'Kẻ lừa đảo Tinder' bán đủ thứ sau khi nổi tiếng nhờ Netflix

Ngoài bán video của mình trên nền tảng Cameo, Simon Leviev tiếp tục kinh doanh NFT, áo phông và cho biết đã thuê cả người quản lý nổi tiếng.

Sau Tinder Swindler của Netflix, Simon Leviev, tên thật là Shimon Hayut, bất ngờ nổi tiếng khắp thế giới. Lợi dụng điều này, "kẻ lừa đảo Tinder" bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh chính tên tuổi và hình ảnh của mình.

Mới nhất, Hayut đã tạo một NFT (tài sản kỹ thuật số) mang tên "Peter Hurt" - hình ảnh chụp Peter, vệ sĩ của Hayut, ngồi trên xe cứu thương với khuôn mặt đầy máu.

Theo Independent, đây chính là bức ảnh mà Hayut thường gửi cho các cô gái với lời nhắn "kẻ thù đang truy đuổi anh", Peter vì bảo vệ nên trúng đạn. Sau đó, gã yêu cầu nạn nhân gửi tiền cho mình.

NFT này hiện có sẵn trên Opensea, một thị trường trực tuyến chuyên mua và bán hàng hóa kỹ thuật số, với giá bán lên đến 403,68 USD.

 Hình ảnh Hayut và vệ sĩ tên Peter trên phim tài liệu của Netflix.

Hình ảnh Hayut và vệ sĩ tên Peter trên phim tài liệu của Netflix.

Chưa hết, Hayut còn ra mắt trang web của riêng mình với một danh mục dành riêng để bán hàng hóa.

Tại đây, gã đăng bán những chiếc áo phông được in slogan như "Kẻ thù đang đuổi theo tôi", "Khi kẻ thù truy đuổi và bạn cần 20.000 USD", "Nếu cô ấy thực sự yêu bạn, nàng sẽ vay 20.000 USD cho bạn"...

Mỗi chiếc áo được bán với giá 28 USD. Nhưng nếu mua kèm một video được tạo lập cá nhân hóa từ Hayut, khách hàng phải trả đến 200 USD.

 Hayut quảng cáo áo phông trên các trang mạng xã hội của mình. Ảnh: @just_simon_leviev.

Hayut quảng cáo áo phông trên các trang mạng xã hội của mình. Ảnh: @just_simon_leviev.

Tuần trước, "kẻ lừa đảo Tinder" đã tham gia nền tảng mang tên Cameo, một ứng dụng mà các nhân vật có thể tính phí người hâm mộ bằng việc gửi các tin nhắn video được cá nhân hóa.

Với 199 USD (tương đương 146 bảng Anh), khách hàng sẽ nhận được Cameo từ Hayut. Nếu người mua là doanh nghiệp, họ phải trả 1,600 USD (tương đương 1,460 bảng Anh).

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Inside Edition, Hayut khẳng định mình là một "doanh nhân hợp pháp". Anh cũng thông báo đã ký hợp đồng với người quản lý là Gina Rodriguez, một giám đốc tài năng làm việc cho Gitoni Inc., công ty giải trí có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ).

Ngoài ra, Hayut hoàn toàn phủ nhận mọi cáo buộc lừa đảo. Anh chỉ trích 3 người phụ nữ xuất hiện trên phim tài liệu, Cecilie Fjellhøy, Pernilla Sjöholm và Ayleen Charlotte, vì đã thiết lập trang GoFundMe để đòi lại số tiền mà anh nhận từ họ.

Hayut được cho là đã lừa đảo khoảng 10 triệu USD từ các nạn nhân của mình.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-lua-dao-tinder-ban-du-thu-sau-khi-noi-tieng-nho-netflix-post1298533.html