Kết thúc thi THPT quốc gia: Tranh luận gay gắt về độ khó dễ của 24 mã đề thi

11h ngày 24-6, Giáo dục công dân, môn thi cuối cùng đã khép lại kỳ thi THPT quốc gia của gần 860.000 thí sinh. Tuy nhiên, độ khó dễ giữa các mã đề thi 8 môn trắc nghiệm vẫn gây thắc mắc.

Trong buổi sáng 24-6, thí sinh cả nước đã hoàn thành bài thi cuối cùng, bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội của kỳ thi THPT quốc gia 2017, trong đó có 3 môn thành phần: Lịch sử - Địa lý - Giáo dục Công dân (GDCD).

Đối với thí sinh hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), bài thi chỉ có 2 môn thành phần là Lịch sử - Địa lý.

11h ngày 24-6, thí sinh đã rời khỏi phòng thi trong tâm trạng thoải mãi bởi môn cuối cùng không làm khó thí sinh. Tại điểm thi trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, thí sinh Đỗ Thủy Tiên chia sẻ, đề thi GDCD không khó, tập trung vào kiến thức cơ bản. Thủy Tiên đánh giá thí sinh nào cũng có thể vượt qua môn này.

Với môn Lịch sử, lần đầu tiên làm bài thi trắc nghiệm, không ít thí sinh lo lắng vì nội dung câu hỏi rộng, nếu hỏi về số liệu, ngày tháng sự kiện sẽ khó trả lời chính xác. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Toàn, thí sinh tại điểm thi trường THPT Phạm Hồng Thái, Ba Đình, Hà Nội cho biết, dù không chuyên về Lịch sử và không đầu tư môn này để xét tuyển đại học nhưng bài làm cũng phải đạt 7 điểm.

Toàn cho biết, đề thi có phần nâng cao, có câu hỏi khó nhưng với thí sinh chỉ có mục đích xét tốt nghiệp THPT thì đạt điểm trung bình môn Lịch sử không quá khó. Tương tự với Địa lý, thí sinh này cũng không gặp khó khăn với 30 câu hỏi đầu tiên của đề thi.

Tin từ Bộ GD- ĐT cho biết, trong bài thi cuối cùng này, cả nước có hơn 430.000 thí sinh chọn thi môn GDCD, gần 500.000 thí sinh chọn môn Địa lý, 513.000 thí sinh chọn môn Lịch sử, cao hơn hẳn so với các năm trước.

Gần 860.000 thí sinh đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2017

Đây là năm đầu tiên các môn thi khoa học xã hội được thi dưới hình thức trắc nghiệm. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký dự thi bài thi KHXH cao hơn so với thí sinh đăng ký dự thi bài thi KHTN.

Tuy nhiên việc tổ chức bài thi tổ hợp dưới dạng trắc nghiệm cũng gây tranh cãi không ít về mức độ đồng đều giữa các mã đề thi dù Bộ GD-ĐT khẳng định không chênh lệch độ khó dễ trong 24 mã đề thi mỗi môn trắc nghiệm.

Bên cạnh đó việc thi dưới dạng bài tổ hợp sẽ thiệt thòi cho những thí sinh chỉ sử dụng 1, 2 môn thành phần trong bài thi tổ hợp để xét tuyển đại học khi phải dàn trải cùng một lúc cả 3 môn thi không theo thứ tự mong muốn.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ket-thuc-thi-thpt-quoc-gia-tranh-luan-gay-gat-ve-do-kho-de-cua-24-ma-de-thi/732451.antd