Kể chuyện cuộc đời 'bà chúa thơ Nôm' trên sân khấu chèo

Sau 37 năm kể từ khi ra mắt vở 'Hồ Xuân Hương' do Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, người yêu chèo mới lại được gặp 'bà chúa thơ Nôm' qua vở 'Xuân Hương nữ sĩ' vừa được các nghệ sĩ Đoàn Chèo Hải Phòng trình diễn. Cách xử lý ngôn ngữ sân khấu khéo léo, kết hợp lối diễn tinh tế, giọng chèo mượt mà đã mang đến nhiều dấu ấn cảm xúc cho người xem khi thưởng thức tác phẩm.

Cảnh trong vở chèo “Xuân Hương nữ sĩ”. Ảnh: Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là hiện tượng đặc biệt của lịch sử văn học Việt Nam. Trong số bảy danh nhân văn hóa đất Việt được UNESCO vinh danh, chỉ có bà là nữ. Không chỉ để lại cho đời di sản thơ Nôm độc đáo, giàu giá trị, những sáng tác thơ của Hồ Xuân Hương còn chuyển tải một tư tưởng nhân văn, nhân bản sâu sắc, với thông điệp mạnh mẽ đấu tranh bảo vệ phụ nữ, đòi quyền sống cho con người.

Tài năng thi ca cùng cuộc đời “bẩy nổi ba chìm” của bà đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt để nhiều đơn vị sân khấu dàn dựng. Tiêu biểu phải nói tới vở chèo gây tiếng vang “Hồ Xuân Hương” từng được Nhà hát Chèo Việt Nam ra mắt năm 1987, do Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đắc Sừ đạo diễn, dựa trên kịch bản của tác giả Thùy Linh, Bùi Đức Hạnh. Cũng chính kịch bản này đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng lựa chọn để đặt hàng Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dựng lại. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ các nhà nghiên cứu, tìm hiểu nhiều tài liệu, sử sách về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nữ đạo diễn nhận thấy cần phải dựng vở theo kịch bản mới, bởi dòng chảy cuộc sống năm 2024 đã khác xa so với năm 1987.

Hơn nữa, phải làm sao để yếu tố bi-hài đan xen hợp lý trong vở diễn mới có thể tăng tính hấp dẫn. Nếu vở chỉ có bi hay chính luận sẽ khó xem, khó tiếp cận công chúng hiện đại. “Sau khi trao đổi lại với Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai, chúng tôi quyết định nhờ tác giả Nguyễn Đức Minh, người rất thạo chữ Hán-Nôm, cũng rất hiểu thơ và Hồ Xuân Hương chắp bút kịch bản hoàn toàn mới. Ngay khi đọc kịch bản này, tôi đã vô cùng tâm đắc vì tìm thấy nhiều chất liệu văn học để chuyển thể thành chèo”, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.

Tài năng thi ca cùng cuộc đời “bẩy nổi ba chìm” của bà đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt để nhiều đơn vị sân khấu dàn dựng.

Tái hiện những thăng trầm, truân chuyên trong cuộc đời nữ sĩ họ Hồ, vở chèo “Xuân Hương nữ sĩ” bắt đầu với mốc Xuân Hương 29 tuổi, khi bà đang làm chủ quán thơ Cổ Nguyệt Đường nức tiếng đất Thăng Long. Tài thơ của bà vang khắp gần xa, được nhiều tao nhân, mặc khách mến mộ, trong đó có bạn thơ Chiêu Hổ. Sau nhiều lần đối đáp thơ phú, hai người phải lòng nhau, nhưng do Chiêu Hổ không dám ngỏ lời, cho nên sau đó Hồ Xuân Hương đã nên duyên với Tổng Cóc (Chánh tổng Nguyễn Bình Kình). Tổng Cóc vô cùng yêu mến, trân trọng tài năng thơ phú của Hồ Xuân Hương, song sau đó cũng buộc phải để Hồ Xuân Hương rời đi vì không đành lòng nhìn bà bị vùi dập, chịu nhiều oan ức.

Trở về Cổ Nguyệt Đường tiếp tục làm thơ, dạy học, Hồ Xuân Hương gặp lại ông bạn thơ Phủ Vĩnh Tường (Tú tài Phạm Viết Ngạn) thuở nào. Ngỡ rằng gặp được người tri âm tri kỷ, cả hai sẽ có cuộc sống hạnh phúc, song do quá thanh liêm, chính trực mà Phủ Vĩnh Tường bị bọn quan tham đương thời vu oan, câu kết bắt bớ rồi kết án tử… Bi kịch và những nỗi đau liên tiếp kéo đến khiến Hồ Xuân Hương phải thốt lên nhiều lời thơ ai oán. Vở diễn kết thúc bằng những câu trong bài “Bánh trôi nước”, để lại nhiều tiếc thương, day dứt trong lòng khán giả.

Cuộc đời nữ sĩ họ Hồ có quá nhiều thăng trầm, bi kịch và cả những bí mật chưa thể giải mã, nên việc lựa chọn tình tiết, chất liệu nào có sức nặng để đưa lên sân khấu cũng là một thách thức.

Cuộc đời nữ sĩ họ Hồ có quá nhiều thăng trầm, bi kịch và cả những bí mật chưa thể giải mã, nên việc lựa chọn tình tiết, chất liệu nào có sức nặng để đưa lên sân khấu cũng là một thách thức. Tìm lời giải cho điều này, vở “Xuân Hương nữ sĩ” đã tái hiện năm đại cảnh tương ứng với từng giai đoạn mang tính chất bước ngoặt trong cuộc đời Hồ Xuân Hương. Theo dõi vở diễn, người xem cảm nhận được sự tròn trịa, vừa phải, không bị sơ sài cũng không quá sa đà vào kể chi tiết.

Đặc biệt, trong phiên bản chèo vừa ra mắt, hình tượng Tổng Cóc đã được ê-kíp sáng tạo xây dựng lại, là nhân vật văn võ song toàn như những gì lưu trong sử liệu. Vô cùng trân trọng tài năng của Hồ Xuân Hương, cho nên dù đau khổ khi phải rời xa bà, ông vẫn chấp nhận vào hùa với hai người vợ để tìm cớ cho Hồ Xuân Hương rời xa, nhưng cũng là để bà được trở về với Thăng Long, nơi chắp cánh hồn thơ Hồ Xuân Hương, nơi bà có cơ hội được bay bổng với những lý tưởng của mình.

Không chỉ khắc họa sống động cuộc đời Hồ Xuân Hương bằng ngôn ngữ chèo, vở diễn còn tôn vinh di sản thơ đồ sộ của bà. Thơ Hồ Xuân Hương là sự kết tinh trải nghiệm từ chính cuộc đời bà cũng như từ thân phận của nhiều phụ nữ Việt Nam dưới thời phong kiến. Qua vở diễn, đội ngũ sáng tạo đã thể hiện được sự hiểu biết, đồng cảm với thơ Hồ Xuân Hương khi khéo léo kết nối những vần thơ phù hợp từng tình huống để làm sâu sắc hơn chân dung “bà chúa thơ Nôm”. Tương ứng năm đại cảnh sân khấu, Nghệ sĩ Nhân dân Đạt Tăng đã dụng công trong thiết kế từng cảnh trí sân khấu để tạo ra không gian, thời gian nghệ thuật hợp lý với cảnh huống kịch. Những làn điệu chèo mượt mà, sâu lắng được chuyển thể bởi Nghệ sĩ Nhân dân Minh Thu cũng đã góp phần mang đến sức hấp dẫn cùng sự uyển chuyển, mềm mại cho vở diễn.

Xem “Xuân Hương nữ sĩ”, ít ai nghĩ vở diễn được dựng trong thời gian ngắn kỷ lục chỉ hai tuần. Thế mới thấy không chỉ ê-kíp sáng tạo phối hợp ăn ý, mà cả đội ngũ diễn viên cũng đã nỗ lực hết mình trong những ngày cuối năm bận rộn để nhập vai rất “ngọt” với nhiều lời thoại dài, nhiều bài thơ Nôm khó nhớ. Đảm nhận vai diễn Hồ Xuân Hương, Nghệ sĩ Ưu tú Thùy Dương, gương mặt tài năng của Đoàn Chèo Hải Phòng đã khẳng định được nội lực cũng như bản lĩnh nghệ thuật của mình.

“Với tôi, đây là vai diễn nặng ký nhất từ trước đến nay. Đọc xong kịch bản, tôi rất tâm đắc nhưng cũng thấy cực kỳ áp lực, bởi vai diễn này do Nghệ sĩ Nhân dân Vân Quyền của Nhà hát Chèo Việt Nam từng thể hiện đã quá thành công và ấn tượng. Tôi bị sút vài cân vì lo lắng, trăn trở. Bà Hồ Xuân Hương là người phụ nữ mạnh mẽ nhưng tinh tế, rất sắc sảo mà cũng vô cùng nhạy cảm, bên ngoài lạnh lùng, bên trong ấm áp. Diễn thế nào để ra được chất đó không đơn giản”, nghệ sĩ Thùy Dương bộc bạch. Phải mất 10 ngày tập luyện, chị mới thật sự ngấm được tinh thần, tư tưởng của vai diễn, và nữ nghệ sĩ đã gây bất ngờ giới mộ điệu sân khấu khi thể hiện được một Hồ Xuân Hương mới đầy khí phách, mang đậm dấu ấn cá nhân và cũng vô cùng gần gũi với hơi thở thời đại mới.

Vở chèo “Xuân Hương nữ sĩ” dự kiến sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2024, và công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đúng kịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) sắp tới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ke-chuyen-cuoc-doi-ba-chua-tho-nom-tren-san-khau-cheo-post796613.html