Kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại: Nâng hiệu quả điều trị

– Những năm gần đây, các cơ sở y tế trên địa bàn đã tích cực ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào khám chữa bệnh y học cổ truyền, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Cán bộ Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh sử dụng phương pháp siêu âm điều trị cho bệnh nhân

Cán bộ Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh sử dụng phương pháp siêu âm điều trị cho bệnh nhân

Y học hiện đại với những ưu điểm như máy móc tối tân, kỹ thuật hiện đại đã từng ngày thể hiện vai trò giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh cấp tính, điều trị cấp cứu. Trong khi đó, với những bệnh mạn tính hoặc các di chứng do tai biến mạch máu não, các chấn thương cần điều trị lâu dài thì y học cổ truyền lại có những lợi ích nhất định. Do đó, việc kết hợp ưu điểm của hai loại hình y học này đã mang lại hiệu quả trong việc khám bệnh, chữa bệnh.

Đảm bảo an toàn, hiệu quả

Bác sĩ Triệu Quang Phú, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh chia sẻ: Hiện nay, bệnh viện thực hiện kết hợp khám và điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp y học cổ truyền với y học hiện đại. Mỗi bệnh nhân đến khám được bác sĩ chẩn đoán bằng các phương pháp của y học hiện đại, sau đó điều trị bằng phương pháp kết hợp giữa đông y và tây y, vừa châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, ngâm thuốc, đắp thuốc… Thực tế cho thấy, khi kết hợp như vậy đã mang lại hiệu quả tích cực, lợi ích tốt và giảm các tác dụng phụ cho người bệnh.

Nhờ đó, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh ngày càng thu hút được nhiều người đến khám và điều trị. Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện có 16.300 lượt người đến khám và điều trị (tăng 1.835 lượt so với cùng kỳ 2022). Ông Nguyễn Sơn Hà, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi bị tai biến mạch máu não hơn 13 năm qua. Tôi đến điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh 1 lần/năm. Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, tôi được điều trị bằng phương pháp cổ truyền kết hợp nhiều máy móc hiện đại. Nhờ đó, huyết áp của tôi được kiểm soát tốt, đi lại đỡ khó khăn, có thể chủ động trong sinh hoạt thường ngày không phụ thuộc vào người nhà như trước đây nữa.

Không riêng Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại được ứng dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Bác sĩ Triệu Thị Thảo, Phó Trưởng Khoa Nội – Truyền nhiễm – Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Tràng Định cho biết: Để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân, khoa được đầu tư nhiều máy móc hiện đại như: máy kéo giãn cột sống, siêu âm, lazer nội mạch, sóng ngắn… Dựa trên kết quả chẩn đoán, các bác sĩ có thể kết hợp phương pháp sử dụng thuốc và không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…) để nâng cao hiệu quả trong chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi sức khỏe cũng như khi điều trị các bệnh lý.

Nhờ đó, Khoa Nội – Truyền nhiễm – Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Tràng Định đã điều trị thành công các ca bệnh về xương, khớp, di chứng tai biến mạch máu não…

Cùng với điều trị, công tác dược trong các cơ sở y tế cũng được hiện đại hóa. Hiện nay nhiều đơn vị đã đưa vào sử dụng máy sắc thuốc và đóng gói tự động, liên hoàn từ khâu sắc đến đóng gói đảm bảo đúng liều lượng, chính xác, giúp nâng cao chất lượng thuốc cũng như tạo sự tiện lợi cho người bệnh trong sử dụng, vận chuyển, bảo quản.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng

Cùng với ứng dụng những trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ làm công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền cũng thường xuyên được đào tạo, cập nhật những kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 236 cán bộ công tác trong lĩnh vực y học cổ truyền tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, trong đó: bác sỹ là 52, y sỹ là 184. Hằng năm, các cán bộ ở các cơ sở y tế công lập, hội viên đông y luôn tích cực nghiên cứu khoa học nhằm ứng dụng khoa học hiện đại vào chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, thu hút bệnh nhân lựa chọn phương pháp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Duy Thìn, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hằng năm, khoa thường xuyên tổ chức tập huấn hoàn thiện kiến thức cho y, bác sỹ trong khoa và khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ học tập, nâng cao trình độ. Hiện nay, khoa có 14 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ theo học chuyên khoa I và 2 bác sĩ đang theo học lớp đào tạo chuyên sâu về y học cổ truyền. Đến nay, khoa thực hiện tốt được 60/94 kỹ thuật, đạt 70% tổng số kỹ thuật theo phân tuyến của bộ y tế, tiêu biểu như: châm cứu, giác hơi, cấy chỉ, xoa bóp bằng máy, kéo giãn cột sống… Bình quân mỗi năm, khoa có khoảng 1.500 bệnh nhân đến khám, gần 700 bệnh nhân điều trị nội trú.

Cùng đó, khoa y học cổ truyền của các bệnh viện còn linh hoạt kết hợp với các khoa lâm sàng ứng dụng các kỹ thuật mới y học cổ truyền điều trị thành công nhiều ca khó như: mãng châm điều trị bí đái sau đẻ, sau chấn thương cột sống, sau mổ sản, mổ cột sống; liệt mặt, liệt chi; di chứng tai biến mạch máu não; thoát vị đĩa đệm cột sống…

Ông Hoàng Văn Thành, 60 tuổi ở xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định cho biết: Tôi bị thoát vị đĩa đệm hơn 1 năm nay, các con mua cho tôi nhiều loại thuốc uống nhưng không khỏi. Từ đầu tháng 9/2023, tôi vào Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị, đến ngày thứ ba đã đỡ đau nhức. Tôi nhận thấy phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền rất phù hợp với người lớn tuổi chúng tôi. Các bác sĩ trong khoa đã sử dụng nhiều máy móc hiện đại nên việc điều trị trở nên nhẹ nhàng, đơn giản, tôi rất yên tâm, sức khỏe tiến triển tốt hơn.

Cùng với hệ thống khám chữa bệnh công lập, hơn 1.000 hội viên đông y trên địa bàn tỉnh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ, ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Những năm qua, các cấp hội đông y đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tăng cường ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Ngoài số lượng hội viên được đào tạo, đào tại lại tại các trường chuyên nghiệp, bình quân mỗi năm, Hội Đông y tỉnh phối hợp cùng Trung ương hội, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng tổ chức tập huấn chuyên môn được 4 lớp với hơn 150 học viên tham dự.

Được biết, tại hệ thống 11 phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền và 32 phòng chẩn trị y học cổ truyền, các hội viên đông y đã sử dụng các thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, các trang thiết bị, các hoạt chất đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam và các phương pháp, chuyên môn kỹ thuật của y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền để điều trị theo tình trạng bệnh lý, giai đoạn bệnh của người bệnh, theo dõi quá trình điều trị và đánh giá kết quả điều trị.

Thực tế khẳng định, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/612949-ket-hop-y-hoc-co-truyen-va-y-hoc-hien-dai-nang-hieu-qua-dieu-tri.html