Israel tuyên bố 'đánh đến điểm tận cùng': Cả thế giới 'bất lực'?

Khi Israel khăng khăng tấn công thành phố Rafah bất chấp những lo ngại của thế giới, mọi việc dường như đã ngoài tầm kiểm soát.

Ngày 30/4, một tin tức phát đi từ Phủ Thủ tướng Israel đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Theo đó, người phát ngôn của phủ thủ tướng cho biết, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ phát động chiến dịch tấn công thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza bất chấp thỏa thuận con tin đang chờ xử lý với Hamas và lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: “Ý tưởng về việc chúng tôi sẽ chấm dứt xung đột trước khi đạt được mọi mục tiêu là không thể thực hiện được. Chúng tôi sẽ tiến vào Rafah và tiêu diệt các tiểu đoàn của Hamas ở đó - dù có thỏa thuận hay không - để giành lấy thắng lợi hoàn toàn”. Rafah lập tức trở thành từ khóa được tìm kiếm trên internet khi nó xuất hiện trên khắp các mặt báo những ngày sau đó. Bởi đây là thành phố nằm ở cực Nam của Gaza, nơi đang trở thành điểm “nương náu cuối cùng” của hơn 1,5 triệu người Palestine tị nạn dồn về sau khi cuộc chiến bùng phát từ tháng 7/2023.

Tổng thống Joe Biden là người có tiếng nói quan trọng nhất để ngăn thảm họa ở Rafah lúc này.

Tổng thống Joe Biden là người có tiếng nói quan trọng nhất để ngăn thảm họa ở Rafah lúc này.

Tuyên bố “đánh đến điểm tận cùng” này của Israel được coi như “cái tát” vào mặt các lãnh đạo Hamas, những người trước đó đã thừa nhận đang “xem xét đàm phán” và cũng đồng thời là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực hòa giải đến từ Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ và cộng đồng quốc tế. Tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đặt chân đến Israel trong chuyến thăm lần thứ 7 tới Trung Đông kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột.

Sự việc diễn ra sau đó liên tục có những thay đổi khó lường. Sáng 1/5, thủ lĩnh chính trị của Hamas, ông Ismail Haniyeh cho biết, họ đang xem xét đề xuất thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza với "tinh thần tích cực" và sẽ sớm cử một phái đoàn đến Ai Cập để hoàn tất các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, theo điều khoản mới mà chính quyền Israel gửi tới Hamas thông qua các nhà đàm phán Ai Cập hôm 2/5 thì những điều khoản mới đã được bổ sung kèm theo thời hạn 1 tuần.

Khói bốc lên sau cuộc không kích vào Rafah, ngày 8/5.

Khói bốc lên sau cuộc không kích vào Rafah, ngày 8/5.

Đến ngày 6/5, áp lực một lần nữa gia tăng khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant cho biết, nước này cần phải tiến hành chiến dịch quân sự ở Rafah do Hamas từ chối các đề xuất hòa giải vì một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Cùng ngày, lực lượng vũ trang Israel đã bắt đầu kêu gọi những người Palestine ở thành phố Rafah di tản.

Ngày 7/5, một đề xuất ngừng bắn 3 giai đoạn được Hamas gửi tới Israel nhưng lập tức bị từ chối. Tối 7/5, hãng thông tấn Anadolu dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trên truyền hình nêu rõ: “Đề xuất của Hamas còn rất xa mới đáp ứng các yêu cầu của chúng ta... Israel không thể chấp nhận một đề xuất gây nguy hiểm cho an toàn của công dân và tương lai của đất nước”. Ông Netanyahu cho rằng, đề xuất của Hamas chỉ nhằm ngăn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến vào Rafah. Thậm chí, Thủ tướng Israel còn nói rằng IDF đã bắt đầu chiến dịch quân sự ở Rafah để tiêu diệt 4 tiểu đoàn Hamas tại đây. Hành động này của IDF cũng nhằm chiếm giữ biên giới với Ai Cập để đặt tất cả lối vào Gaza trở lại dưới sự kiểm soát của Israel.

Ngày 8/5, lực lượng bộ binh IDF đã xuất hiện ở ngay cửa ngõ Rafah. Israel phát thông báo tới các tổ chức quốc tế sơ tán khỏi Rafah, đồng thời kêu gọi những người Palestine ở phía Đông thành phố Rafah di chuyển đến một “khu vực nhân đạo” gần đó. Thảm họa đã đến gần.

Ngày 11/5, Israel thông báo đã có 300 nghìn người Palestine rời khỏi khu vực, dù không ai biết họ đã đi đâu. Cùng ngày, truyền thông Israel công bố quyết định của nội các chiến tranh Israel về mở rộng chiến dịch tấn công bộ binh vào Rafah.

Lều tị nạn được dựng ngay giữa đường phố Rafah.

Lều tị nạn được dựng ngay giữa đường phố Rafah.

Trong những ngày cái tên Rafah nổi bật trên khắp mặt báo vừa qua, thứ chúng ta thấy thường xuyên nhất là những sự phản đối và kêu gọi. Kể từ 7/10/2023, ít nhất 35.034 người Palestine đã thiệt mạng và 78.755 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Hàng trăm nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa để tránh cuộc xung đột và họ dồn hết về phía Nam - Rafah, giáp với Ai Cập - nơi vừa xa nhất, vừa có thể nhận được nhiều tiếp tế nhất, đồng thời có vẻ an toàn nhất đối với cuộc xung đột. Thành phố đang phải đón lượng người lớn gấp đôi so với trước cuộc xung đột. Nhưng, Rafah giờ đây cũng đã trở thành một “thảm họa”.

Hôm 12/5, Cao ủy Nhân quyền LHQ, ông Volker Turk nhấn mạnh một cuộc tấn công toàn diện của Israel vào thành phố Rafah là “không thể diễn ra” và không thể dung hòa được với luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia có ảnh hưởng làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn cuộc tấn công. Ông Turk đã gần như gào lên: “Lệnh sơ tán mới nhất ảnh hưởng đến gần 1 triệu người ở Rafah. Họ nên đi đâu bây giờ? Không có nơi nào an toàn ở Gaza!... Một cuộc tấn công toàn diện có thể gây ra tác động thảm khốc...”. Bên cạnh đó, Cao ủy Nhân quyền LHQ cũng bày tỏ quan ngại trước những báo cáo về việc phóng tên lửa bừa bãi ở khu vực gây nguy hiểm cho cả lực lượng LHQ đang làm nhiệm vụ. Thậm chí, hôm 11/5, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã thông báo phải tạm đóng cửa văn phòng tại Jerusalem vì bị “một nhóm người quá khích tấn công”.

Không chỉ vì số lượng khổng lồ người tị nạn dồn về mà hệ thống cơ sở hạ tầng của Rafah cũng đã bị thiệt hại nghiêm trọng bởi những cuộc không kích của Israel thực hiện từ nhiều tháng qua. Từ Tổng thư ký LHQ, các cơ quan nhân đạo, các tổ chức quốc tế cho đến các nhà lãnh đạo quốc gia khắp thế giới đều ra lời kêu gọi Israel dừng lại. Nhiều cuộc biểu tình phản đối Israel nổ ra khắp nơi trên thế giới. Nhưng, tất cả chỉ như muối bỏ bể, IDF vẫn tiến lên bất chấp những lời kêu gọi đó.

Nam Phi đưa ra đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ngăn chặn cuộc tấn công quân sự của Israel vào Rafah bằng một sắc lệnh. Ở một động thái mạnh mẽ hơn, Ai Cập, quốc gia có chung đường biên giới tại Rafah cảnh báo Israel về việc vi phạm đường biên giới hai nước bằng cách đưa quân đội vào thành phố sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề đồng thời xác nhận sẽ tham gia vụ kiện cùng Nam Phi cáo buộc Israel vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước diệt chủng ở Dải Gaza.

Trong nỗ lực “bảo vệ người dân Palestine”, Đại hội đồng LHQ tổ chức phiên họp khẩn liên tiếp từ ngày 9 đến 11/5 để công nhận tư cách nhà nước Palestine độc lập. Nhiều quốc gia phương Tây xóa quan hệ với Israel cũng đã đồng ý khả năng này. Nhưng, tất cả dường như chẳng có nghĩa lý gì. Thậm chí, cuộc họp Đại hội đồng hôm 11/5 còn bị phủ bóng đen bởi hành động khó tưởng tượng nổi của Đại sứ Israel: xé Hiến chương LHQ ngày tại nghị trường. Mọi phản ứng của cộng đồng quốc tế đều đã bị Israel bỏ ngoài tai, ngoài trừ...

Lục quân Israel áp sát Rafah.

Lục quân Israel áp sát Rafah.

Ai cũng hiểu, lý do duy nhất khiến Israel có thể thoải mái bỏ qua những cảnh báo và kêu gọi là sự ủng hộ công khai của Mỹ với chính quyền Israel. Không nghị quyết nào của LHQ có thể được đưa ra khi Mỹ (thành viên có quyền phủ quyết) vẫn bảo vệ Israel trước mọi lời chỉ trích. Mối quan hệ đặc biệt giữa hai bên đảm bảo cho sự ủng hộ mà Israel nhận được.

Tuy nhiên, sự ủng hộ đấy cũng không còn là “vô điều kiện” trong bối cảnh thế giới ngày càng phản đối mạnh mẽ. Trước tình huống Israel sẽ tấn công vào Rafah, hôm 8/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công khai cảnh báo sẽ ngừng cung cấp đạn pháo và các loại vũ khí khác cho đồng minh nếu tấn công Rafah. Ông Biden nêu rõ: “Nếu họ tiến vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp vũ khí từng được sử dụng... để tấn công các thành phố". Tuyên bố này sau đó đã nhận lại chỉ trích từ phía Israel nhưng nó cũng là phản ứng có sức nặng nhất cho đến thời điểm này. Ít nhất nó cũng đang làm chậm lại kế hoạch tấn công Rafah mà nội các Israel đưa ra trước đó.

Ở góc độ kỹ thuật, quyết định của Mỹ có thể không ảnh hưởng tới tương quan sức mạnh của IDF so với Hamas, nhưng về lâu dài, trước tình thế bị bao vây của Israel trước nhiều “kẻ thù”, đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng. Chỉ trong 7 tháng xung đột, ước tính 100 chuyến hàng vũ khí đã được Mỹ chuyển giao cho đồng mình của mình. Nếu Mỹ thực sự dừng cấp vũ khí, Israel sẽ còn lâm nguy hơn, họ sẽ phải tính toán và kiềm chế tham vọng của mình. Vì thế, dù không phải là sự phản đối như mong muốn, nhưng cách mà người Mỹ đang vẽ lên “lằn ranh đỏ” với Israel dường như lại là cách hiệu quả nhất cho tới lúc này, để ngăn lại một thảm họa.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/israel-tuyen-bo-danh-den-diem-tan-cung-ca-the-gioi-bat-luc--i731233/