Kế Sách triển khai các phương án phòng, chống sạt lở

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã chịu ảnh hưởng khá lớn do sạt lở gây ra, làm khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Do đó, các cấp chính quyền địa phương trong huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình nhằm kịp thời phòng, chống sạt lở, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

Tình hình thiên tai diễn ra khó lường thời gian qua đã gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo thống kê của huyện Kế Sách, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 60 đoạn sạt lở ở các xã, thị trấn với tổng chiều dài là 1.675m, phần lớn điểm sạt lở tập trung tại khu vực ven sông, kênh, rạch. Cùng với đó, trên địa bàn huyện còn có 22 đoạn đê cồn thuộc địa bàn các xã: An Lạc Tây, Nhơn Mỹ và Phong Nẫm bị sạt lở, với tổng chiều dài là 1.169m. Đến nay, tại huyện đã tiến hành xử lý nhanh các đoạn sạt lở bờ bao, đường đal bằng nguồn kinh phí của các xã, thị trấn và của huyện. Riêng các đoạn sạt lở lớn, vượt nguồn kinh phí địa phương thì huyện đã kiến nghị đến tỉnh để hỗ trợ và cơ bản các điểm sạt lở đã được tỉnh triển khai thi công các công trình để khắc phục.

Sạt lở bờ sông trong năm 2021 xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Sạt lở bờ sông trong năm 2021 xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Là một trong những địa phương nằm ven sông Hậu, có địa hình là đất liền và cồn nên xã An Lạc Tây cũng thường xuyên xảy ra sạt lở lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Đồng chí Võ Thanh Việt - Phó Chủ tịch UBND xã An Lạc Tây thông tin, theo thực tế, hàng năm chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát gia cố khoảng 200 - 300m bờ bao đê cồn. Nhưng do tình hình sạt lở năm nay nhiều hơn nên phải tiến hành gia cố đến hơn 700m đê cồn (ở những nơi có nguy cơ bị sạt lở), với tổng số lên đến 15 đoạn đê. Cùng với đó, tại khu vực đất liền của xã cũng đã xảy ra 2 đoạn sạt lở, với chiều dài 35m, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và đi lại của người dân.

“Để kịp thời phòng, chống sạt lở và triều cường dâng (kể cả xâm nhập mặn), xã đã thực hiện các giải pháp như: thường xuyên kiểm tra các đoạn đê bao ở cồn, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các điểm xung yếu trước khi xảy ra sạt lở để bảo vệ diện tích hoa màu, cây ăn trái của người dân; đồng thời chúng tôi còn xây dựng đội xung kích phản ứng nhanh khi có thiên tai bất ngờ xảy ra để ứng cứu theo phương châm 4 tại chỗ và tổ chức trực Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai 24/24 giờ khi thời tiết diễn biến bất thường” - đồng chí Võ Thanh Việt cho biết thêm.

Cũng là địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở nên xã An Mỹ đã chủ động hơn trong công tác này. Tuy nhiên do tình hình thời tiết ngày càng phức tạp nên từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 21 điểm sạt lở, hầu hết các điểm sạt lở cặp lộ đal liên ấp, ven tuyến sông của xã với chiều dài khoảng 600m. Tình trạng sạt lở xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không chỉ khi mưa mới xảy ra sạt lở, mà lúc trời nắng nóng sạt lở vẫn xảy ra, có khi cả đoạn đường đal dài cả chục mét sạt lở xuống sông, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp Phụng An, xã An Mỹ tâm tình: “Con lộ đal phía trước nhà tôi bị sạt lở với chiều dài 30m. Trước khi xảy ra sạt lở, đoạn đường đal không có dấu hiệu bất thường và người dân vẫn đi lại thường xuyên trên đoạn đường này. Đến tối thì bất ngờ cả đoạn đường trên sạt lở ập xuống sông, may mắn không gây thiệt hại về người”.

Theo thông tin từ lãnh đạo huyện Kế Sách, hiện nay, trên địa bàn huyện đã triển khai khắc phục hầu hết các điểm bị sạt lở nhỏ và các điểm có nguy cơ bị sạt lở cao, kể cả các đường đal lộ giao thông nông thôn có đoạn bị sạt lở. Đồng chí Lê Hoàng Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết: “Riêng các điểm sạt lở có quy mô lớn, cần nguồn kinh phí nhiều để khắc phục thì huyện đã đề xuất tỉnh hỗ trợ và tỉnh cũng đang tiến hành triển khai thi công các công trình khắc phục sạt lở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. Ngoài giải pháp xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, huyện còn tăng cường công tác tuyên truyền đến tổ chức và người dân về phòng, chống sạt lở bờ sông; quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông không để xây dựng, nâng cấp nhà ở làm tăng nguy cơ sạt lở; di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-ke-sach/ke-sach-trien-khai-cac-phuong-an-phong-chong-sat-lo-53134.html