Kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Góp phần đưa ý tưởng vào thực tiễnTin khácĐiểm tựa vững chắc cho người lao độngSâu nặng nghĩa tình

Để hiện thực hóa dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) nếu chỉ riêng nỗ lực của tác giả thì rất khó đi đến thành công và mang lại hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy, Sở KHCN đã chủ động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST hỗ trợ các tác giả thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Minh Huấn, Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST là nhiệm vụ thường xuyên của Sở KHCN. Từ năm 2021, công tác hỗ trợ tập trung vào kết nối mạng lưới KNĐMST. Trong đó, đơn vị chủ công là Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ các tác giả, nhóm tác giả tạo ra sản phẩm đáp ứng điều kiện lưu thông trên thị trường; kết nối kênh tiêu thụ phù hợp; đưa các mô hình kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án xã hội vào thực tế khai thác.

Các sản phẩm nông sản của huyện Chi Lăng trưng bày tại Lễ ra quân Phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn (20/7/2021)

Thực hiện mục tiêu trên, Sở KHCN đã tiến hành khảo sát lựa chọn các dự án có tính khả thi để hỗ trợ. Đồng thời, khảo sát nhu cầu hỗ trợ KNĐMST trên 2 nhóm đối tượng là các cá nhân triển khai công tác hỗ trợ KNĐMST và các cá nhân có dự án KNĐMST để điều chỉnh, định hướng công tác hỗ trợ KNĐMST sát với thực tế, nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, Sở cũng kết nối với chuyên gia tư vấn hỗ trợ KNĐMST tổ chức tập huấn để tác giả, nhóm tác giả xây dựng hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm, dự án. Sở KHCN phát huy vai trò trong việc giới thiệu tác giả, nhóm tác giả tham gia các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ, trung tâm KNĐMST quốc gia tổ chức; kết nối các chủ thể với các doanh nghiệp, Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đầu năm 2022, sở đã cải tạo và đưa vào hoạt động khu làm việc chung hỗ trợ KNĐMST với các phòng chức năng như: thư viện, hội trường, phòng làm việc chung… Từ khi đưa vào hoạt động, mỗi ngày đều có các tác giả, nhóm tác giả đến tra cứu thông tin, yêu cầu hỗ trợ, liên kết…

Từ năm 2021 đến nay, Sở KHCN đã kết nối tổ chức 5 khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hệ sinh thái KNĐMST cho hơn 200 cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng thời, kết nối với các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa… đối với 6 dự án khởi nghiệp; đưa hơn 20 sản phẩm lên nền tảng không gian số techfest 247; hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho 1 sản phẩm; hỗ trợ về địa điểm, không gian cho 1 dự án. Hiện nay, sở đang giới thiệu và mời các chủ thể của 10 dự án, ý tưởng khởi nghiệp, sản phẩm OCOP tham dự hội thảo kết nối tiêu thụ sản phẩm tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia diễn ra trong tháng 8/2022 tại tỉnh Lai Châu.

Qua việc kết nối của Sở KHCN đã có nhiều sản phẩm đảm bảo các điều kiện lưu thông trên thị trường, tăng doanh số bán hàng, được hiện thực hóa. Cụ thể như sản phẩm thạch đen Hồng Nhung (Tràng Định) sau khi được hỗ trợ đã đáp ứng được các điều kiện lưu thông trên thị trường và được siêu thị Happy mart tại Hà Nội ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; thông qua hoạt động kết nối, từ năm 2021 đến nay, sản phẩm bún ngô Thuận Anh (Đình Lập) đã tăng 30% doanh số bán hàng nhờ tham gia các hội trợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm; dự án giáo dục hướng nghiệp dành cho học sinh trung học phổ thông Tumany cũng tổ chức thành công 2 mùa nhờ sự hỗ trợ của Sở KHCN trong việc kết nối địa điểm, không gian.

Chị Đinh Thị Hồng Nhung, Giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ, đại diện nhóm tác giả dự án giáo dục hướng nghiệp dành cho học sinh trung học phổ thông Tumany cho biết: Sau khi dự án đạt giải tại cuộc thi KNĐMST năm 2021 chúng tôi đã được Sở KHCN tạo điều kiện cho tham gia khóa đào tạo do Bộ KHCN tổ chức. Trong quá trình triển khai các khóa học nhóm được hỗ trợ kết nối với các đơn vị, các địa điểm có liên quan để triển khai dự án. Ngay trong năm 2022, nhóm được sử dụng toàn bộ hội trường khu làm việc chung KNĐMST trong 10 ngày triển khai khóa học… Nếu không có sự đồng hành như vậy, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi hiện thực hóa ý tưởng.

Phát triển nhanh, bền vững là mục tiêu của các hoạt động hỗ trợ KNĐMST. Kết nối các ý tưởng, dự án với những thành phần trong hệ sinh thái sẽ giúp các chủ thể có cơ hội trong việc hiện thực hóa ý tưởng, phát triển mô hình, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục được Sở KHCN đẩy mạnh, hướng tới đi vào chiều sâu.

HOÀNG VƯƠNG

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/515075-ket-noi-mang-luoi-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-gop-phan-dua-y-tuong-vao-thuc-tien.html