Kết nối sẻ chia văn hóa đọc

Mỗi năm tổ chức một vài sự kiện: ra mắt sách, nói chuyện về sách, tặng sách cho các thư viện trường học, đơn vị công an, bộ đội, nhà văn hóa xã, khu dân cư… Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh đã góp phần đắc lực trong việc kết nối, sẻ chia và tạo sự lan tỏa văn hóa đọc trong nhịp sống hiện đại.

Các tác giả tập kịch bản sân khấu "Hoa Bông Trăng” chia sẻ niềm vui trong buổi lễ ra mắt sách.

Các tác giả tập kịch bản sân khấu "Hoa Bông Trăng” chia sẻ niềm vui trong buổi lễ ra mắt sách.

Tháng 4/2021, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trên diện rộng, Hội VH-NT tỉnh đã kết nối để một số cán bộ, hội viên tham dự "Ngày hội đọc sách” của cô và trò trường TH&THCS Tú Lý (Đà Bắc). Trong sự kiện đó, ngoài việc tặng thư viện nhà trường 120 cuốn sách, nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh đã dành thời lượng lớn để chia sẻ về sách. Trong đó nhấn mạnh giá trị của sách đối với nhân loại bằng câu nói của người xưa: "Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay”. Đồng thời dẫn dắt, gợi mở để học sinh ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng hiểu được: Sách là kho tàng lưu trữ những di sản, thành tựu vô giá được truyền từ thời kỳ này sang thời kỳ khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cũng có nghĩa là nuôi dưỡng tinh thần tự học, trở thành người ham học suốt đời. Đọc sách không chỉ giúp mỗi con người nâng cao kiến thức mà còn cải thiện sự tập trung, tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích, cải thiện trí nhớ, vốn từ được nhân lên để có thể giao tiếp, nói chuyện với mọi người một cách cuốn hút… và có thể trở thành người "giàu có” cả về tâm hồn, trí tuệ.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc", Hội VH-NT tỉnh đã lồng ghép trong sự kiện ra mắt tập kịch bản sân khấu "Hoa Bông Trăng”, tác phẩm đầu tay của Chi hội Sân khấu thuộc Hội VH-NT tỉnh. Chỉ là ra mắt một tập sách nhưng sự kiện được tổ chức khá quy mô với sự tham dự của hơn 40 đại biểu là hội viên Hội VH-NT tỉnh, đại diện Trung tâm VH-TT&TT huyện Lạc Thủy; cấp ủy, chính quyền khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy). Tự nhận mình là vị khách mời "đặc biệt”, tiến sĩ khoa học quân sự Quách Xuân Đà, nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam chia sẻ: "Tôi là một người con của đất Mường Hòa Bình. Vì đam mê đọc sách và tìm hiểu về văn hóa dân tộc, nguồn cội tôi đã mua, đọc cuốn "Họ Quách tìm về” của tác giả Lê Va. Sau này kết bạn với tác giả để cùng tìm hiểu về dòng họ Quách ở Hòa Bình và Thanh Hóa”. Có mặt trong buổi ra mắt sách, ông Đà đã chia sẻ những suy nghĩ cá nhân (dưới góc nhìn của một giảng viên, nhà nghiên cứu) về ý nghĩa của việc đọc sách, đó là: Ngoài việc giải trí, giảm căng thẳng, sách còn giúp chúng ta mở ra chân trời tri thức mới; rèn luyện tâm tính, giúp cho chúng ta cách sống, cách làm người có ích. Được trau dồi kiến thức về mọi lĩnh vực sẽ thành công trong công việc, học tập, tự tin hơn trong quá trình giao tiếp. Là người yêu sách và đau đáu niềm trăn trở với sự xuống dốc của văn hóa đọc trong nhịp sống hiện đại, ông Đà cho rằng: Việc Hội VH-NT tỉnh tổ chức buổi lễ ra mắt sách quy mô đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trong các tầng lớp nhân dân để hướng tới xây dựng một xã hội học tập.

Bám sát chủ đề Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, sự kiện ra mắt sách - tập kịch bản sân khấu "Hoa Bông Trăng” được chọn tổ chức tại đền Mẫu Linh Sơn Ngọc - Không gian văn hóa Mường Hòa Bình thuộc khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi. Chương trình được xen ghép phần giao lưu văn nghệ đặc sắc, góp phần tôn vinh văn hóa Mường do các thành viên câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Mường Vang, xã Tân Lập (Lạc Sơn) và đội văn nghệ khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi thể hiện. Sự kết hợp giữa không gian, thời gian, địa điểm và nội dung đã tôn lên ý nghĩa của sự kiện ra mắt sách. Qua đó góp phần làm rộng thêm hành trình kết nối, sẻ chia văn hóa đọc mà Hội VH-NT tỉnh đã xây dựng, duy trì từ nhiều năm qua.

Thúy Hằng

(Hội Nhà báo tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/165662/ket-noi-se-chia-van-hoa-doc.htm