Kết nối 'mắt xích' chuỗi giá trị: Kỳ cuối: Gỡ rào cản phát triển

Trước xu thế phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi phải đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, tỉnh ta triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ rào cản nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”. Đồng thời, việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, nhất là các HTX nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được tỉnh ta xác định là lựa chọn hàng đầu, nhằm tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị.

Nhận diện rào cản

Mặc dù HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển vượt bậc nhưng còn nhiều rào cản, nhất là các chính sách hỗ trợ HTX tuy nhiều nhưng chưa đủ mạnh, thiếu cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực cho HTX. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân chưa nhận thức thống nhất về vai trò, vị trí của HTX.

Thực hiện Luật HTX 2012, không ít HTX gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải thể. Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, không có trụ sở giao dịch; chưa mạnh dạn đổi mới và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hạn chế. Còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước và thiếu tính chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhiều HTX. Cán bộ quản lý điều hành HTX nông nghiệp thiếu năng động, nhạy bén trong hoạt động kinh doanh; không ít HTX nông nghiệp hiệu quả hoạt động chưa cao nên thu nhập của thành viên thấp, không ổn định; chưa thu hút cán bộ trẻ về làm việc lâu dài cho HTX. Các HTX thiếu gắn bó với nhau và giữa các HTX với doanh nghiệp còn hạn chế; số lượng HTX phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa còn ít.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Phong phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn.

Dù mới thành lập năm 2019 nhưng HTX Nông nghiệp Tiên Phong (Vị Xuyên) đã ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Nhờ nhạy bén với khoa học công nghệ, HTX đã thành công với mô hình khởi nghiệp canh tác nông nghiệp nhà lưới thông minh. Từ diện tích nhà lưới vài trăm mét vuông ban đầu, đến nay, HTX phát triển 2 cơ sở tại xã Phương Tiến và Phong Quang (Vị Xuyên) với tổng diện tích nhà lưới trên 3.000 m2; thu nhập bình quân hàng năm trên 500 triệu đồng. Đặc biệt, HTX đang cụ thể hóa ý tưởng ứng dụng công nghệ “Vườn dưa 4.0” vào thực tế. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra đó là thiếu vốn và thị trường tiêu thụ. Anh Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc HTX cho biết: Để thay thế những mảnh đất cằn bằng hệ thống nhà lưới trồng cây ăn quả với ứng dụng công nghệ trồng mới, có hệ thống tưới và cung cấp dưỡng chất cho cây tự động, được điều khiển bằng điện thoại thông minh, giúp tiết kiệm công sức, chi phí, tăng hiệu quả sản xuất là một bài toán khó. Với kết quả có được, HTX mong muốn tiếp tục được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tạo điều kiện hỗ trợ giúp HTX mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Đi tìm nguyên nhân gây ra rào cản phát triển HTX nông nghiệp, tỉnh nhận diện hoạt động của các HTX chủ yếu thiếu nguồn lực tài chính, thiếu nhân lực nên không tạo động lực thúc đẩy HTX phát triển. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành đối với việc củng cố, phát triển hoạt động HTX chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên. Triển khai các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX chưa cụ thể, kịp thời để các HTX tiếp cận và thực hiện. Các HTX có xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng chưa mang tính định hướng lâu dài và chưa mạnh dạn cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Quy mô về vốn ít, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật để hoạt động. Một số cán bộ quản lý HTX ít quan tâm đến việc học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Điều đáng nói đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về HTX kiểu mới. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ HTX phát triển, đôi khi chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Thiếu nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính hỗ trợ phát triển các HTX. Một số HTX thiếu chủ động, chưa tự cố gắng vươn lên, chậm thích ứng với cơ chế thị trường. Đa số cán bộ chủ chốt HTX chỉ được đào tạo qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn nên hạn chế trong quản lý, phát triển hoạt động các HTX.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lò Thị Mỷ cho rằng: Xu hướng phát triển HTX nông nghiệp ngày càng yêu cầu cao về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm an toàn, chất lượng, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm để cung cấp đến tay người tiêu dùng các sản phẩm an toàn, chất lượng. Các HTX nông nghiệp giúp người nông dân yên tâm về thị trường đầu ra, từ đó định hướng sản xuất theo kế hoạch, bám sát nhu cầu thị trường, tránh được tình trạng “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa” như trước đây, nâng cao thu nhập một cách ổn định, từ đó có định hướng đầu tư vào công nghệ, tìm hiểu kỹ thuật mới, giống mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đối với doanh nghiệp khi tham gia liên kết với các HTX nông nghiệp giúp cho các doanh nghiệp ổn định giá và chất lượng sản phẩm đầu vào; kiểm soát được chất lượng và sự an toàn của sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín của nhà phân phối, là điều kiện để chiếm lĩnh khách hàng và mở rộng thị trường, mở rộng quy mô thương mại.

Hướng đến nông nghiệp xanh, bền vững

Dựa trên quan điểm, mục tiêu Nghị quyết số 20, ngày 16.6.2022, Hội nghị lần thứ 5, BCH T.Ư Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tỉnh ta xác định xây dựng các HTX nông nghiệp trở thành một trong những mô hình kinh tế nòng cốt ở khu vực nông thôn, hoạt động và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường; thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ dân, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, cộng đồng.

Cán bộ kỹ thuật Hợp tác xã Tuấn Dũng kiểm tra sự phát triển của đàn ong mật.

Đứng trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX cam VietGAP xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng cam Sành sau thu hoạch, giảm chi phí đầu tư trong quá trình trồng và chăm sóc theo hướng bền vững. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX hạn chế việc trồng mới, tập trung thâm canh, chú trọng vào chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, tập huấn quy trình thu hái, bảo quản cam cho các thành viên và người dân để nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các biện pháp sản xuất nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đến môi trường. Anh Lã Văn Bắc, thành viên HTX chia sẻ: Khi tham gia vào quy trình sản xuất, người dân không còn trồng thủ công, các xã viên HTX áp dụng chăm sóc cam theo quy trình VietGAP từ cách làm đất, chọn giống, cắt tỉa, loại bỏ cây sâu bệnh... Qua hướng dẫn của HTX, bà con sử dụng các chế phẩm bảo vệ thực vật, phân bón sinh học, cung cấp chất hữu cơ hợp lý cho cây trồng; nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên diện tích, năng suất và sản lượng cam của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước.

Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm được HTX bảo đảm và sản xuất theo hướng sản phẩm hữu cơ. Hiện, HTX trồng gần 90 ha cam Sành; trong đó, 40 ha được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; sản lượng trung bình đạt 25 tấn/ha. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn cam đạt tiêu chuẩn, đem lại thu nhập cao cho các thành viên. HTX bao tiêu cho các thành viên với giá khoảng 20.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt gấp đôi so với trước. Không chỉ tuân thủ quá trình sản xuất khoa học, HTX cam VietGAP xã Vĩnh Hảo đăng ký mã vạch, xây dựng thương hiệu và đưa quả cam Sành tiêu thụ ở các tỉnh thành trong cả nước và các siêu thị, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử…

Giám đốc HTX cam VietGAP xã Vĩnh Hảo Hoàng Quyết Thắng cho biết: HTX phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nông dân liên kết hoặc tham gia HTX để quy trình sản xuất đồng bộ, sản phẩm bảo đảm cả chất lượng và hình thức nên đã khơi thông đầu ra cho sản phẩm cam. Hiện nay, diện tích của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn “ba cùng” - cùng giống, cùng kỹ thuật chăm sóc và cùng phân bón nên chất lượng sản phẩm đồng đều, đẹp về mẫu mã, được dán tem truy suất nguồn gốc.

Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp nhằm tổ chức lại sản xuất, kinh doanh ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn hiệu quả, bền vững, phù hợp với định hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, thu hút đầu tư, chia sẻ lợi ích - trách nhiệm giữa các bên liên kết. Phát triển HTX nông nghiệp hướng đến mục tiêu củng cố, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động; chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia; thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh đa chức năng, đa dịch vụ, phục vụ lợi ích của thành viên và người dân; đa dạng về mô hình tổ chức, hoạt động, phù hợp với tính chất và điều kiện đặc thù vùng, miền, địa phương, trình độ phát triển và nhu cầu của thành viên; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; tăng cường liên kết giữa các HTX nông nghiệp, hình thành các liên hiệp HTX nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long cho biết: Hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, tỉnh đang nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTX nông nghiệp trở thành mô hình KT – XH quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới... hướng đến mục tiêu cuối cùng mang lại ấm no cho đồng bào biên cương cực Bắc.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202312/ket-noi-mat-xich-chuoi-gia-tri-ky-cuoi-go-rao-can-phat-trien-d593829/