Kênh du lịch - 'cánh cửa đầu ra' tiềm năng của sản phẩm OCOP Cần Thơ

Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), là số lượng khiêm tốn so với các tỉnh, thành khác. Đầu ra cho sản phẩm OCOP luôn là trăn trở của các chủ thể và chính quyền thành phố. Tiếp cận các điểm du lịch nhằm tăng cường đầu ra, kênh tiêu thụ, quảng bá cho dòng sản phẩm đặc sản OCOP là hướng đi của thành phố Cần Thơ.

Chợ nổi Ba Ngàn (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) tấp nập ghe xuồng với bạt ngàn đặc sản hoa trái phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

OCOP là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp, nông thôn lớn thể hiện rõ vai trò tích hợp đa giá trị trong ngành nông nghiệp. Đó cũng là điểm nhấn để phát triển các nông sản đặc trưng của thành phố Cần Thơ. Hiện Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 - 4 sao.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn cho biết, các sản phẩm OCOP của địa phương không đặc thù, không tạo được đặc trưng riêng mà có sự tương đồng, giống các sản phẩm OCOP ở các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, thời gian qua, sản phẩm OCOP Cần Thơ tiêu thụ rất khó.

Trước khó khăn về bài toán đầu ra cho sản phẩm OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ triển khai khảo sát và trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của thành phố ở 25 điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng... nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với khách du lịch.

Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm nhấn du lịch của thành phố Cần Thơ, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan. Tuy nhiên, thời gian qua, chưa có các sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc của Cần Thơ được trưng bày, quảng bá đến khách du lịch.

Mới đây, thành phố Cần Thơ đã ra mắt điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, đặt tại cơ sở hủ tiếu Nhà Bè (trên chợ nổi Cái Răng) với 10 chủ thể sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ tham gia kết nối.

Hiện cơ sở hủ tiếu Nhà Bè đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP nổi bật của thành phố Cần Thơ như trà mãng cầu Long Giang, trà mãng cầu Kim Nhiên, nước mắm cá sặc Tư Hon, trà thảo dược Hygie&Panacee, các sản phẩm chế biến từ đậu của Công ty TNHH MTV Ðinh Gia Foods, các sản phẩm bột đậu của cơ sở Thuận Hòa…

Mỗi tháng Công ty chế biến nông sản Trà mãng cầu Kim Nhiên (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) sản xuất ra 5 tấn trà mãng cầu và được tiêu thụ ở kênh trong nước lẫn xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty chế biến nông sản Trà mãng cầu Kim Nhiên nhận định tiêu thụ qua các điểm du lịch rất tiềm năng mà công ty đang hướng đến bởi ngành du lịch rất đặc thù và có thể đưa sản phẩm OCOP vươn xa. Thời gian qua sản phẩm Trà mãng cầu Kim Nhiên đã có mặt tại các cửa hàng đặc sản khách sạn Mường Thanh, Làng du lịch Mỹ Khánh, Khu du lịch Ông Đề...

"Nếu chúng ta bán sản phẩm ở cửa hàng siêu thị thì sản phẩm được tiêu thụ chỉ trong phạm vi nhất định. Nếu sản phẩm OCOP được bán ở các điểm du lịch sẽ có cơ hội đi khắp nơi trên mọi miền đất nước, thậm chí xuất khẩu. Khách du lịch sẽ đem sản phẩm OCOP đi xa hơn, có thể không mua tại thời điểm đi du lịch nhưng sau khi về sẽ kết nối thông tin để đặt hàng và có khi trở thành đại lý nhập sản phẩm về kinh doanh", bà Nguyễn Kim Nhiên chia sẻ.

Đồng quan điểm du lịch là kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP tiềm năng, anh Phạm Ngọc Đá, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa (huyện Phong Điền) nhận định, du lịch là thế mạnh quảng bá sản phẩm OCOP dễ dàng. Vì thế, thời gian qua, Hợp tác xã luôn mở cửa đón khách tham quan khu sản xuất, chế biến đông trùng hạ thảo. Kết hợp du lịch, khách hàng đến khu sản xuất sẽ biết đến quy trình cho ra sản phẩm, từ đó sẽ tin tưởng với sản phẩm.

Sau thời gian kinh doanh thêm mặt hàng sản phẩm OCOP, anh Nguyễn Thanh Trúc, chủ cơ sở hủ tiếu Nhà Bè cho biết, sản phẩm OCOP được du khách yêu thích lựa chọn, lượng hàng nhập vào đã được tiêu thụ nhiều. Vì vậy, cơ sở sẽ tăng số lượng nhập hàng, kết nối thêm các chủ thể OCOP khác nhằm đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh.

Với kinh nghiệm bán hàng cho khách du lịch, anh Trúc gợi ý, ngoài sản phẩm chất lượng, việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, chăm sóc khách hàng cũng cần được chủ thể OCOP chú trọng để tạo điểm nhấn cho sản phẩm.

Với kỳ vọng trong giai đoạn 2023 - 2025, sản phẩm OCOP sẽ trở thành một trong những chương trình kinh tế nông thôn phát triển sôi động ở Cần Thơ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn cho biết, song song với con đường tiếp cận kênh du lịch để mở thêm "cánh cửa" đầu ra cho sản phẩm OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với sàn thương mại Mekong Expo chuyên về các sản phẩm đặc trưng; trong đó có giới thiệu sản phẩm OCOP Cần Thơ. Sàn thương mại này phục vụ cho các điểm du lịch là trọng tâm. Khi khách đến du lịch tại Cần Thơ, muốn mua sản phẩm OCOP chỉ cần quét mã chọn sản phẩm mà không cần mang về, khi khách về tới nhà thì nhận hàng và thanh toán. Điều này sẽ tạo được sự tiện lợi cho khách du lịch trong tiếp cận sản phẩm OCOP.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thực hiện đề tài khoa học công nghệ "Xây dựng và khai thác, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm OCOP". Đề án sẽ hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, các điểm quảng bá cho sản phẩm OCOP. Từ đó, tăng cường tiếp sức cùng các chủ thể sản phẩm OCOP tạo dựng được các thương hiệu sản phẩm đặc trưng đất Tây Đô.

Thu Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/kenh-du-lich-canh-cua-dau-ra-tiem-nang-cua-san-pham-ocop-can-tho-20230731105543355.htm