Kazakhstan nhắm tới tiêm kích Rafale sau khi đưa MiG-31 ra đấu giá

Tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất sẽ thay thế vai trò của MiG-31 và MiG-29 trong Không quân Kazakhstan là viễn cảnh đang được nhắc đến.

Vũ khí Pháp - điển hình như tiêm kích Rafale đang lấn sân sang thị trường các quốc gia hậu Xô Viết, và điều này đã dẫn đến những lựa chọn rất thú vị.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Kazakhstan vào ngày 29 - 30/10/2023, đã có tổng cộng 6 hợp đồng lớn được ký kết, ngoài lĩnh vực kinh tế còn bao gồm cả quốc phòng.

Đặc biệt hai nước đã ký hợp đồng nhằm cung cấp cho Kazakhstan radar Ground Master 400 của Pháp. Trong tương lai, quốc gia Trung Á này còn bày tỏ mong muốn mua tiêm kích Rafale của Pháp sau khi Uzbekistan đã bày tỏ sự quan tâm trước đó.

Tuy nhiên số lượng máy bay mà Kazakhstan muốn mua và trong thời gian nào vẫn chưa được tiết lộ. Thông tin trên được nêu trong ấn phẩm La Tribune của Pháp, có đề cập đến thông báo từ đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Pháp - ông Michel Cabirol.

Mong muốn mua tiêm kích Rafale của Kazakhstan xuất hiện với độ trễ nhất định sau một thông điệp thú vị khác, đó là họ đã đưa tới 120 máy bay chiến đấu Su-24 và MiG-27, MiG-29 và thậm chí cả MiG-31 vào diện bán đấu giá.

Các phương tiện thông tin đại chúng Kazakhstan đã công bố kế hoạch tổ chức đấu giá bán những máy bay chiến đấu đã ngừng hoạt động của không quân nước này vào giữa tháng 10/2023, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin nào về kết quả.

Vấn đề nữa cần nói đến đó là Kazakhstan dự định bán những chiếc chiến đấu cơ không còn được sử dụng cho mục đích tháo dỡ nhằm tận dụng kim loại màu chứ không phải để tiếp tục sử dụng, hay thậm chí là nguồn cung cấp phụ tùng.

Hiện đại nhất trong phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Kazakhstan là 23 tiêm kích loại Su-30SM, được nhận từ Nga nhiều lần trong giai đoạn 2015 - 2022, 1 tiêm kích loại này đã bị mất trong vụ tai nạn.

Nhưng không chắc Kazakhstan muốn thay thế Su-30SM của Nga bằng việc mua Rafale từ Pháp, mà vai trò của chiến đấu cơ thế hệ mới là để lấp đầy khoảng trống mà những chiếc MiG-29 và MiG-31 đã ngừng hoạt động và được đem bán đấu giá để lại.

Đồng thời cần lưu ý thêm, Kazakhstan đã có kinh nghiệm trong việc mua và vận hành máy bay phương Tây, cho dù chúng không phải là một chiếc tiêm kích đa năng hiện đại như Rafale.

Không quân Kazakhstan đã có 8 máy bay vận tải C295 do Airbus sản xuất và tới năm 2024, dự kiến họ sẽ nhận chiếc đầu tiên trong số 2 máy bay vận tải hạng nặng A400M, hợp đồng đã được ký kết vào năm 2021.

Việc Kazakhstan đang "NATO hóa" lực lượng không quân của mình là một tín hiệu không tốt đối với Nga, khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước phòng thủ tập thể (CSTO) có xu hướng rời xa vòng tay của Moskva.

Thực tế trên ngày càng được nhắc tới sau khi Armenia công khai ý định chấm dứt tư cách thành viên CSTO, sau khi họ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong cuộc xung đột tại khu vực Nagorno-Karabakh với Azerbaijan.

Không chỉ có vậy, Uzbekistan - quốc gia có 12 chiếc MiG-29 đang hoạt động và 26 chiếc Su-27 nữa đang được cất giữ cũng muốn trở thành khách hàng mới của tiêm kích đa năng Rafale.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kazakhstan-nham-toi-tiem-kich-rafale-sau-khi-dua-mig-31-ra-dau-gia-post559371.antd