nghe. Và vinh dự đã đến khi vào một ngày của tháng 7-1960, thầy hiệu trưởng Trường Điện ảnh Việt Nam thông báo ngày mai có một vị lãnh tụ đến thăm trường. Nghe thông báo, bà rất háo hức. Hôm sau, đúng giờ, bà và các bạn đang học múa thì Bác Hồ xuất hiện.

"Khi thấy Bác Hồ tới, nhóm diễn viên chúng tôi lúc đó chỉ khoảng 16 - 17 tuổi chạy ùa ra. Mọi người hồi hộp, vui sướng, chen lấn để được gần Người. Lúc ấy Bác hỏi: "Các cháu học diễn viên điện ảnh thì học những gì?". Chúng tôi tranh nhau trả lời: "Dạ thưa Bác! Chúng cháu học diễn viên thì học kỹ thuật về biểu diễn rồi học nhạc, học hát, học vũ ạ". Nghe nói "học vũ", Bác dừng lại giải thích: Vũ là từ Hán. Việt Nam mình gọi là học múa, học hát chứ không nói là "học vũ". Lời dạy của Bác cứ ở mãi trong trái tim tôi" - NSND Trà Giang kể.

Còn NSƯT Ca Lê Hồng không giấu được sự bồi hồi trong lần đầu tiên gặp Bác Hồ khi bà vừa tập kết ra Bắc năm 1956. Cả đoàn tuyển văn công Nam Bộ (gồm đoàn kịch nói và đoàn cải lương miền Nam) được Bác mời vào biểu diễn ở Phủ Chủ tịch.

NSND Trà Giang vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

NSND Trà Giang vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

"Dù tiết mục múa biểu diễn đã được tập luyện kỹ nhưng do ai cũng háo hức khi được trực tiếp gặp Bác nên mọi người cứ chăm chăm nhìn Người mà quên nhịp múa. Cũng may, chúng tôi kịp lấy lại bình tĩnh và tập trung múa cho đến khi kết thúc. Niềm vui xen lẫn vẻ áy náy, hiểu được tâm lý chúng tôi, Bác tươi cười, động viên. Bác nói: Các cháu có lo lắng lúc đầu nhưng rồi đã lấy lại bình tĩnh, làm nghệ sĩ lúc biểu diễn thì phải tập trung cao độ dù ở hoàn cảnh nào" - NSƯT Ca Lê Hồng nhớ lại.

Trong khi đó, NSND Thanh Vy đúc kết sau nhiều lần được gặp Bác trong các sự kiện biểu diễn nghệ thuật tại Phủ Chủ tịch của Đoàn Cải lương Nam Bộ. "Bác yêu quý nghệ sĩ sân khấu truyền thống lắm, nhất là các nghệ sĩ ở miền Nam ra Bắc tập kết. Chính sự dung dị làm nên cốt cách đáng kính của Người. Từ bài học truyền cảm hứng để nghệ sĩ có thể dồn hết tâm trí cho sáng tạo, Bác còn là người đặt mình trong bối cảnh của văn nghệ sĩ để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng. Bác nói đất nước ta còn nghèo, dù đói ăn kém mặc nhưng quyết tâm cao độ phải làm sao không đói văn hóa - nghệ thuật. Vì văn hóa - nghệ thuật hun đúc tinh thần đoàn kết, nắm chặt tay nhau để đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ đất nước to đẹp mà các Vua Hùng đã để lại cho con cháu" - NSND Thanh Vy kể.

Niềm tự hào dân tộc

NSND Trà Giang nhớ lại bà học đến năm thứ 2 Trường Điện ảnh Việt Nam thì được đóng phim đầu tiên "Một ngày đầu thu", sau đó là phim "Chị Tư Hậu". Đóng xong phim này, bà được Bộ Văn hóa chọn đi dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3. Tại đại hội, bà vinh dự được chọn là đại biểu tặng hoa cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Bác Hồ tới, những người tham dự đại hội hô to "Bác Hồ muôn năm". Ai cũng muốn chạy đến bắt tay và ôm Bác.

Thấy vậy, Bác nói: Bây giờ các đại biểu đều muốn được bắt tay Bác, Bác đề nghị cử 2 đại biểu gồm 1 người cao tuổi nhất và 1 người trẻ tuổi nhất đại diện. Lúc đó, nhà thơ Bảo Định Giang - một trong số ít thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam - mời họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là người cao tuổi nhất và diễn viên Trà Giang là người trẻ tuổi nhất. Khi nghe nói như thế, bà rất vui mừng, sung sướng.

"Tôi được tặng hoa cho Bác và trong lúc rất hào hứng, sung sướng đã ôm chầm lấy Bác. Và bức ảnh tôi treo ở nhà là phút giây thiêng liêng nhất đời tôi" - NSND Trà Giang nhớ lại.

Bác Hồ và các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nam Bộ năm 1968. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Bác Hồ và các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nam Bộ năm 1968. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Trong buổi gặp đó, Bác Hồ đã nói chuyện với mọi người và NSND Trà Giang nhớ nhất đoạn: "Ngày xưa, khi đất nước còn nô lệ thì văn nghệ sĩ cũng là nô lệ, những người làm văn nghệ bị xã hội coi thường và nói là "xướng ca vô loài", tức là làm văn nghệ mà không có mục đích, không có lý tưởng. Nhưng bây giờ, đất nước đã giải phóng, văn nghệ sĩ cũng là những người giải phóng. Làm văn nghệ là đem niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời thể hiện trong những vở kịch, những bộ phim. Việc đó có ý nghĩa lắm. Văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận đó". Chính những lời căn dặn của Bác Hồ tại đại hội làm cho NSND Trà Giang hiểu rõ hơn trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc sống.

NSND Thanh Vy cho biết những lần gặp Bác Hồ đối với bà luôn là kỷ niệm khó phai. Bởi những lời dạy của Bác được bà biến thành sức mạnh, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong những lời căn dặn, Bác luôn khuyên đừng để tinh thần tự ti lấn át tinh thần sáng tạo, mỗi vai diễn phải hiệu triệu được tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc được lan truyền từ sân khấu đến quần chúng sẽ lan tỏa trở thành sức mạnh đánh đuổi kẻ thù.

"Tôi đã áp dụng tinh thần đó vào vai diễn Võ Thị Sáu trong vở "Người con gái đất đỏ", để sau này mỗi lần lên sàn diễn vai chị Sáu, tôi lại nhớ như in lời dạy của Bác" - NSND Thanh Vy chia sẻ.

NSƯT Lê Thiện vẫn nhớ như in Bác Hồ nói về hai từ Tổ quốc nghe rất thiêng liêng. Bởi Người đã ra đi tìm đường cứu nước, đã vẽ hình đất nước trên bản đồ thế giới để hôm nay đất nước ta tự cường, xứng tầm quốc tế.

"Là nghệ sĩ, tôi biến những lời hiệu triệu đó thành ngọn lửa yêu nghề. Và chính bài học kiên trung với Đảng, gánh vác chuyện khó nhọc mà Bác đã dạy chúng tôi, tôi đã trao lại cho thế hệ trẻ để đến hôm nay họ đều được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý" - NSƯT Lê Thiện nói.

"Văn công no bụng mới hát hay"

NSƯT Lê Thiện nhớ mãi lần Bác Hồ đột xuất đến thăm Khu Văn công Cầu Giấy - nơi ăn ở, tập luyện của các đoàn văn công miền Nam, nhưng không ai biết trước. Bác đến xem từng gian bếp, thăm nơi ăn, ngủ, khu sinh hoạt tập thể... Rồi khi quây quần bên nhau, Bác căn dặn từng người khiến ai cũng xúc động bởi sự quan tâm của một người vì dân, vì nước, vì tinh hoa văn hóa dân tộc. Bác nói: Phải để văn công no bụng mới hát hay, không được cắt phần ăn dù khó khăn đến mấy. Lúc ấy nghệ sĩ của Khu Văn công Cầu Giấy đều khóc.

THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khac-ghi-nhung-lan-duoc-gap-bac-ho-196240518201811199.htm