Kết cấu lạ ở thành phố Bát Quái

Tân Cương (Trung Quốc) có một thành phố vô cùng kỳ lạ, mặc dù diện tích khá nhỏ nhưng được ví là mê cung, có kết cấu đặc biệt. Đó là thành phố Bát Quái.

Kết cấu bát quái độc đáo

Đặc Khắc Tư, hay còn gọi là Tekes theo phiên âm quốc tế, được mệnh danh "thành phố Bát Quái". Toàn bộ thành phố trông giống như một bản đồ Bát Quái thực thụ, những con đường được liên kết chặt chẽ với nhau theo quy luật, người dân bất kể đi đường nào cũng đều có thể đến được điểm đích mình muốn.

Đặc Khắc Tư là một thành phố giàu có nằm ở phía Đông, thượng nguồn sông Y Lê êm dịu. Bên ngoài thành phố này có rất nhiều thung lũng, thảo nguyên xanh ngát bạt ngàn, cũng là những nơi ngắm cảnh lý tưởng cho ai thích khám phá thiên nhiên.

Từ trên tháp cao hơn 50 m ở quảng trường trung tâm thành phố, phóng tầm mắt xuống toàn cảnh bên dưới, sẽ thấy một phần thành phố là bản đồ Bát Quái cầu kỳ, được thể hiện qua những con đường và cụm tòa nhà. Nếu ngồi trên máy bay, sẽ dễ dàng nhìn thấy cả thành phố là tấm Bát Quái hoàn chỉnh, trông vô cùng thần kỳ.

Thành phố chứa đựng văn hóa Kinh Dịch

Đặc Khắc Tư còn là thành phố Bát Quái nằm ở cực tây Trung Quốc thấm nhuần văn hóa Kinh Dịch. Trong lịch sử, nơi đây chính là đất nước du mục lớn nhất Trung Quốc - Ô Tôn.

Đặc Khắc Tư là sự kết hợp của tư tưởng Bát Quái và văn hóa Kinh Dịch. Thành phố được quy hoạch theo 8 tuyến đường chính, điểm giao nhau chính là quảng trường trung tâm. Mỗi con đường dài 1.200 m. Đồng thời, cứ mỗi 360 m có một vành đai nối tám tuyến đường chính.

Có 4 đường vành đai tỏa rộng dần từ trung tâm ra ngoài. Vành đai thứ nhất, gần trung tâm nhất, gồm 8 đường trục thẳng nối liền với nhau thành hình bát giác, vành đai thứ hai có 16 đường, vành đai thứ ba có 24 đường và vành đai thứ tư có 64 đường. Tất cả con đường này hệ thống nên Bát Quái 64 quẻ, đúng với số lý Kinh Dịch: 64 quẻ 386 hào. Vì vậy, để không bị lạc đường, mỗi con đường đều được lắp đặt tấm biển hướng dẫn vị trí.

Cách bài trí kỳ lạ của thành phố đã thu hút rất nhiều tín đồ Đạo giáo đến tham quan. Họ cũng tin rằng, nó chắc chắn được thiết kế bởi các chuyên gia thông thạo Kinh Dịch. Bởi vì thành phố không chỉ được xây dựng theo hình Bát Quái mà địa thế núi bao quanh cũng rất hài hòa, hình thành nên thế trận "tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ" trong Kinh Dịch.

Thành phố không có đèn giao thông

Năm 1996, cơ quan chức năng đã tháo gỡ tất cả đèn giao thông, biến nơi đây trở thành thành phố không có đèn giao thông đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc.

Theo đề nghị từ chuyên gia và học giả, vì các con đường được nối thông với nhau theo hình vòng cung, nên sẽ không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Các phương tiện và người đi bộ có thể đến địa điểm mong muốn bằng mọi con đường. Năm 1996, cơ quan chức năng đã cho tháo dỡ toàn bộ đèn giao thông.

Thành phố có bố cục như một mê cung, các con đường được nối với nhau song song, có thể gây bất tiện cho việc tìm kiếm địa điểm cần đến. Các tòa nhà được quy định không được xây quá độ cao cho phép. Vành đai thứ nhất là quảng trường trung tâm; vành đai thứ hai chủ yếu là các cửa hàng và tòa nhà dịch vụ công cộng; từ vành đai thứ ba trở đi là nơi ở của người dân.

Thành phố chống ngập lụt

Cả thành phố đều dựa theo hướng bát quái, bao quanh bốn vòng tròn lớn là 8 con đường chính gồm Càn, Khôn, Tốn, Chấn, Khảm, Ly, Cấn, Đoái. Vòng tròn đầu tiên gồm 8 tuyến phố, vòng tròn thứ 2 gồm 16 tuyến phố, mở rộng dần cho đến vòng ngoài có tổng cộng 64 tuyến phố. Cách thiết kế này không phải chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà mà chức năng chủ yếu là để chống ngập lụt.

Vì 8 tuyến đường chính trong bát quái mở rộng khắp các hướng nên lũ có đến từ hướng nào cũng sẽ rút nhanh. Điều quan trọng là mặt nền của thành phố nghiêng góc nhỏ từ Bắc xuống Nam, giúp quá trình rút nước diễn ra nhanh hơn. Dù mưa lũ đột ngột xảy đến, thành phố vẫn ngăn được ngập lụt.

Khánh Phương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ket-cau-la-o-thanh-pho-bat-quai-337211.html