Kết cục của những kẻ phản bội

Vừa qua, phi công Nga đào tẩu Maxim Kuzminov được cho là bị giết tại Tây Ban Nha. Trước đây, các điệp viên Liên Xô bỏ trốn Georgy Agabekov và Sergei Tretyakov… cùng chung số phận. Đó là kết cục của những kẻ phản bội.

Điệp viên đào tẩu Walter Krivitsky

Vào tháng 8-1937, tại Pháp, Georgy Agabekov, nhân viên Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên Xô đào tẩu bị đặc nhiệm của NKVD (Bộ Dân ủy nội vụ, tiền thân của KGB) hành quyết. Vào năm 1930, khi làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, do bất đồng với phương thức hoạt động của Tình báo Liên Xô và yêu Isabel Streeter - con gái điệp viên Anh tại Istanbul, Agabekov bỏ trốn sang Pháp.

Agabekov đã tiết lộ thông tin về mạng lưới tình báo Liên Xô ở nước ngoài và danh tính của gần 400 người cộng tác với Liên Xô ở Iran. 27 người trong số này nhận án tù, 4 người khác bị xử bắn. Agabekov gây thiệt hại không thể khắc phục và bị kết án tử hình. Sau đó, khi tham gia buôn bán đồ vật đã bị đánh cắp có giá trị, ông ta bị một người Thổ Nhĩ Kỳ được tình báo Liên Xô tuyển dụng dùng dao giết chết trên dãy núi Pyrenees gần biên giới Tây Ban Nha - Pháp.

Còn Walter Krivitsky (tên thật là Samuil Ginzberg) sinh ra tại Áo – Hung (sau đó thuộc về Liên Xô), hoạt động tình báo từ năm 1917. Krivitsky được cử tới Đức, Áo, Ý, Thụy Sĩ và đã xây dựng mạng lưới tình báo lớn nhất ở Tây Âu. Năm 1937, khi công việc bị đình trệ, Krivitsky được triệu hồi về Mátxcơva. Khi biết tin nhiều đồng nghiệp trong nước bị bắt, Krivitsky xin tị nạn ở Pháp. Sau khi chuyển tới Mỹ, ông ta đã tiết lộ danh tính của gần 100 người cộng tác với tình báo Liên Xô…

Ngày 10-2-1941, xác của Krivitsky đã được tìm thấy tại khách sạn Bellevue ở Washington cùng khẩu súng ngắn và lá thư tuyệt mệnh. FBI xác nhận ông ta tự sát. Krivitsky từng nói rằng, việc thanh toán mình có thể được tổ chức giống như vụ tự sát…

Sergei Tretyakov đã hợp tác với CIA

Mùa hè năm 1959, Nikolai Artamonov - Thuyền trưởng hạng 3, Chỉ huy tàu khu trục Sokrushitelny của Liên Xô cùng người tình trốn sang Thụy Điển. Sau khi được nhập quốc tịch Mỹ, Artamonov phục vụ cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm 1965, KGB quyết định tuyển dụng ông ta.

Vào năm 1968, Artamonov đã chuyển cho KGB tài liệu về những người đào tẩu khác, nhưng sau đó bị nghi ngờ không trung thực. Năm 1975, Artamonov bị dụ đến Áo để gặp điệp viên Liên Xô làm việc tại Mỹ. Khi vừa lên ô tô, ông ta bị trùm khăn tay tẩm chloroform lên mặt, được đưa tới Tiệp Khắc. Khi Artamonov bắt đầu tỉnh lại, các điệp viên Liên Xô liền tăng liều lượng thuốc mê khiến Artamonov tử vong...

Còn vào năm 1995, khi giữ chức Chỉ huy phó mạng lưới của SVR (Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga) tại New York (Mỹ), Sergei Tretyakov đã hợp tác với CIA. Vào năm 2000, gia đình ông ta xin tị nạn tại Mỹ. Tretyakov đã chuyển hơn 5.000 bức điện tín có độ mật cao nhất và hàng trăm báo cáo của SVR cho phía Mỹ... Ông ta đã nhận khoản tiền 7 triệu USD. Ngày 13-6-2010, Tretyakov bị đột tử, theo báo cáo pháp y, do bị nghẹn miếng thịt.

Trong khi đó, vào tháng 8-2019, trên đường về nhà từ một nhà thờ Hồi giáo ở Berlin (Đức), cựu chỉ huy phiến quân Chechnya (Nga) Zelimkhan Khangoshvili (40 tuổi) đã bị người đi xe đạp bắn 2 phát súng vào đầu và chết tại chỗ. Vào năm 2003, Khangoshvili từng tổ chức cuộc tấn công đoàn xe quân sự ở Ingushetia khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng và giả lực lượng an ninh Nga lập trạm kiểm soát để dừng ô tô rồi bắn chết tất cả những người mặc quân phục. Hắn cùng đồng bọn còn bắn vào trụ sở Cơ quan An ninh, Bộ Nội vụ Nga, bệnh viện khiến 98 người chết… Khangoshvili sau đó trốn sang Đức.

Sau khi Khangoshvili bị giết, lực lượng an ninh Đức đã bắt Vadim Krasikov, người Nga bị tình nghi là hung thủ. Ngày 15-12-2021, Krasikov bị kết án tù chung thân về tội giết người. Gần đây, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói bóng gió về cuộc đàm phán trao đổi Vadim Krasikov lấy Evan Gershkovich, người Mỹ bị bắt về tội hoạt động gián điệp…

Theo Military Today, Lenta, Ria

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ket-cuc-cua-nhung-ke-phan-boi-post568995.antd