Kênh mương oằn mình 'cõng' rác thải

Một lượng lớn rác thải ứ đọng tại khu vực Lù 3, thuộc đoạn cuối kênh chính Nam (TX Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Mặc dù đơn vị quản lý và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, song tình trạng người dân vứt rác thải xuống kênh mương vẫn tái diễn. Hệ lụy là gây ứ đọng, tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đe dọa an toàn kênh mương.

Quá tải vì rác

Nhiều năm nay, ngoài việc dẫn nước tưới tiêu, đa phần hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn phải oằn mình “cõng” lượng lớn rác thải sinh hoạt từ các hộ dân sinh sống gần những tuyến kênh. Không chỉ rác thải sinh hoạt, người dân còn vứt cả xác động vật chết, dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng tại những khu dân cư ở cuối các tuyến kênh.

Bà Võ Thị Hồng Thoa ở khu phố 2, phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa), cho biết: Gia đình tôi sinh sống và bán quán ăn gần khu vực Lù 3, đoạn cuối kênh chính Nam (hệ thống thủy nông Đồng Cam), nơi giao nhau với quốc lộ 1. Tại đây, hàng ngày, một lượng lớn rác thải sinh hoạt tồn ứ, bốc mùi hôi thối. Mặc dù mỗi tuần địa phương đưa xe đến thu gom, vận chuyển rác thải đi xử lý hai lần, nhưng lượng rác phát sinh quá nhiều nên không thể xử lý hết. Có những lúc, gia đình tôi phải thuê người đưa xe đến vớt xác heo chết trôi đi xử lý vì mùi hôi thối ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tải ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), tuyến kênh KC2 chảy qua địa bàn đang phát sinh một lượng rác thải sinh hoạt của các hộ dân thiếu ý thức vứt bừa bãi xuống kênh. Rác thải tấp ở những điểm cống lấy nước, đặc biệt ở cuối tuyến kênh, gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Theo Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, đơn vị quản lý 74 tuyến kênh mương với chiều dài khoảng 396km chảy qua hàng trăm khu dân cư để đưa nước về phục vụ sản xuất nông nghiệp với diện tích hơn 36.000ha. Tuy nhiên, hệ thống kênh mương này đang chịu nhiều áp lực vì phần lớn rác thải sinh hoạt của người dân vứt bừa bãi xuống lòng kênh, nhiều hộ dân còn lấn chiếm bờ kênh xây dựng các công trình trái phép.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, cho biết: Hầu hết tuyến kênh chính, kênh nhánh thuộc công ty quản lý đều qua các khu dân cư. Người dân thường vứt rác, xả thải trực tiếp xuống lòng kênh, lấn chiếm xây dựng công trình phụ trên đất chỉ giới của kênh.

Ngoài công tác vận động, tuyên truyền người dân không vứt rác xuống kênh mương, hằng năm công ty chi hàng chục triệu đồng để thuê các đơn vị thu gom, vận chuyển rác. Công ty cũng thành lập 10 trạm phụ trách 74 tuyến kênh mương với hơn 180 người. Ngoài công việc dẫn thủy, điều tiết nước, các nhân viên thủy lợi còn tham gia thu gom, xử lý rác thải tại các tuyến kênh mương.

Thay đổi nhận thức, hành vi của người dân

Việc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam bố trí nhân công vớt rác trên các kênh mương và thuê các đơn vị thu gom, xử lý chỉ là giải pháp tạm thời. Nguy cơ ô nhiễm môi trường, đe dọa đến an toàn các tuyến kênh vẫn xảy ra. Để giải quyết triệt để tình trạng này, điều quan trọng nhất là làm thế nào để thay đổi ý thức, hành vi của người dân sinh sống ở gần và dọc các tuyến kênh mương, nhất là ở khu vực đầu nguồn.

Bà Võ Thị Hồng Thoa kiến nghị: Người dân ở những địa phương có các tuyến kênh đi qua, đặc biệt là địa phương ở đầu nguồn cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, không vức rác thải xuống kênh mương. Chính quyền địa phương và đơn vị quản lý cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, có giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư và trên các tuyến kênh mương.

Theo ông Nguyễn Minh Huệ, thời gian qua, các địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc bảo vệ an toàn cho hệ thống kênh thủy nông Đồng Cam nhằm đảm bảo dòng chảy phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Khi phát hiện các hành vi vi phạm trên hệ thống kênh thuộc đơn vị quản lý, công ty chỉ có thể lập biên bản giao cho chính quyền địa phương xử lý.

“Thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng quy chế phối hợp thực hiện bảo vệ công trình thủy lợi, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân tham gia bảo vệ môi trường, không vứt rác thải, xác động vật chết xuống kênh mương gây cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc gia cố, bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với công ty để rà soát, thiết lập hồ sơ vi phạm, xây dựng kế hoạch tập trung giải tỏa, phân loại và đề xuất biện pháp xử lý”, ông Huệ nói.

Ngoài công tác vận động, tuyên truyền người dân không vứt rác xuống kênh mương, hàng năm Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam chi hàng chục triệu đồng để thuê các đơn vị thu gom, vận chuyển rác tại các tuyến kênh.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam Nguyễn Minh Huệ

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/300494/kenh-muong-oan-minh--cong--rac-thai.html