Khả năng đặc biệt giống con người của một số loài thực vật

Theo cấu tạo sinh học, thực vật không hề có não hay hệ thống thần kinh nên chúng ta thường cho rằng cây cối là vô tri, vô giác. Tuy nhiên, trong thế giới thực vật tồn tại một số loài cây mang khả năng, tính chất đặc biệt giống con người như cây biết xấu hổ, biết chảy máu hay tự vệ trước kẻ thù...

Cây biết chảy máu: Pterocarpus angolensis là một loài cây thân gỗ có khả năng kì lạ biết ‘chảy máu’. Không giống như các loài cây khác, Pterocarpus angolensis mang trong mình một loại nhựa có màu đặc biệt. Khi cắt ngang thân hay một cành cây, ta sẽ dễ dàng thấy loại nhựa màu đỏ hơi sánh, sau khi khô chuyển thành đỏ thẫm rất giống màu máu. Loại nhựa này có tác dụng như chất keo dính gắn liền và chữa lành các vết thương của cây.

Phát tín hiệu cảnh báo: Trước sự tấn công của các loài động vật khác, nhiều loài cây không chịu “ngồi yên” mà tự mình phát ra những tín hiệu khác nhau để tự bảo vệ hay cảnh báo cho những cây khác. Cây ngải đắng có khả năng khá đặc biệt là có thể gửi tín hiệu cảnh báo cho “đồng loại” khi bị tấn công.

Loài cây "hi sinh" để duy trì giống nòi. Đây là một loài cây cọ khổng lồ, có khả năng kỳ lạ "tự chết" sau khi sinh sản. Không giống những loài cây khác, hoa trái nở nhiều lần trong nhiều năm, loài cây này sẽ hết mình để sinh sản, đến nỗi hy sinh cả tính mạng của nó. Bởi chúng dành quá nhiều năng lượng để thu hút côn trùng thụ phấn mà trở nên kiệt sức và chết sau khi ra quả.

Loài cây tự 'tuyển vệ sỹ': Loại cây keo nuôi dưỡng hẳn một đội quân kiến hùng hậu để tự bảo vệ khỏi sâu bọ. Bởi lẽ, trong cây keo còn có chứa một loại chất độc gây nguy hiểm đối với các loài côn trùng nhưng không gây hại cho đội quân kiến, mà lại là một món ăn đầy dinh dưỡng.

Cây cây xấu hổ (cây trinh nữ): Loài cây này có khả năng tự “thu gọn” người lại khi gặp tác động từ bên ngoài. Cây trinh nữ làm được việc này là nhờ cấu tạo lá đặc biệt của nó. Một khi một lá đã khép, nó cũng sẽ gửi tín hiệu cho những lá khác lần lượt khép lại, tạo hiệu ứng như cây biết "xấu hổ" mà chụm lại. Chỉ một lúc sau bọng lá lại đầy nước và cây trở về nguyên dạng ban đầu.

Giả vờ bệnh tật đánh lạc hướng: Cây tai voi là món ăn hảo hạng cho loài sâu bướm đêm. Để ngăn chặn bị tàn phá bởi những kẻ háu ăn này, cây tai voi sẽ giả vờ mắc bệnh với nhiều đốm trắng trên khắp bề mặt lá rất giống với vết tích để lại sau khi bị sâu ăn. Do chỉ muốn ăn những cây ngon lành, khỏe mạnh nên những con sâu bướm sẽ tìm kiếm một chiếc lá khác.

Cây Manchineel biết tự bảo vệ mình: Là một loại cây phát triển ở Florida và Nam Mỹ - Manchineel nổi tiếng nhờ khả năng tự vệ và sát thủ “không ghê tay” của mình. Một điểm đặc biệt của Manchineel đó là loài cây này tự bảo vệ mình khỏi bị phá hủy. Vỏ cây có chất độc mà khi bị tác động sẽ tỏa ra loại khói độc hại, khiến đối phương nhanh chóng trúng độc, dễ dẫn đến mù lòa.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kha-nang-dac-biet-giong-con-nguoi-cua-mot-so-loai-thuc-vat-post573483.antd