Kết nối hạ tầng giao thông, tạo đà phát triển

Huyện miền núi Hướng Hóa có địa hình đa dạng. Núi và sông, suối xen kẽ nhau, chia cắt với nhiều vực sâu, đèo cao. Đó chính là yếu tố bất lợi để phát triển hạ tầng giao thông. Nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư từ các cấp, các bộ, ngành trung ương nên huyện Hướng Hóa đã từng bước xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông.

Hạ tầng giao thông thị trấn Khe Sanh được xây dựng đồng bộ - Ảnh: N.B

Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện có đường xe ô tô về đến tận trung tâm. Hệ thống giao thông toàn huyện gồm 102 km đường quốc lộ, tỉ lệ cứng hóa đạt 100%; 60 km đường tỉnh lộ, tỉ lệ cứng hóa đạt 100%; hơn 530 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 18 tuyến đường huyện với tổng chiều dài trên 160 km, tỉ lệ bê tông, nhựa hóa đạt 67,86% và 86 tuyến đường xã với tổng chiều dài hơn 181 km, tỉ lệ cứng hóa đạt 56,59%, các loại đường nông thôn khác với tổng chiều dài gần 191,4 km, tỉ lệ cứng hóa đạt 43,71%.

Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông nội thị có tổng chiều dài 89,11 km, gồm 102 tuyến chính đã được đặt tên đường, còn lại là đường khối, khóm. Trong đó, thị trấn Khe Sanh có 46 tuyến đường đã được đặt tên với tổng chiều dài 36 km, tỉ lệ cứng hóa đạt 73,25%, đường khối, khóm tổng chiều dài gần 14,6 km, tỉ lệ cứng hóa đạt trên 50%; thị trấn Lao Bảo có 56 tuyến đường đã được đặt tên với tổng chiều dài 30,5 km, tỉ lệ cứng hóa đạt trên 90%, đường khối, khóm có tổng chiều dài 7,78 km, tỉ lệ cứng hóa đạt trên 90%.

Những năm gần đây, tuyến đường tỉnh lộ ĐT.586 dài 38 km bắt đầu từ xã Tân Long vào xã Ba Tầng (còn gọi là đường Lìa) liên tục được đầu tư nâng cấp và trở thành con đường huyết mạch kết nối 7 xã vùng Lìa với các xã dọc Quốc lộ 9, thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo.

Đây cũng là tuyến đường độc đạo và có ý nghĩa hết sức quan trọng về QP-AN khu vực biên giới. Để phá thế độc đạo và giảm tải cho tuyến đường ĐT.586, tỉnh đã bố trí vốn đầu tư tuyến đường biên giới Khe SanhSa Trầm dài khoảng 30 km (điểm đầu tại Km 64+553 Quốc lộ 9 (thị trấn Khe Sanh), điểm cuối đấu nối tuyến ĐT.586 (đoạn xã Ba Tầng).

Kinh phí thực hiện dự án này trên 921 tỉ đồng từ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM).

Dự án này được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Sau khi hoàn thành, con đường này sẽ tạo ra sự kết nối năng động trên nhiều lĩnh vực giữa các xã phía Nam huyện Hướng Hóa với các vùng trong và ngoài huyện.

Thị trấn Lao Bảo có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và QP-AN của huyện Hướng Hóa. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp và sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, Nhân dân trong xây dựng đô thị loại IV nên thị trấn Lao Bảo đã dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hiện đại, đảm bảo thông thoáng, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Từ đó góp phần xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Hiện nay trên địa bàn huyện Hướng Hóa có nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông đang và được triển khai và sẽ triển khai nhằm hoàn thiện đồng bộ mạng lưới giao thông, phá thế độc đạo và tạo ra các sự kết nối phát triển vùng.

Đồng thời góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị, nông thôn, tạo điều kiện để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Mỗi dự án đều có tổng mức đầu tư tương đối lớn từ vài chục tỉ đến hàng trăm tỉ đồng, tiêu biểu như nâng cấp hệ thống đường đô thị thị trấn Khe Sanh tổng vốn 19 tỉ đồng; nâng cấp đường xã Thanh-xã Xy 92 tỉ đồng; nâng cấp tuyến đường đô thị Khe Sanh, Lao Bảo thuộc dự án GMS khoảng 40 tỉ đồng; xây dựng hệ thống đường kết nối các điểm du lịch huyện Hướng Hóa có tổng mức đầu tư 80 tỉ đồng; xây dựng tuyến đường biên giới Khe Sanh-Sa Trầm với kinh phí thực hiện trên 921 tỉ đồng...

Có thể khẳng định, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các vùng, giảm sự chênh lệch về mức sống và dân trí giữa các khu vực dân cư.

Đồng thời đáp ứng đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, phương tiện vận tải, nhu cầu lưu thông của người dân, doanh nghiệp ngày càng cao; tạo đà thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển và đảm bảo QP-AN.

Nhơn Bốn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/ket-noi-ha-tang-giao-thong-tao-da-phat-trien/178141.htm