Italia bị loại bẽ bàng: Ngày Colosseo sụp đổ

Thế là ngày ấy đã đến. Ai cũng biết rồi nó sẽ đến, chỉ có điều, không ai ngờ được nó lại đến sớm như thế. Ngay sau vòng bảng ở một trong những bảng đấu “êm dịu” nhất lịch sử World Cup, đội đương kim vô địch Italia đã phải cúi đầu rời cuộc chơi. Với người Italia, đấu trường Colosseo dường như đã sụp đổ.

Ngày tàn của một triều đại đổ nát Đấu trường hai ngàn năm tuổi Colosseo giữa thủ đô Roma là một biểu tượng bất khuất của đất nước và con người Italia. Ở đó, trên những bậc thang vỡ nát, trên những bức tường và vòm cửa bằng đá in đậm dấu ấn thiên thu, là lịch sử vĩnh hằng, là niềm tự hào chiến thắng của người Italia về một thời La mã bá vương thiên hạ. Nhưng dù nó có to lớn và bền vững đến đâu, có trường tồn qua cả lịch sử văn minh thế nào, thì cũng chẳng thể cưỡng lại được sự bào mòn của thời gian. Colosseo đang đổ nát và sẽ tiếp tục đổ nát, để rồi sẽ có ngày nó sẽ sụp xuống chỉ còn cát bụi. Chắc phải ngàn năm nữa, nhưng ngày đó sẽ đến. Italia cúi đầu rời Nam Phi - Ảnh: Getty Azzurra đã là một biểu tượng chiến thắng đầy tự hào của người Italia như thế. Bốn năm trước, bóng đá Italia tạo nên một kỳ tích khi vô địch thế giới giữa cơn bê bối thế kỷ Calciopoli và sự nghi hoặc vào “đám trai làng” của HLV Lippi, người đã thất bại ở Juve trước khi lên cầm quân đội tuyển quốc gia. Cũng giống như Colosseo, đội bóng ấy, biểu tượng ấy đã đổ nát theo thời gian, dù mới chỉ 4 năm trôi, dù người ta đã nỗ lực gia cố nó bằng những nhân tố mới. Người ta biết đội bóng đổ nát ấy sẽ sụp đổ một ngày, chỉ là không thể nghĩ nó lại sụp đổ nhanh và thê thảm như vậy, chỉ sau 3 “cơn gió nhẹ” có tên Paraguay, New Zealand và Slovakia. Có rất ít nước mắt người Italia trên các khán đài sân Ellis Park khi đội bóng của Lippi thua Slovakia. Các tifosi thất vọng, nhưng không khóc. Một khi đã dũng cảm đến Nam Phi vì đội tuyển bất chấp hiểm nguy, thì cái chết được báo trước của Azzurra rõ ràng không đủ để họ phải khóc. Bắt đầu một triều đại mới Nếu Colosseo sụp đổ, người ta sẽ lại xây ở đó một biểu tượng lịch sử. Nếu Italia của Lippi sụp đổ, Prandelli sẽ xây lên từ đó một đội tuyển mới với những con người và tư tưởng hoàn toàn mới. Nếu Juventus không mạnh dạn đi đầu, phá bỏ sân Delle Alpi cũ kỹ và đầy bất cập, làm sao đất nước Italia có được một sân bóng hiện đại bậc nhất đang dần thành hình? Sự sụp đổ chóng vánh của Italia ở World Cup 2010 tuy thảm hại và đau đớn, nhưng là hợp lý và cần thiết để một diện mạo mới, những hy vọng mới hồi sinh từ đống tro tàn. Bắt đầu từ việc hai biểu tượng lớn nhất của thế hệ huy hoàng rồi tàn lụi ấy, Fabio Cannavaro và Lippi, chính thức ra đi. Hôm qua, LĐBĐ Italia đã quyết định: Ngày 1/7 tới, người kế nhiệm của Lippi, HLV Cesare Prandelli, sẽ chính thức ra mắt trên cương vị người dẫn đường mới của đội tuyển Italia. Đã 14 năm kể từ sau khi HLV huyền thoại Arrigo Sacchi rời ghế, Italia mới lại có một nhà cầm quân trẻ mà được đánh giá cao như Prandelli, dù vào ngày 19/8 tới, chỉ một ngày sau trận đầu tiên dẫn dắt Italia (giao hữu), ông cũng đã tròn 53 tuổi. Donadoni trẻ, nhưng là quá trẻ và vì thế, thành “non”. Trapattoni, Cesare Maldini hay Zoff đã thất bại vì quá già. Những cầu thủ chơi hay nhất World Cup 2010 của Italia là Montolivo (25 tuổi), Pepe và Quagliarella (27 tuổi). Ở độ tuổi vừa đẹp đó, họ sẽ là những hạt nhân cho một triều đại 4 năm của Prandelli và hướng đến những thành công tương lai. Những Cannavaro, Zambrotta, Iaquinta, Camoranesi hay kể cả Buffon và Pirlo, đều sẽ dần được thay thế. Cùng với những Criscito, Bonucci, Bocchetti và Marchisio – những người sẽ trưởng thành, thì ở phía trước, những Ranocchia, Santon, Balotelli, Poli đang chờ đến lượt mình. Nhiều lắm những hy vọng, cho mùa hè Ukraina & Ba Lan 2012. Bách Việt

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/129n20100626090702041t0/italia-bi-loai-be-bang-ngay-colosseo-sup-do.htm