Kết hôn nhiều năm nhưng không có con, đi khám mới biết bị rối loạn giới tính

Nam thanh niên 28 tuổi kết hôn nhiều năm nhưng không có con, đi khám mới biết bị rối loạn giới tính.

Ảnh: BVCC

Bệnh viện Việt Đức mới đây vừa phẫu thuật trả lại giới tính nam cho anh T.A (28 tuổi, quê Hà Giang). Theo đó, anh T.A chỉ cao 1,4m, từ nhỏ chỉ quen "tiểu ngồi" như nữ. Do tâm lý e ngại, anh không khám bệnh, đến khi cưới vợ, mãi không có con nên mới quyết tâm chữa.

PGS.TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), phát hiện bệnh nhân có lỗ đái thấp thể nặng, không thể đi tiểu bình thường như nam giới khác. Một bên tinh hoàn bị teo.

Xét nghiệm nhiễm sắc thể và nội tiết của người bệnh cho kết quả rối loạn phát triển giới tính thể hiếm gặp. Bệnh nhân được xác định nghiêng về giới tính nam nhưng vẫn có yếu tố nữ, chỉ định phẫu thuật trả lại giới tính nam - hạ tinh hoàn và sửa lỗ tiểu lệch thấp.

10 ngày sau mổ, lần đầu tiên trong cuộc đời gần 30 năm, anh A. có thể tự tin đứng tiểu bình thường như những người đàn ông khác.

Theo BS Nguyễn Việt Hoa, bệnh nhân đã trở về với cuộc sống bình thường. Nếu 6 tháng nữa vợ chồng anh vẫn chưa có con thì có thể lên kế hoạch can thiệp hỗ trợ sinh sản.

Ảnh minh họa

40 ca bất thường giới tính mỗi năm

PGS.TS Nguyễn Việt Hoa thông tin thêm rất nhiều trường hợp lỗ tiểu thấp thể nặng kèm theo tinh hoàn chưa xuống bìu sẽ bị nhầm lẫn là trẻ gái ngay sau sinh.

Nhiều trẻ khi chào đời, nữ hộ sinh thông báo là nam/nữ, bé sẽ lớn lên với quan niệm giới tính đó. Trong quá trình phát triển, gia đình thấy bé "được cho là bé gái" có một bên mu phồng lên, sờ như có tinh hoàn, bên ngoài môi lớn không hẳn là môi lớn, cũng không hẳn là bìu. Bệnh nhân đến khám, bác sĩ chỉ định kiểm tra nhiễm sắc thể lại xác định đó là nam, với dương vật nhỏ, lỗ đái lệch thấp, nhìn bên ngoài thì như âm vật. Đó là lý do khiến bé bị nhầm lẫn giới tính.

"Việc các bé 'nhìn như là nữ' phát triển không đúng với giới tính, phải thay đổi giấy khai sinh, có thể là do quan niệm sai lầm ngay từ khi sinh ra, không phải do bệnh tật, bởi bản chất nhiễm sắc thể của bệnh nhân là nam", bác sĩ Hoa cho biết.

Theo vị chuyên gia, mỗi năm Việt Nam phát hiện, ghi nhận khoảng 40 ca bất thường giới tính. Bà khuyến cáo cha mẹ khi thấy trẻ có bất thường bộ phận sinh dục cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi để được thăm khám, tư vấn sớm, làm xét nghiệm thăm dò xác định giới tính. Điều này tránh quan niệm "bệnh chưa cần thiết, để đến lớn mới chữa", gây ảnh hưởng về tâm sinh lý của con trẻ.

Không những vậy, một số trường hợp giới tính mới được xác định lại khi bản thân đã qua tuổi trưởng thành, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và khả năng sinh sản.

Thực tế, nhiều dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ như tim mạch, thần kinh, chi… được phát hiện từ khi trước sinh và can thiệp ngay khi sinh. Tuy nhiên, dị tật tiết niệu sinh dục ở trẻ nếu không có biểu hiện ra ngoài thì rất khó phát hiện để điều trị sớm.

Trong đó, dị tật lỗ đái thấp chiếm tỷ lệ 1/300 trẻ nam. Can thiệp sớm giúp trẻ tránh nhiều nguy cơ như nhiễm trùng tiết niệu, ảnh hưởng cấu trúc bộ phận sinh dục. PGS.TS Nguyễn Việt Hoa cho biết các trường hợp phát hiện và điều trị sớm đều cho kết quả tốt về hình dạng bộ phận sinh dục ngoài và tâm sinh lý của trẻ.

Bệnh viện Việt Đức thường xuyên tổ chức chương trình khám, tư vấn miễn phí các bệnh lý thường gặp ở trẻ em để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Năm 2023, chương trình sẽ diễn ra vào ngày 27/5. Trẻ được chụp X-quang, siêu âm tầm soát các dị tật tiết niệu, sinh dục, bệnh lý gan - mật - tụy, dạ dày, ruột, táo bón; dị tật tay, chân, dị dạng lồng ngực; u lành tính và ác tính.

Mộc Trà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ket-hon-nhieu-nam-nhung-khong-co-con-di-kham-moi-biet-bi-roi-loan-gioi-tinh-20230517140414166.htm