Kẻ trộm - tham thì thâm!

Kẻ trộm là kẻ chiếm đoạt tài sản của người khác làm tài sản của mình, nên về bản chất luôn là kẻ tham lam. Dựa vào nét tâm lý này, từ xưa cha ông ta có những vụ xử án rất thông minh.

Thời chúa Nguyễn trấn giữ Đàng Trong có quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng là người nổi tiếng công minh chính trực, hầu hết những vụ án ông xử đều được dân khen ngợi, kẻ phạm tội thì “tâm phục khẩu phục”. Chuyện kể ở vùng nọ có người làm nghề buôn giấy bị mất trộm giấy. Ngày ấy giấy rất quý, tính ra số tài sản bị mất không hề nhỏ. Người bị mất trộm bèn trình quan... Nội tán Nguyễn Khoa Đăng bèn cho người đi tìm hiểu, thu thập tin tức nhưng vẫn chưa tìm ra manh mối. Ông bèn nghĩ ra kế “dụ rắn ra khỏi hang”...

Ảnh minh họa: Báo Phụ nữ Việt Nam

Một ngày nọ, dân sở tại trong vùng được quan trên thông báo những người trong độ tuổi đinh tráng (nam từ 18 đến 50 tuổi) phải làm một tờ khai bằng giấy ghi rõ tên tuổi bản thân, cha mẹ, vợ con, quê quán, ngày tháng năm sinh... để chính quyền quản lý dễ dàng và minh bạch chuyện đóng góp tô thuế, lính lệ... Lệnh ban ra, dân phải thi hành. Mà công việc trước tiên là đi mua giấy. Giá giấy tăng chóng mặt... Kẻ trộm giấy kia thấy ngay một cơ hội vàng để tiêu thụ, chả nhẽ cứ giấu nhẹm đi thì vô ích nên bèn tung ra bán... Chỉ chờ có thế, người của quan Nội tán cải trang là người mua giấy, bắt đích danh kẻ trộm với vật chứng không thể chối cãi!

Đó là chuyện thật, được ghi trong sử sách. Còn sau đây là truyện dân gian.

Một hôm, có hai người đàn bà cùng mang một tấm vải lụa quý đến công đường nhờ quan phân xử tìm ra chủ nhân. Ai cũng bẩm quan tấm vải này là của mình, do nhà mình dệt, nay thiếu tiền nên đem đi bán. Cả hai đều nói giống nhau là mang vải ra chợ chưa bán được thì đã bị người này ăn trộm, may còn bắt được trình quan. Quan cho lính về nhà cả hai người điều tra đều thấy đúng như lời họ nói. Phân vân mãi chưa biết xử ai đúng ai sai... Quan bèn nghĩ ra một diệu kế. Quan hắng giọng lệnh lính lệ mang ra cái kéo thật sắc rồi nói, cả hai người đều nhận mà quan lại không biết là của ai, chi bằng cắt ra chia đôi... Lời vừa dứt thì một người tái mặt, nhất định không chịu, nói đó là mồ hôi công sức của mình nên không thể để mất đi một sợi vải, trong khi người kia lại có biểu hiện đồng tình với quan. Chỉ chờ có thế, quan quát lính trói ngay người có thái độ đồng tình này... Dõng dạc, vị “phụ mẫu” nói chỉ có kẻ tự mình làm ra mới thấy xót của, còn kẻ trộm thì vì tham nên bất kể nhiều ít, cứ được là thỏa mãn... Kẻ trộm cứng lưỡi...!

Đã thành một quy luật, kẻ trộm luôn có tâm lý tham lam, thích sở hữu những thứ tài sản mình muốn, càng nhiều càng tốt. Ngày nay, chúng ta coi tham nhũng là một loại tội phạm cần nghiêm trị. Về bản chất, chúng là những kẻ đục khoét tài sản của Nhà nước và nhân dân, tức là kẻ ăn trộm. Mà đã là kẻ trộm thì thường tham.

Như vậy, một bài học rút ra trong việc nhận diện tham nhũng là luôn có tính tham. Mà kẻ tham lam ngoài đời sống, nếu trong cùng cơ quan thì thật dễ nhận ra. Kẻ nào mồm leo lẻo nói mình là người thẳng thắn, vô tư nhưng hành động lại ngược lại, quyền lợi gì dù nhỏ cũng tìm mọi cách vơ vào, kẻ đó nếu ở cương vị có chức quyền thì sớm muộn khi có cơ hội sẽ trở thành kẻ tham nhũng. Tiếp nữa là bài học về giáo dục. Nhà Phật rất có lý khi sâu sắc dạy người đời rằng, tính tham là căn nguyên đầu tiên gây ra “bể khổ”, nên muốn hạnh phúc phải diệt trừ tính tham này. Đối cực với tham lam là thật thà. Nhà trường hôm nay cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục phẩm chất cơ bản ở thời hội nhập là thật thà, trung thực. Đó cũng là một cách “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”!

NGUYỄN THANH TÚ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/ke-trom-tham-thi-tham-739959