Jack Ma đã khác trước

Jack Ma xuất hiện trở lại ở Trung Quốc, nhưng không còn giữ vai trò doanh nhân và nhân vật trung tâm của giới công nghệ Trung Quốc như trước đây.

Mọi chuyện dường như diễn ra quá đột ngột. Sau một phát ngôn 3 năm trước tại hội nghị tài chính, Jack Ma bỗng nhiên biến mất trên mọi phương tiện truyền thông trong vài tháng. Ông gần như im lặng suốt 2 năm sau, trái ngược với cách hoạt động sôi nổi và đăng bài thường xuyên trên trang cá nhân có hơn 20 triệu lượt theo dõi trước đó.

Đến cuối năm 2022, nhiều hình ảnh cho thấy Jack Ma sống kín tiếng ở Tokyo. Sau đó, người ta thấy hình ảnh ông đi qua Thái Lan, Australia và nói về nông nghiệp.

Đầu năm 2023, Jack Ma trở lại Trung Quốc nhưng không còn xuất hiện dưới hình ảnh tỷ phú công nghệ như trước. Ông đến một ngôi trường do mình thành lập, với tư cách một nhà giáo dục và nói về AI. Ông thậm chí còn trở thành giáo sư thỉnh giảng tại một trường đại học ở Nhật Bản. Jack Ma cũng mới "đứng lớp" ở Tokyo trong hơn 2 giờ, với một bài giảng thu hút sự chú ý của nhiều học viên.

Bước ngoặt với ngành công nghệ Trung Quốc

3 năm trước, Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã đứng trước một hội nghị tài chính ở Thượng Hải để chỉ trích các cơ quan quản lý và ngân hàng nhà nước Trung Quốc, nói bóng gió rằng “tâm lý tiệm cầm đồ” của họ đang kìm hãm lĩnh vực công nghệ tài chính.

Bài phát biểu của ông diễn ra vài tuần trước khi công ty con Ant Group của Alibaba, chủ sở hữu của nền tảng thanh toán kỹ thuật số lớn nhất thế giới, Alipay, chuẩn bị IPO ở Thượng Hải và Hong Kong. Đáng nhẽ đây sẽ là đợt IPO lớn nhất thế giới.

Nhưng vào ngày 2/11/2020, một tuần sau bài phát biểu, Ma bị triệu tập để thẩm vấn bởi các cơ quan quản lý tài chính mà ông vừa chỉ trích. Đợt niêm yết trị giá 34 tỷ USD của Ant Group đã bị đình chỉ. Sau đó, Ma gần như biến mất, cho đến khi hình ảnh của lan truyền trên mạng cho thấy ông đến sống ở Nhật bản và Thái Lan.

Bài phát biểu của Jack Ma tại hội nghị kinh tế ở Thượng Hải tháng 10/2020 được coi như nguyên nhân chính dẫn đến rắc rối cho ông. Ảnh: Alibaba.

Việc Ma "ở ẩn" và từ bỏ vai trò người nổi tiếng cũng trùng hợp với bước ngoặt đối với ngành công nghệ ở Trung Quốc. Thương hiệu của Ma là tỷ phú tự thân từ Trung Quốc, và nhiều người cảm thấy ông là một nhân vật truyền cảm hứng về những việc mà một người bình thường có thể làm được. Sự "thất sủng" của tạo ra nhiều nghi ngại về việc Trung Quốc có thể hạn chế quyền lực của các tỷ phú.

Từ cuối năm 2020, các bản tin và mạng xã hội Trung Quốc ngày càng tập trung chỉ trích lịch làm việc “9-9-6” tại các công ty công nghệ, yêu cầu nhân viên làm việc từ 9-18h, 6 ngày một tuần.

Mọi người cũng phàn nàn về việc bị các thuật toán gài bẫy, lo ngại về bộ sưu tập dữ liệu khổng lồ mà các công ty công nghệ đang tích lũy và cách người giàu khai thác những dữ liệu này đê trở nên giàu có hơn. Lưu hành trên mạng xã hội Trung Quốc là thông điệp mọi người bị “kiểm soát bởi các công ty”, và sự thực đa số người Trung Quốc hàng ngày sử dụng Alibaba hoặc mắc nợ Alipay.

“Sức mạnh độc quyền của các công ty này rất lớn", Alison Zhao, nhà nghiên cứu công nghệ tại Đại học Northwestern, cho biết. Vì thế, chính phủ Trung Quốc cũng ngày càng quan tâm đến điều chỉnh hoạt động của Big Tech. Chính phủ nước này muốn các doanh nghiệp đảm nhận nhiều trách nhiệm xã hội hơn, nghiên cứu và phát triển nhiều hơn, thay vì chỉ sử dụng các nguồn lực ngoại cỡ để bán hàng, theo Wired.

Nhiều vấn đề vận hành của các công ty công nghệ Trung Quốc, chẳng hạn như văn hóa làm việc khắc nghiệt, bị phơi bày từ cuối năm 2020. Ảnh: Reuters.

Hầu hết công ty công nghệ hàng đầu đều phải điều chỉnh và Alibaba cũng không ngoại lệ. Công ty ứng dụng gọi xe Didi bị điều tra và tự nguyện hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York. Trang thương mại Tmall bị phạt vì định giá bất thường. Ant Group của Ma buộc phải tái cấu trúc, với chi nhánh tài chính tiêu dùng được quy định như một tổ chức tài chính.

Sau gần 3 năm, dường như đợt điều chỉnh của chính quyền Trung Quốc với ngành công nghệ đã đến hồi kết. Didi được phép quay lại các cửa hàng ứng dụng và các sếp Big Tech lại được tham vấn trong các diễn đàn chính sách lớn. "Dù vậy niềm tin của giới đầu tư vào các công ty công nghệ đã giảm đi rất nhiều. Sẽ mất nhiều thời gian để thị trường lấy lại niềm tin”, Zhao nói.

Mục đích sự trở lại của Jack Ma

Sự trở lại của Ma được một số nhà quan sát coi là dấu hiệu của mối quan hệ hợp tác giữa Big Tech và chính phủ Trung Quốc, mặc dù Ma không còn kiểm soát Ant Group nữa.

Sự trở lại của Jack Ma tạo hiệu ứng tích cực ngắn hạn với các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc, nhưng không đủ để khôi phục niềm tin của giới đầu tư. Ảnh: Reuters.

Theo Wired, tin đồn trong ngành công nghệ Trung Quốc nói rằng Ma đã được Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường mời trở lại, nhằm truyền đạt thông điệp mối quan hệ thân thiện với doanh nghiệp tư nhân, tương tự như chiến dịch đi khắp đến nước để nói về công nghệ lõi và sản xuất tiên tiếng của vị thủ tướng.

Vào ngày Ma trở lại Trung Quốc, cổ phiếu của Alibaba đã tăng 5,5%. Ngày hôm sau, Alibaba công bố kế hoạch chia thành 6 đơn vị, mỗi đơn vị có thể huy động vốn từ bên ngoài và phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Dù vậy, lĩnh vực công nghệ Trung Quốc vẫn cần nhiều hơn những cử chỉ mang tính biểu tượng để thu hút dòng vốn đầu tư trở lại. “Cần phải có các biện pháp thể chế để đảm bảo môi trường hoạt động của các doanh nghiệp sẽ tốt đẹp. Cần nhiều hơn việc Jack Ma quay lại để khôi phục lại niềm tin của giới đầu tư", Chim Lee, nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit, cho biết.

Jack Ma gần đây xuất hiện nhiều hơn với tư cách một nhà giáo dục. Ông trực tiếp đứng lớp trong 2 giờ, chia sẻ về triết lý quản lý ở một buổi học tại Đại học Toyko. Ảnh: Weibo.

Hơn nữa, Ma trở lại Trung Quốc không phải với tư cách là một doanh nhân mà là một giáo viên. Điểm dừng chân đầu tiên trước công chúng của ông ở Trung Quốc là ngôi trường do ông thành lập ở Hàng Châu. Vị tỷ phú nói về những thách thức mà AI đặt ra cho giáo dục.

Và mặc dù Ma vẫn là một biểu tượng trong lĩnh vực công nghệ, khi ông "nghỉ hưu", công chúng cũng đã chuyển hướng sự chú ý sang những lãnh đạo công nghệ mới như Lei Jun của Xiaomi và Zhou Hongyi của Qihoo 360. Các công ty Web 2.0 không còn được coi là điểm nóng, thay vào đó là những công ty đang phát triển AI và xe điện.

“Thời đại mà những doanh nhân công nghệ này được coi là động lực của nền kinh tế Trung Quốc đã qua rồi", Lee nhận định.

Hoàng Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/jack-ma-da-khac-truoc-post1440777.html