Kết quả lấy phiếu tín nhiệm: Đáp ứng kỳ vọng!

Hôm qua (11-6), lần đầu tiên một trong những phiên họp quan trọng của QH khóa XIII đã đi vào lịch sử lập pháp của đất nước khi hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh lãnh đạo cao cấp được QH bầu hoặc phê chuẩn. Sáng qua (11-6), ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, cùng với những cái bắt tay chúc mừng là những gương mặt nhẹ nhõm, những nụ cười tươi như vừa trút bỏ được sức nặng tâm lý của các ĐBQH, trước sự kỳ vọng của cử tri.

Đại biểu Quốc hội trao đổi sau khi công bố phiếu tín nhiệm

47 chức danh lãnh đạo cao cấp, ngày 11-6

Ảnh: Hoàng Long

Kết quả kiểm phiếu được công bố ngay tại hội trường và Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm được Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp - Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc công bố: không có ai trong số 47 chức danh lãnh đạo không vượt qua ngưỡng tín nhiệm 50% trên tổng số ĐBQH có mặt, bỏ phiếu chiều ngày 10-6. Điều đó cũng có nghĩa, tất cả trong số 47 chức danh đều đủ tín nhiệm để tiếp tục thực hiện quyền hạn và trách nhiệm được QH, ĐBQH, cử tri và nhân dân giao phó.

ĐBQH Hà Nội Bùi Thị An:

Các ĐBQH đã thể hiện bản lĩnh của mình và kết quả như vậy cũng thể hiện sự đánh giá khách quan.

ĐBQH Quảng Nam Phạm Trường Dân:

Thống đốc ngân hàng đứng đầu một lĩnh vực hết sức quan trọng, nhạy cảm và nhiều va chạm. Tôi thấy việc tín nhiệm thấp là cảnh báo với đồng chí Thống đốc trong quá trình tham mưu đề xuất với Chính phủ và trong quá trình triển khai chỉ đạo của mình có vấn đề. Vì thế cho nên ĐBQH họ tín nhiệm thấp để Thống đốc có hướng khắc phục những nhược điểm của mình.

Nhìn chung về việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, tôi cũng như nhiều ĐBQH cảm thấy hài lòng về kết quả này. Còn về cử tri, tôi nghĩ rằng kết quả vừa công bố chắc chắn sẽ hài lòng cử tri.

T.Hiếu-M.Loan (ghi)

Tuy nhiên, việc kết quả tín nhiệm của một số chức danh chỉ ở mức trên 50% hoặc xấp xỉ 60% và đa số là các chức danh thuộc cơ quan hành pháp, lại thuộc những ngành nghề đang có nhiều ý kiến trao đi đổi lại không chỉ phản ánh sự điều hành lúng túng của một số "tư lệnh ngành”, nó cũng chứng tỏ các ĐBQH đã rất sát sao với công việc của từng Bộ trưởng. Cũng vì thế, mà mỗi lá phiếu thu về đã trở thành một "bảng điểm’ của ĐBQH chấm cho các Bộ trưởng - một bảng điểm, tuy có mảng sáng, mảng chưa thật sự sáng rõ nhưng đã khá đúng và trúng với những gì mỗi Bộ trưởng cống hiến cho dân, cho nước. Sau kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ĐB Bùi Thị An thẳng thắn nói: "Đương nhiên tất cả các đồng chí sẽ tự xem lại mình, rút kinh nghiệm để từ đó nhận ra những vấn đề gì làm chưa tốt, chưa như mong muốn, chưa thật đúng chức trách dân giao thì các vị ấy phải rút kinh nghiệm. Nhưng tôi nghĩ, thời gian tới các đồng chí ấy sẽ nghiêm khắc và có phương hướng phấn đấu. Và tôi nghĩ là sẽ vượt lên được”.

Phát biểu sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, kết quả lấy phiếu với ba loại phiếu tín nhiệm: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp đã cho thấy đánh giá của các đại biểu Quốc hội là khách quan.

Những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp lần này đều đảm nhận những vị trí trọng trách liên quan đến những vấn đề lớn, "đứng mũi chịu sào” trong quá trình điều hành đất nước. Trong đó, những lĩnh vực "nóng” như ngân hàng, tài chính, xây dựng, y tế... Quốc hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Cho rằng, những phiếu tín nhiệm cao của Quốc hội là sự động viên khích lệ đồng thời cũng là sự đánh giá thành tựu của đất nước đã đạt được trong thời gian vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cũng phản ánh sự đòi hỏi nghiêm túc của Quốc hội và cử tri cả nước để những người được lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao phó. Quốc hội đặt niềm tin vào những người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ đạt thành tích tốt hơn trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

cùng ĐBQH tại phiên họp ngày 11- 6

ẢNH: HOÀNG LONG

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở mức cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đợt lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp này.

Quốc hội cũng đã hoàn thành trọng trách mà nhân dân cả nước đã giao phó về việc đánh giá, thí điểm lấy phiếu tín nhiệm. Đợt lấy phiếu lần này là bài học kinh nghiệm không chỉ ở Quốc hội mà còn đối với Hội đồng nhân dân các cấp từ việc tổ chức, quy trình lấy phiếu tín nhiệm, quản lý thông tin đạt tiêu chí nghiêm túc, thận trọng, khách quan, hiệu quả cao.

Trong lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên có một trục trặc nhỏ giữa kết quả kiểm phiếu và dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu. Tuy nhiên, trục trặc nhỏ ấy không ảnh hưởng gì tới kết quả chung cũng như kết quả của từng chức danh được lấy phiếu và đoàn Thư ký kỳ họp đã lập tức ngồi lại đối chiếu, rà soát và có câu trả lời lập tức cho các ĐBQH. Đó là một cố gắng lớn, rất đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần trách nhiệm, công tâm của QH với mỗi ĐBQH và mỗi cử tri.

Nhóm phóng viên

Cần có chế tài xử lý người đứng đầu

trong việc tiếp công dân

Cũng trong ngày (11-6), Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tiếp công dân; Phát biểu, nhiều ĐB cho rằng hoạt động tiếp công dân còn mang tính hình thức, thể hiện ở việc tiếp công dân chủ yếu còn là tiếp theo định kỳ. Tiếp công dân chưa gắn với việc xem xét, kết luận, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo của công dân, thông tin trong việc tiếp công dân, dẫn đến việc hướng dẫn, trả lời công dân thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan tiếp dân và người dân phải chạy lòng vòng, gây bức xúc.

Một số ĐB cũng cho rằng dự thảo luật đã quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp công dân, song lại chưa có quy định nào về chế tài xử lý đối với trường hợp cơ quan tiếp công dân hoặc người đứng đầu cơ quan khi không thực hiện các trách nhiệm của mình để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của luật.

Riêng về vấn đề trụ sở tiếp công dân, ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, trong trường hợp xác định trụ sở tiếp công dân là một cơ quan độc lập, có tư cách pháp nhân như trong dự thảo luật, không dùng khái niệm trụ sở tiếp công dân mà nên dùng khái niệm khác để thể hiện đây là một cơ quan có thẩm quyền, có tổ chức, bộ máy và trụ sở riêng. Trụ sở tiếp công dân thuộc văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, do Phó Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phụ trách”.

Anh Vũ – M.Loan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=65609&menu=1366&style=1