Kết buồn của nhóm trai bản nơi bến sông Sê Pôn

Trong 4 người đứng đó, đã có người vì sự túng thiếu mà liều mình tuyên bố 'có tiền sẽ bất chấp', cũng có người vì nghèo khó mà đâm ra hờn giận cuộc đời để rồi sống… 'ngược lối'. Chính sự cố chấp, sự bất tuân pháp luật đó đã đẩy họ đến kết cục người bỏ mạng, người vĩnh viễn sống cảnh tù tội.

Nương rẫy của người dân thôn Thuận 1, xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hôm ấy không một bóng người, nhà nhà cứ thế bồng bế dắt díu nhau đổ dồn về địa điểm TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa lưu động. Thôn Thuận cũng từng vì Hồ A Ran, Hồ A Khay, Hồ Văn Long và Hồ A Liêm mà trở nên… dậy sóng, hôm nay thôn Thuận 1- lần nữa lại vì bốn con người này mà nước mắt bi thương.

Phiên tòa lưu động xét xử Hồ A Ran (1990), Hồ A Khay (1996), Hồ Văn Long (2000), Hồ A Liêm (1997, đều trú thôn Thuận 1, xã Thuận) về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” chật kín người. Có người là người thân ruột thịt, có người là bà con thôn bản cũng có nhiều người là dân nơi khác tìm đến vì sự hiếu kì. Trong số người thân của các bị cáo, phần lớn, họ đều là người khổ hoặc vô cùng khổ với cuộc sống mưu sinh hằng ngày, sự thực này dù muốn cố gắng che đậy, giấu giếm cũng khó. Nhiều xân, áo nhàu đến không thể nào cũ hơn, khuôn mặt rám nắng, tay chân chai sạn lấm lem, khắc khổ. Nhìn họ, rồi nhìn các bị cáo nhiều người không ngăn được tiếng thở dài tiếc nuối. Nếu những người con, chồng, cha, cháu… này biết giá trị của cuộc sống, nếu họ hiểu biết pháp luật, hoặc ít ra biết bằng lòng với thực tại thì người thân đâu phải chịu cảnh đau lòng như thế này.

Ran, Khay, Long và Liêm đã phải trả giá đắt vì sự lựa chọn thoát nghèo sai đường.

Ở cái thôn nằm sát với dòng sông Sê Pôn, dòng sông được coi là ranh giới để phân định địa giới Việt- Lào thì người dân không lạ khi nói đến các loại tội phạm lợi dụng địa hình này để hoạt động. Mặc dù vậy nhưng khi người dân thôn bản trở thành “nhân vật chính” thì không ai là không hoang mang. Ma túy vùng biên làm cuộc sống họ đảo lộn, cũng làm cho họ đối diện với cảnh phải mất đi những người thân trong gia đình, đó là điều trước nay họ rất sợ mỗi khi nghĩ đến. Đáng tiếc, điều họ hy vọng chỉ là “lo sợ” thì nay đều đã trở thành hiện thực, họ đã mất đi rất nhiều thứ quý giá xung quanh mình.

Hồ Văn Long là người dân tộc Ta ôi (Pa Cô), còn Hồ A Ran, Hồ A Khay và Hồ A Liêm đều là người dân tộc Vân Kiều, vì sống cùng thôn nên dù có chênh lệch dăm bảy tuổi họ vẫn chơi thân với nhau. No đói, vui buồn có nhau và đó cũng là lý do khi vướng vòng lao lý họ cùng nhau đứng đây.

Câu chuyện của bốn người bắt đầu từ khoảng 18 giờ ngày 13/8/2021, một người đàn ông người Lào không rõ lai lịch điện thoại cho Hồ A Ran nói “tối nay đi đưa hàng”. Chỉ cần nói vậy Hồ A Ran hiểu ý người này thuê vận chuyển ma túy nên trả lời “ừ”. Sau đó, Hồ A Ran chạy xe máy đến nhà Văn Long Long, tại đây Ran gặp Long, Hồ A Khay và Hồ Văn Liêm đang ngồi chơi. Một lúc sau, khi Long đi có việc cá nhân, Hồ A Ran mới nói với Khay và Liêm: “Tối ni họ nhờ đi cho họ một chuyến”. Nghe xong, Khay và Liêm hiểu ý là đi vận chuyển ma túy nên đồng ý. Khi Long quay trở lại, Khay nói cho Long biết việc đi vận chuyển ma túy thì Long cũng đồng ý tham gia. Khay, Ran, Long và Liêm thống nhất trong việc vận chuyển ma túy.

Cụ thể, Hồ A Ran sẽ là người sang Lào nhận ma túy rồi vận chuyển đến bến sông thuộc thôn Thuận 1, xã Thuận giao lại cho Hồ A Khay và Hồ Văn Long tiếp tục vận chuyển đến địa điểm giao cho người nhận, còn Hồ A Liêm thực hiện việc cảnh giới. Khoảng 22 giờ cùng ngày, Hồ A Ran đến bờ sông Sê Pôn (thôn Thuận 1, xã Thuận) chèo thuyền qua bờ sông thuộc Cụm bản Ka Túp - Mã Hạt (H. Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) đợi nhận ma túy. Khoảng 20 phút sau, một người đàn ông không rõ lai lịch đến và đặt lên mũi thuyền một gói ni-lông màu xanh, Ran biết đó là ma túy nên nhanh chóng chèo thuyền quay trở lại rồi điện thoại cho Khay và Long đến nhận.

Hồ Văn Long liền điện thoại báo cho Liêm đến ngã ba Cu Dừn (thôn Thuận 1) để cảnh giới và đón Ran. Hồ A Khay điều khiển xe máy chở Long đến bờ sông Sê Pôn nhận gói ma túy từ Ran rồi đi về hướng Thủy điện La La. Trên đường đi, Khay điện thoại hỏi Ran “giao hàng ở đâu” thì Ran cho biết người thuê vận chuyển sẽ liên lạc hướng dẫn. Sau khi nhận được hướng dẫn, Khay chở Long cùng gói hàng đến khu vực thủy điện La La (thôn Làng Vây, xã Tân Long, H. Hướng Hóa) để giao cho người nhận. Trên đường đi, Long gọi cho Liêm báo địa điểm giao ma túy. Liêm từ điểm cảnh giới chở Ran hướng ra QL9.

Đến nơi, Long đưa gói ma túy cho Ran rồi cùng Khay điều khiển xe máy đi khoảng 100m thì thấy có hai người đàn ông lạ mặt đang đứng đợi. Lúc đó khoảng 0 giờ 30 ngày 14/8/2021, Khay nhận được điện thoại của người đàn ông người Lào yêu cầu giao ma túy cho hai người đàn ông lạ mặt trên. Long ngồi sau nghe vậy liền điện thoại gọi Liêm chở Ran đưa gói ni-lông chứa ma túy đến cho Long. Long nhận và đưa túi ni-lông đựng ma túy đến mở ra cho hai người đàn ông lạ mặt kiểm tra. Ngay lúc đó, lực lượng chức năng ập đến bắt giữ Long cùng số ma túy tang vật. Còn Khay, Ran, Liêm và 2 người đàn ông nhận ma túy chạy xe tẩu thoát. Biết trốn không thể thoát, các ngày 14,16, 18/8/2021, Ran, Liêm, Khay lần lượt đến đến Đồn BP Thuận (BĐBP Quảng Trị) đầu thú. Qua giám định, số ma túy gồm 60.000 viên ma túy tang vật hơn 6kg là loại Methamphetamine.

Người ta nói, diễn biến có thể dài, rất dài nhưng kết quả thì luôn ngắn, gọn. Từ nhận lời, đi nhận hàng, giao hàng diễn ra dài, tinh thần, tâm trạng liên tục lên xuống theo thực tế nhưng thời khắc tra tay vào còng, đồ rằng Long còn chưa kịp cả chớp mắt hay nuốt nước bọt. Cho nên, hoàn cảnh “sa cơ” của Long, Ran, Khay và Liêm là cái kiểu mạnh dạn tuyên bố “vì tiền bất chấp” không nghi ngờ gì mà phút chốc biến thành sự châm biếm chỉ trong lần bắt tay vào phi vụ. Cả bốn người đứng đó có sợ?, có hối hận, có ăn năn?, thực lòng- những lời mà các bị cáo nói quyết tâm bước qua cái nghèo bằng bất cứ giá nào trước đó, chẳng qua chỉ là “võ miệng”. Bằng chứng, họ đã vô cùng lo sợ, vô cùng hối hận. Giờ này họ đã đứng ở vị trí của một người con, người vợ, người mẹ, người thân để nghĩ đến những tháng ngày nối tiếp. Họ muốn trốn chạy thực tế đau khổ này nhưng đã không thể, chỉ có thể ngậm ngùi nhận về mình sự trả giá.

Trong vụ án này, Hồ A Ran và Hồ A Khay phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm ấy, các bị cáo đã thành khẩn khai báo. Các bị cáo đều có trợ giúp viên pháp lý bào chữa tại phiên tòa và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ, cho các bị cáo có cơ hội chuộc lại lỗi lầm, rèn luyện, cải tạo làm người công dân có ích. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX nhận định cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng. HĐXX tuyên án tử hình đối với Hồ A Ran, Hồ A Khay và Hồ Văn Long, tuyên tù chung thân đối với Hồ A Liêm cùng về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Vết thương, sẹo mới- sẹo cũ vì cuộc sống mưu sinh của các bị cáo rồi cũng theo thời gian sẽ tự lành và có thể biến mất nhưng nỗi đau, vết thương lòng mà cả bốn để lại cho gia đình người thân thì vẫn mãi nằm đó. Không phải nghèo khó về tiền bạc khiến chúng ta đau khổ, thứ làm cho lòng người đau khổ chính là mất đi những người yêu thương vì những việc họ làm trái pháp luật. Nếu như Ran, Khay, Long và Liêm đau lòng một, thì người thân của họ nỗi đau đó đang nhân lên ngàn lần.

Cho nên, có nghèo đói, có khó khăn mong rằng những người dân thôn bản nơi vùng biên viễn biết thẳng thừng từ chối “thoát nghèo” bằng việc làm phi pháp. Một nồi khoai, nồi sắn, một vài con cá suối, hay cho dù chỉ còn lại một chén “vừng ít muối nhiều” đi chăng nữa nhưng gia đình quây quần vẫn là vui vẻ, vẫn là ấm áp bước qua mùa đông, vẫn là đủ thành viên trong gia đình để hướng về mùa xuân hạnh phúc!.

Trang Trần

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/ket-buon-cua-nhom-trai-ban-noi-ben-song-se-pon-41316.html