Khả năng mới của Kornet-D1 sau khi hiện đại hóa

Sau khi tiến hành hiện đại hóa, tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành Kornet-D1 đã có khả năng tham chiến đa mục tiêu.

Tại Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự quốc tế Army-2023, tổ hợp tên lửa chống tăng (ATGM) tự hành đầy hứa hẹn Kornet-D1 đã được giới thiệu, có khả năng tấn công hai phương tiện thiết giáp đối phương cùng lúc.

Thay vì khung gầm xe bọc thép đa dụng hạng nhẹ Tigr quen thuộc, tổ hợp Kornet-D1 hiện đại hóa sẽ được đặt trên khung gầm của xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M.

Mặc dù vậy, nhà sản xuất cho biết nó hệ thống ATGM tự hành này hoàn toàn đủ khả năng tích hợp lên những loại khung gầm khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu thực tế.

Hệ thống tên lửa chống tăng tự hành này được trang bị hai loại ATGM tiên tiến bao gồm 9M133M-2 với đầu đạn lõm nối tiếp để phá giáp phản ứng nổ và 9M133FM-3 với đầu đạn nhiệt áp. Phạm vi tác chiến của chúng lần lượt là 8 và 10 km.

Tổ hợp ATGM tự hành này được trang bị hai cụm ống phóng, với mỗi cụm mang theo 4 quả đạn. Mỗi cụm trong đó lại có module hướng dẫn quang điện tử riêng với kênh hình ảnh nhiệt và module điều khiển chùm tia laser.

Điều này biến Kornet-D1 trở thành một loại vũ khí rất đáng gờm khi có thể đồng thời sử dụng để tấn công hai mục tiêu, có thể là phương tiện thiết giáp hoặc cụm cứ điểm phòng thủ của quân địch.

Quá trình phát triển hệ thống ATGM tự hành Kornet-D1 bắt đầu vào năm 2014 - 2015 theo đơn đặt hàng của Lực lượng Đổ bộ đường không Nga. Đây là dự án chung của Kurganmashzavod và Cục thiết kế Tula.

Lần đầu tiên tổ hợp được ra mắt công chúng là vào năm 2021 trong lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng Dù. Tới năm 2022, trong cuộc tập trận tại thao trường Dagestan Adanak, các bài kiểm tra đối với ATGM Kornet-D1 đã được thực hiện.

Bạch Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kha-nang-moi-cua-kornet-d1-sau-khi-hien-dai-hoa-post650781.html